08/12/2024 19:09 GMT+7

San lấp đất nông nghiệp bỏ hoang ở Hà Nội để làm gì?

Đất nông nghiệp bỏ hoang ở Hà Nội đã bị nhiều người dùng xe ba bánh tự chế chở theo đầy trạc thải (rác thải xây dựng) san lấp ngay giữa ban ngày. Đáng chú ý, tình trạng đổ trộm trạc thải diễn ra rất nhanh, chỉ tính bằng giây.

San lấp đất nông nghiệp bỏ hoang ở Hà Nội để làm gì? - Ảnh 1.

San lấp đất nông nghiệp bỏ hoang bằng trạc thải tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức) - Ảnh: DANH KHANG

Dùng trạc thải san lấp đất ruộng bỏ hoang

Tình trạng san lấp đất nông nghiệp bỏ hoang đã diễn ra ở một số huyện ngoại thành Hà Nội như Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai.

Dọc đường đê ở xã An Thượng (huyện Hoài Đức) có nhiều vị trí san lấp đất nông nghiệp diễn ra giữa ban ngày. Đặc biệt là khu đất cạnh thôn Ngự Câu, những chiếc xe ba bánh tự chế đổ trạc thải xuống khu đất nông nghiệp không canh tác từ nhiều năm nay.

Những ngày giữa tháng 11-2024, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hoạt động san lấp trái phép ở khu đất cạnh thôn Ngự Câu vẫn diễn ra. Nhìn từ trên cao diện tích bị đổ thải rộng cả nghìn m2, có cả máy múc hoạt động không khác gì công trường đang san lấp lấy mặt bằng.

Theo người dân xã An Thượng, khu đất nông nghiệp bị san lấp đã bỏ hoang từ nhiều năm nay. "Trước đây khu đất này vẫn cày cấy nhưng đã bỏ hoang nên khoảng mấy tháng nay nhiều điểm bị đổ thải. Cạnh mặt bằng đang san lấp là một bãi tập kết vật liệu xây dựng…", ông Chiến (xã An Thượng) nói.

Ngang nhiên san lấp đất nông nghiệp bỏ hoang - Ảnh 2.
Ngang nhiên san lấp đất nông nghiệp bỏ hoang - Ảnh 3.
Ngang nhiên san lấp đất nông nghiệp bỏ hoang - Ảnh 4.

Đất nông nghiệp bỏ hoang bị san lấp ở xã An Thượng - Ảnh: DANH KHANG

Tại xã La Phù, Vân Côn (cùng ở huyện Hoài Đức) nhiều khu đất nông nghiệp bỏ hoang cũng đã được san gạt lấy mặt bằng. Có những khu đất ở thôn Độc Lập (xã La Phù) được san gạt nằm ngay dưới đường điện cao áp 110kV, dù có biển cảnh báo nhưng bãi vật liệu xây dựng này vẫn tồn tại.

Có một số thửa đất nông nghiệp nằm cạnh tỉnh lộ 423 (xã Vân Côn) trạc thải vừa đổ xuống đã nhanh chóng được san gạt mặt bằng lấy nơi tập kết vật liệu xây dựng. Theo người dân địa phương, "nạn" đổ trạc thải ở khu vực cạnh tỉnh lộ 423 đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Tình trạng san lấp đất nông nghiệp bỏ hoang cũng đã diễn ra "nóng bóng" tại huyện Thanh Trì. Đáng chú ý là hai bên đường Đại Thanh thuộc các xã Đại Áng, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh.

Không ít ao hồ, khu đất nông nghiệp bỏ hoang đã nằm trong quy hoạch công viên từ nhiều năm trước nhanh chóng bị san lấp, tạo mặt bằng, quây tôn. Trong khi đó dọc tuyến đường Phạm Tu (huyện Thanh Trì) nhiều khu đất nông nghiệp bỏ hoang cũng đã bị san gạt tạo mặt bằng.

Đất trồng cây ăn quả cũng "mọc" lên bãi vật liệu xây dựng

Không chỉ đất bỏ hoang bị san lấp ngay giữa ban ngày mà đất nông nghiệp quy hoạch trồng cây ăn quả nằm ngoài đê sông Đáy thuộc địa bàn xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) cũng bị đổ đất, trạc thải và "mọc" lên bãi tập kết vật liệu xây dựng "khủng" rộng cả ngàn m2.

San lấp đất nông nghiệp bỏ hoang ở Hà Nội để làm gì? - Ảnh 5.

Đất quy hoạch trồng cây ăn quả ở xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) cũng "mọc" lên bãi vật liệu xây dựng - Ảnh: DANH KHANG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo một số UBND huyện, xã ở ngoại thành Hà Nội cho biết đã vào cuộc ngăn chặn tình trạng san lấp đất nông nghiệp bỏ hoang mà phóng viên phản ánh.

Ông Nguyễn Đình Thuật, chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), cho biết đơn vị này đã có báo cáo theo văn bản chỉ đạo của UBND huyện về tình trạng san lấp đất nông nghiệp. Theo ông Thuật, khu vực xảy ra tình trạng san lấp nằm trong quy hoạch đại công viên của TP Hà Nội.

"Một phần mái tôn đã được tháo dỡ, các phần mái tôn còn lại chúng tôi đang yêu cầu tháo dỡ hết. Tổ công tác của xã vẫn thường xuyên đi kiểm tra, không cho xây dựng gì trên khu đất nông nghiệp.

Việc người dân vẫn dùng tôn làm tường rào thì UBND huyện Thanh Trì đang giao Phòng Quản lý đô thị nghiên cứu xem có đúng quy định không", ông Thuật cho biết và nói "nếu dùng tôn làm hàng rào không đúng thì các khu đất nông nghiệp phải dùng hàng rào thép B40 có ô thoáng".

Một số khu đất nông nghiệp bỏ hoang hai bên đường Đại Thanh (huyện Thanh Trì) bị san lấp và những khu nhà xưởng đã được xây dựng từ trước đó - Ảnh: DANH KHANG

Xã bị phê bình vì không giải quyết dứt điểm

Trước đó khi tiến hành kiểm tra những khu đất bị san lấp trong thời gian qua, UBND huyện Thanh Trì có văn bản số 535 (ngày 30-10) thông báo "kết luận về tình trạng san lấp, đổ thải, vi phạm trật tự xây dựng trên tuyến đường Đại Thanh thuộc địa bàn ba xã Tả Thanh Oai, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh".

Theo đó, UBND huyện Thanh Trì cho biết qua kiểm tra rà soát vẫn còn tồn tại và phát sinh một số trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, san lấp đất nông nghiệp trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp do ba xã nói trên quản lý.

Đáng chú ý, UBND huyện Thanh Trì ghi nhận và biểu dương công an huyện đã kịp thời phát hiện và có các biện pháp ngăn chặn đối với các vi phạm, đồng thời phê bình UBND xã Đại Áng chưa kịp thời nắm bắt tình hình, không giải quyết dứt điểm tình trạng san lấp, đổ thải, vi phạm trật tự xây dựng.

Qua đó lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND xã Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai "nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng".

San lấp đất nông nghiệp bỏ hoang để làm gì? - Ảnh 9.Ngang nhiên san lấp hồ đẹp của thủ đô

Tình trạng san lấp ao hồ ở Hà Nội làm nhà xưởng, nhà kho, bãi xe, sân bóng, mặt bằng cho thuê diễn ra phức tạp trong nhiều năm qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên