28/07/2014 12:35 GMT+7

Chiến tranh sách giáo khoa tại Đông Á

HẢI MINH
HẢI MINH

TT - Đã từ lâu ở Đông Á, sách giáo khoa lịch sử là thước đo cho chiến thắng của chủ nghĩa dân tộc và là nơi thể hiện quan điểm của các quốc gia trong khu vực về những tranh cãi của thời hiện đại.

Chiến đấu cơ Trung - Nhật vờn nhau trên biển Hoa Đông Nhật sửa sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc dạy gì trong sách giáo khoa?

7paLrnPF.jpgPhóng to
Sách giáo khoa mới ở Nhật đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ Hàn Quốc - Ảnh: Reuters

Khi các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải gia tăng ở biển Đông và biển Hoa Đông, những tranh cãi về việc thể hiện lịch sử ra sao ở nhà trường cũng bùng lên dữ dội tại Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và đảo Đài Loan. Cuộc tranh cãi bắt đầu từ những diễn biến ở Nhật hai năm trước. Trong tuyên ngôn tranh cử của Đảng Dân chủ tự do Nhật năm 2012, các chính trị gia của đảng này hứa sẽ khôi phục các giá trị của “tinh thần yêu nước” trong giáo dục.

Họ gọi những cuốn sách giáo khoa sử mà Nhật đang dùng là “sự bộc lộ định kiến mang tính ý thức hệ dựa trên các quan điểm lịch sử tự dằn vặt mình”. Sau khi đắc cử với chiến thắng vang dội, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thành lập ngay một ủy ban để viết lại các sách giáo khoa lịch sử, hòng làm rõ ở những điểm nào mà cách giải thích quá khứ còn có khác biệt. “Đó là một lối tắt nhằm hạn chế việc nhắc tới quá khứ xâm lược của Nhật” - báo Economist dẫn lời giáo sư Daniel Sneider, Đại học Stanford (Mỹ).

Mỗi nước có vấn đề riêng

"Trung Quốc có một chiến dịch truyền bá chủ nghĩa dân tộc ở nhà trường"

Báo Economist nhận định

Các nước láng giềng của Nhật ngay lập tức phản ứng đầy phẫn nộ. Khi Nhật đề xuất các trường học đưa vào sách giáo khoa rằng quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) là một phần lãnh thổ của họ, Trung Quốc, qua đường ngoại giao chính thức, nói Nhật phải “tôn trọng những sự thật lịch sử”. Tương tự, khi Nhật quyết định dạy ở nhà trường rằng Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) là lãnh thổ của họ, Hàn Quốc đã bình luận đó là hành động “ngụy tạo lịch sử gieo mầm cho xung đột”.

Cuộc tranh luận về sách giáo khoa lịch sử cũng rất gay cấn ở Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 2013, Học viện quốc gia lịch sử Triều Tiên (NIKH) của Hàn Quốc, một cơ quan nhà nước phụ trách giám sát nội dung sách giáo khoa lịch sử, đồng ý cho xuất bản một cuốn sách giáo khoa mới cho các trường cấp III do các tác giả có quan điểm cảm thông với chính quyền độc tài Park Chung Hee chấp bút.

Đảng cầm quyền của Hàn Quốc, với con gái ông Park là bà Park Geun Hye đang làm tổng thống, cũng đề xuất thống nhất sách giáo khoa lịch sử trên cả nước với một mẫu duy nhất do NIKH thông qua, thay vì việc có thể chọn nhiều bộ sách khác nhau để giảng dạy như hiện nay.

Tại Đài Loan, cơ quan phụ trách giáo dục cũng công bố các quy định mới cho sách giáo khoa cấp III trong năm 2014, dự kiến có hiệu lực từ năm 2015. Chính quyền giải thích những thay đổi này chỉ là để sách giáo khoa tương ứng với các tiêu chuẩn quốc tế và sửa chữa một số quan điểm về thời kỳ Đài Loan là thuộc địa của Nhật (trong 50 năm, cho tới năm 1945). Nhưng những người chỉ trích nói các sửa đổi mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn, như cụm từ trung lập “sự cai trị của Nhật” giờ được đổi thành “sự cai trị theo kiểu thuộc địa của Nhật”.

Tình trạng kiểm duyệt sách giáo khoa còn gay gắt hơn ở Trung Quốc. Một ví dụ là việc những đấu tranh giai cấp, nạn đói, bạo động và tình cảnh tang thương của đất nước ít được đề cập. Sách giáo khoa Trung Quốc chỉ nhấn mạnh quan điểm nước này là nạn nhân của sự chiếm đóng từ ngoại bang.

Những nỗ lực thay đổi

Quan điểm đó góp phần giúp giới lãnh đạo Trung Quốc thêm mạnh miệng trong những tuyên bố chủ quyền hiện nay, với lời giải thích rằng Trung Quốc chỉ tìm lại vị thế từng thuộc về họ trong quá khứ. Không phải là không có những học giả và các nhà lãnh đạo nhận ra nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đang len lỏi vào các trường học. Một học giả giấu tên ở Trung Quốc nói rằng các sách giáo khoa lịch sử “siêu dân tộc chủ nghĩa” và “bài ngoại” ở nhà trường khiến ông lo ngại học sinh sẽ lớn lên “như những kẻ được chó sói nuôi nấng”.

Cũng có những nỗ lực xây dựng một môi trường giáo dục hòa hoãn hơn. Các nước từng thiết lập những ủy ban học thuật để tìm cách dàn xếp khác biệt trong lý giải và kể lại quá khứ. Nhật và Hàn Quốc có ủy ban chung năm 2002, rồi Trung - Nhật năm 2006. Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã đề xuất ba nước Trung, Nhật, Hàn cùng viết sách giáo khoa lịch sử về Đông Bắc Á.

Nhưng bốn năm trước, các học giả của Nhật và Trung Quốc đã từ bỏ những nỗ lực viết chung một cuốn sách giáo khoa. Và tình hình căng thẳng trên biển hiện giờ càng khiến viễn cảnh đó trở nên bất khả thi. Giới quan sát nhận định trong vài thập kỷ nữa, có thể chính cuộc chiến sách giáo khoa hiện giờ sẽ lại được đưa vào các sách giáo khoa lịch sử, nếu nó cứ tiếp tục bị làm nóng lên như hiện nay.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên