Chính phủ vừa ban hành nghị quyết dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nhằm thay thế cho nghị quyết 54. Tờ trình và nội dung nghị quyết này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 tới đây theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tăng thu 119.000 tỉ đồng để làm dự án trọng điểm
Tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù của TP.HCM đã nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng nghị quyết này. Với 12 điều, dự thảo quy định 7 cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho phát triển TP.HCM.
Cụ thể, về quản lý đầu tư, thành phố sẽ được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương nằm ngoài mức vốn đã giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; phân bổ vốn để bố trí hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.
Dự kiến nguồn tăng thu có thể huy động khoảng 119.000 tỉ đồng để thực hiện dự án trọng điểm, cấp thiết ngoài các dự án đã được Thủ tướng giao. HĐND sẽ chủ động, linh hoạt quyết định khi sử dụng các nguồn vốn này.
Thực hiện thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông. Trong đó, sử dụng ngân sách địa phương, xã hội hóa để triển khai các dự án đầu tư công độc lập.
Đây là những mô hình được tách riêng, để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại các vùng phụ cận như các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dọc tuyến Vành đai 3…
Các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được mở rộng thêm như thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích, di sản văn hóa. Tổng mức đầu tư tối thiểu không thấp hơn 100 tỉ. Ngoài ra là việc áp dụng các cơ chế thực hiện dự án theo hình thức BOT, BT...
Chủ động điều chỉnh thu phí đầu tư hạ tầng
Về các cơ chế tài chính ngân sách, dự thảo cho phép HĐND quyết định áp dụng điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định và hưởng 100% số thu tăng thêm.
Với nguồn cải cách tiền lương còn dư, TP.HCM sẽ được sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng, chi thu nhập tăng thêm; tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn. Tổng mức dư nợ vay của TP.HCM cũng sẽ được tăng thêm không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.
Ngoài ra, UBND quận sẽ được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2-4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, nhiệm vụ quốc phòng an ninh…
Đối với các cơ chế về quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, HĐND TP.HCM sẽ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 500ha phù hợp quy hoạch, kế hoạch. UBND TP.HCM được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật…
Miễn giảm thuế cho khởi nghiệp
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra các quy định khác liên quan tới thực hiện hợp đồng BT, đất sau khi lấn biển, gia hạn sử dụng đất nông nghiệp, cấp phép xây dựng, thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng; hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch, thu đổi phương tiện cũ để giảm ô nhiễm môi trường....
Để thu hút nhà đầu tư chiến lược, dự thảo cho phép thu hút các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên nằm trong quy định tại Luật Đầu tư. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào chất bán dẫn, sản xuất chip, vật liệu mới, công nghệ pin mới…
Nhiều chính sách hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên được đưa ra, bao gồm miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức khoa học và công nghệ; tổ chức trung gian khởi nghiệp; miễn thuế thu nhập cá nhân với chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại các đơn vị này...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận