Các bạn trẻ chạy Grab tại chung cư New Sài Gòn đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè, TP.HCM) mong muốn nhà mạng giảm giá cước vì ế ẩm do COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại dịch COVID-19 đang gây ra những ảnh hưởng to lớn về mặt tài chính với mọi người dân, doanh nghiệp. Giảm giá cước là cách để các nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet chia sẻ khó khăn với xã hội.
Nhu cầu tăng đột biến
"Các thiết bị kết nối mạng để giải trí, học hành trong nhà gần như chạy không lúc nào tắt suốt ngày", đó là chia sẻ của chị Phương Nghi (quận Phú Nhuận, TP.HCM) về nhu cầu truy cập Internet của gia đình chị kể từ sau Tết Nguyên đán.
"Nhà có ba đứa con chia đều ba cấp học nên chúng gần như dùng Internet mọi lúc. Thời gian đầu sau tết mình hạn chế thời gian sử dụng của chúng nhưng thời gian gần đây đành chịu. Cả nhà gần như ở nhà suốt ngày. Các thiết bị kết nối mạng như điện thoại, máy tính bảng, tivi, đầu đĩa game ở nhà tôi gần như hoạt động không ngơi nghỉ" - chị Nghi kể.
Tương tự, anh Thế Vũ (quận Bình Thạnh) cho biết không đi làm hay đi chơi, đi học được nên mọi hoạt động của cả nhà đều tập trung vào Internet. Thời gian gần đây tôi làm việc từ xa ở nhà nên cũng phải dùng máy tính suốt. "Do dùng gói cước trọn gói nên chi phí vẫn như mọi khi, có điều tôi có cảm giác tốc độ truy cập giảm rõ rệt. Chắc do quá tải" - anh Vũ nói.
Còn anh Huy Hải (quận Thủ Đức, chạy xe ôm công nghệ) cho biết cước phí cho gói cước Internet di động của mình là 120.000 đồng mỗi tháng, dùng để liên lạc với khách hàng, sử dụng dữ liệu để nhận cuộc gọi xe và hướng dẫn địa điểm đón, trả khách.
Do dịch bệnh lây lan, giờ người dân rất ít đi xe, số cuốc xe mỗi ngày chạy giảm dẫn đến thu nhập giảm, anh kỳ vọng nhà mạng cũng tham gia "chung tay" chia sẻ với khách hàng "nhưng không thấy có chính sách hỗ trợ đáng kể nào" - anh Hải nói.
Nhà mạng đã hỗ trợ những gì?
Theo tìm hiểu, dù nhu cầu sử dụng Internet tăng rất mạnh nhưng các nhà cung cấp không có động thái giảm giá cước cụ thể. Thay vào đó, các nhà mạng chỉ hỗ trợ theo dạng cộng thêm cho người dùng.
MobiFone cho biết miễn phí các giao dịch trực tuyến dạng: thanh toán cước và nạp tiền online; thanh toán cước tự động định kỳ AutoPay (tại website MobiFone và ứng dụng My MobiFone); thanh toán dịch vụ của ngân hàng...
VNPT cho hay từ ngày 1-3 đã nâng tốc độ các gói Home Combo, Home Net và Home Café nhưng vẫn giữ nguyên giá cước. Trong đó, Home Combo là gói cước cá nhân hóa theo nhiều mục đích sử dụng của khách hàng như kết nối, giải trí, thể thao, game...
Các nhà mạng cho biết họ đều đang miễn phí toàn bộ cước phí cho các thuê bao di động gọi đến đường dây nóng 19003228 của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona, miễn phí hoàn toàn cước data cho thuê bao di động khi truy cập vào trang thông tin điện tử của Bộ Y tế (có địa chỉ tại website www.moh.gov.vn).
Thậm chí cả những thuê bao hết tiền trong tài khoản, thuê bao hết dung lượng data vẫn được cập nhật thông tin về dịch bệnh một cách miễn phí.
Cần chia sẻ nhiều hơn
Ông Nguyễn Trường Giang, phó tổng giám đốc VinaPhone, cho biết: "Trong thời đại 4.0 hiện nay, nhu cầu sử dụng mạng di động của khách hàng ngày càng cao. VinaPhone coi việc mang lại tốc độ truy cập cao cho người dùng là điều kiện cơ bản. Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và triển khai các giải pháp để khách hàng được trải nghiệm dịch vụ trên nền tảng tốc độ cao".
Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia viễn thông uy tín (đề nghị không nêu tên), những hành động chung tay nêu trên của các nhà mạng di động dù rất đáng hoan nghênh nhưng vẫn còn nhỏ bé so với khả năng của họ.
"Các nhà mạng vẫn rất ích kỷ với doanh thu của mình thay vì san sẻ nó với người dùng, doanh nghiệp - những đối tượng đang bị tác động rất mạnh bởi dịch COVID-19. Các nhà mạng vẫn muốn đảm bảo doanh thu của mình, bất chấp khả năng chi trả của khách hàng.
Trong khi với tình hình dịch bệnh hiện nay, doanh thu của doanh nghiệp, thu nhập của người dân có thể giảm rất mạnh. Việc giảm giá cước một cách cụ thể rõ ràng cho thuê bao là thể hiện trách nhiệm của các nhà mạng với xã hội thời điểm cả nước chung tay chống dịch", người này nói.
Ông Vũ Hoàng Liên, chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cũng cho rằng các nhà mạng cần được động viên nhiều hơn trong việc thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội giữa thời COVID-19.
Tất nhiên, khách hàng muốn nhưng các nhà mạng không đơn giản muốn giảm là giảm được ngay. Họ có thể thể hiện trách nhiệm bằng nhiều việc khác chứ không chỉ riêng giảm cước, miễn sao nó thực sự có ý nghĩa. Quan trọng nhất vẫn là nhà mạng phải làm sao đảm bảo chất lượng dịch vụ đúng cam kết dù nhu cầu tăng.
Ông Ngô Trần Vũ (giám đốc Công ty Nam Trường Sơn):
Giảm cước và minh bạch
Việc giảm cước cho các thuê bao Internet, thuê bao di động trong tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay của các nhà mạng chắc chắn sẽ được người dùng hoan nghênh nếu điều đó xảy ra. Tuy nhiên, song song đó phải là việc đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như tính cước minh bạch cho khách hàng.
Theo tôi, cách tính cước data 3G, 4G với thuê bao di động nên kiểm chứng bằng công cụ đo thật minh bạch. Chẳng hạn, với chi phí 5.000 đồng/GB theo khuyến mãi hiện nay của nhà mạng tuy có vẻ rẻ nhưng rất nhiều người không tin do hết data quá nhanh.
Ông Nguyễn Văn Du (giám đốc Công ty First Page):
Chất lượng mạng phập phù
Công ty tôi và nhiều công ty khác triển khai cho nhân viên làm việc tại nhà nhưng hầu hết đều cho biết chất lượng mạng rất phập phù, ảnh hưởng đến tiến trình làm việc. Tuần rồi tôi lên công ty vì nghĩ chất lượng mạng sẽ ổn hơn vì dùng đến 2 đường truyền của 2 nhà mạng khác nhau, thế nhưng kết quả vẫn ì ạch dù chỉ có vài thiết bị kết nối.
Bức xúc nhất là những lúc họp trực tuyến với các đối tác, đang thuyết trình thì bị rớt mạng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc họp. Các nhà mạng hãy đảm bảo kết nối mạng trôi chảy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận