Chính phủ Anh đề xuất lập đơn vị điều tra các công ty giao dịch với nhà nước
Theo Hãng tin Reuters, ngày 7-6, Chính phủ Anh đệ trình Quốc hội dự luật về việc mua bán của chính phủ. Dự luật này hướng đến việc bảo vệ những khu vực nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc gia bằng cách siết chặt các quy định mua bán thực hiện bởi chính phủ.
Dự luật mới tăng cường thẩm quyền của Chính phủ Anh trong việc cấm một số doanh nghiệp tham gia những gói thầu liên quan đến an ninh quốc gia và quốc phòng.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ thành lập một đơn vị chuyên trách việc mua bán liên quan đến an ninh quốc gia. Đơn vị này sẽ điều tra các nhà cung cấp mặt hàng, dịch vụ tiềm năng nhằm đánh giá xem họ có nên bị cấm giao dịch với chính phủ hay không.
"Những biện pháp này sẽ bảo vệ các mảng công tác nhạy cảm khỏi những công ty có thể đe dọa an ninh quốc gia. Đây cũng là sự ngăn cản quyết liệt với những thế lực không thân thiện muốn làm hại Vương quốc Anh", ông Jeremy Quin - thành viên cấp cao trong Nội các Anh - cho biết.
Dự luật này là một phần trong nỗ lực rà soát tầm ảnh hưởng của nước ngoài lên các công ty có giao dịch với Chính phủ Anh trong một số lĩnh vực quan trọng.
Đòn tấn công thẳng vào camera Trung Quốc
Theo Hãng tin Reuters, dự luật mới của Chính phủ Anh nhắm thẳng vào các doanh nghiệp cung cấp camera giám sát đến từ Trung Quốc. Từ cuối năm 2022, chính phủ do Thủ tướng Rishi Sunak đứng đầu đã yêu cầu các cơ quan nhà nước ngừng sử dụng camera giám sát của các doanh nghiệp này tại những tòa nhà nhạy cảm.
Trong tuyên bố được đưa ra ngay trước khi dự luật trên được đệ trình, Chính phủ Anh khẳng định: "Chúng ta sẽ tuân thủ một lộ trình gỡ bỏ các thiết bị giám sát được sản xuất bởi những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Luật Tình báo quốc gia Trung Quốc khỏi những địa điểm nhạy cảm".
Thông báo trên không chỉ đích danh công ty nào. Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp Anh từng kêu gọi cấm việc kinh doanh và sử dụng camera an ninh của Hikvision và Dahua - hai doanh nghiệp mà Chính phủ Trung Quốc đang nắm cổ phần. Lý do được đưa ra là lo ngại về quyền riêng tư và các cáo buộc vi phạm quyền con người của hai công ty này.
Dưới thời Thủ tướng Rishi Sunak, Anh đã có nhiều động thái nhằm hạn chế hoạt động của các công ty Trung Quốc. Tiêu biểu trong đó là việc cấm nhân viên chính phủ cài ứng dụng mạng xã hội TikTok trên điện thoại hồi tháng 3-2022.
Hồi cuối tháng 5-2023, ông Sunak cũng đã tuyên bố Trung Quốc là thách thức lớn nhất đến hòa bình và thịnh vượng của thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh các nước G7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận