11/04/2025 07:50 GMT+7

Chống ô nhiễm không khí: Giải pháp toàn diện, đồng bộ, cấp bách

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Thị An, viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng, cho biết chủ trương chống ô nhiễm không khí của Hà Nội đã triển khai từ lâu tuy nhiên kết quả chưa đạt được như kỳ vọng.

ô nhiễm không khí - Ảnh 1.

Bầu trời một số quận trung tâm Hà Nội trong một ngày ô nhiễm không khí - Ảnh: DANH KHANG

Theo bà An, để giải quyết triệt để ô nhiễm không khí, cần có các giải pháp đồng bộ nhưng không được cứng nhắc. 

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở mỗi khu vực khác nhau, ví dụ nội thành là phương tiện giao thông nhưng ở ngoại thành lại là các nguyên nhân khác như khói làng nghề, cụm công nghiệp, đốt rơm rạ, hoạt động xây dựng.

Trong những năm qua, một số giải pháp đã được triển khai và đã thành công bước đầu như việc vận động người dân không dùng bếp than tổ ong. Nhưng để xử lý ô nhiễm thành công cần một chiến lược dài hơi. Nếu vẫn cứ làm manh mún thì được chỗ này nhưng chỗ khác lại ô nhiễm.

"Sắp tới Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong 6 tháng cuối năm 2025, trong đó có nội dung về ô nhiễm môi trường, tôi cho rằng đây là việc làm rất cần thiết vì môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển bền vững. Sau giám sát phải có cả biện pháp chỉ đạo cho từng loại nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm", bà An nói.

Trong khi đó, TS Hoàng Dương Tùng (chuyên gia môi trường) nêu ý kiến: "Chống ô nhiễm không khí rất nan giải nhưng không phải không làm được.

 Nhiều quốc gia đã triển khai thành công. Giải quyết ô nhiễm môi trường không khí càng sớm thì càng đỡ tốn kém, hạn chế tổn thất, để lâu chi phí khắc phục càng lớn và phức tạp".

Ngày 10-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết thời gian tới bộ sẽ tập trung hướng dẫn các địa phương triển khai ngay việc kiểm kê xác định các nguồn thải vào môi trường không khí. Sẽ giao mục tiêu cụ thể hằng năm, trách nhiệm cụ thể hạn ngạch cho các lĩnh vực, địa phương như chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ rà soát, bổ sung chế tài xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về môi trường, cố ý lợi dụng để phát thải ra môi trường không khí.

Để cải thiện chất lượng không khí, trong những năm qua bộ đã nghiên cứu, xây dựng hệ thống cảnh báo, hướng dẫn các địa phương tổng hợp dữ liệu về nguồn thải và hiện trạng ô nhiễm. Một số địa phương đã triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường cấp tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa.

Để người dân dần thay đổi thói quen chuyển đổi từ phương tiện phát thải sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng cần có những nghiên cứu đánh giá cụ thể, bài bản. Trước mắt cần tập trung về ưu đãi thuế và trợ giá cho xe điện (như cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, xã hội hóa đầu tư).

Hà Nội: kiểm kê, giám sát nguồn thải

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, bên cạnh việc đầu tư nhiều tuyến xe buýt điện, tàu điện, Hà Nội nghiên cứu đề xuất các giải pháp, đặc biệt những giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh để giám sát theo dõi nguồn thải.

Quận Hoàn Kiếm, Ba Đình là nơi được áp dụng thí điểm vùng phát thải thấp trong thời gian tới, sẽ cấm hoặc hạn chế ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông trong khung giờ/thời điểm/khu vực.

Bên cạnh triển khai vùng phát thải thấp thì Hà Nội sẽ tập trung triển khai ngay việc kiểm kê nguồn thải, đánh giá thực trạng môi trường không khí, thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh trong công cộng và truyền thông mạnh mẽ cho người dân.

Theo công bố của Hà Nội thì hiện nay trên toàn TP có trên 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 1,1 triệu ô tô, khoảng 6,9 triệu xe máy. Đáng chú ý, xe máy sử dụng hơn 10 năm chiếm đến hơn 72% làm gia tăng mức thải độc hại.

Giải pháp toàn diện, đồng bộ, cấp bách - Ảnh 2.Cách cải thiện ô nhiễm ở Hà Nội, TP.HCM trong 5 năm

Đưa chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM về ngưỡng an toàn trong năm năm tới, đây là việc cần bắt tay vào làm ngay vì đã quá chậm rồi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên