Và rất nhiều chiến đấu cơ, oanh tạc cơ hiện đại của Mỹ thời điểm ấy đã bị tên lửa bắn rớt, kể cả siêu pháo đài bay B52. Sau đó là thời kỳ tên lửa Patriot của Mỹ và các biến thể cải tiến đã có thể diệt tên lửa, máy bay và máy bay không người lái (UAV) cảm tử.
Bổ sung thêm khả năng phòng thủ tên lửa
Theo trang web Missile Threat thuộc Dự án phòng thủ tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Bộ tư lệnh tên lửa quân đội Mỹ phát triển hệ thống Patriot vào năm 1961 với tên gọi ban đầu là Hệ thống phòng không lục quân cho thập niên 1970 (AADS-70).
Dự tính AADS-70 sẽ là hệ thống phòng không di động thay thế tên lửa cố định HAWK và Nike Hercules. Tháng 10-1964, quân đội Mỹ đổi tên chương trình thành Phát triển tên lửa đất đối không (SAM-D) và ba năm sau chọn nhà thầu chính.
Ngày 10-1-1974, Bộ Quốc phòng Mỹ định hướng lại chương trình SAM-D nhằm áp dụng công nghệ dẫn đường Track-Via-Missile (TVM) và khái niệm hoạt động đơn giản hóa.
Ngày 21-5-1976, chương trình được đổi tên thành PATRIOT (radar theo dõi mảng pha để đánh chặn mục tiêu) và đi vào sản xuất toàn bộ vào tháng 9-1980. Quân đội Mỹ xây dựng tiểu đoàn tên lửa Patriot đầu tiên vào tháng 5-1982.
Với mong muốn bổ sung thêm khả năng phòng thủ tên lửa, năm 1986 Patriot được nâng cấp lên tiêu chuẩn Patriot Advanced Capability-1 (PAC-1) với nhiều thay đổi về phần mềm giúp tiêu diệt tên lửa đạn đạo chiến thuật. Sau khi thử nghiệm đánh chặn thành công tên lửa Lance vào tháng 9-1986, PAC-1 được triển khai vào tháng 7-1988.
Sau đó, quân đội Mỹ tiếp tục thực hiện chương trình nâng cấp lần thứ hai mang tên PAC-2 nhằm cải tiến ngòi nổ, đầu đạn và thiết bị dẫn đường để đối đầu với các loại tên lửa đạn đạo hiện đại hơn như tên lửa OTR-23 của Liên Xô.
Năm 1993, Patriot được nâng cấp với khả năng hỗ trợ phóng từ xa để có thể triển khai bệ phóng cách radar tới 10km. Với chức năng mới này, diện tích phòng thủ của hệ thống Patriot đã tăng gấp năm lần, từ 10 - 20km2 lên khoảng 50-100km2.
Các phiên bản cải tiến mới nhất của PAC-2 gồm có PAC-2 (GEM), PAC-2 GEM Tactical/TBM (GEM-T) và GEM Cruise (GEM-C).
Phiên bản mới Patriot PAC-3 được cải tiến đáng kể nhất là phát triển chức năng đánh chặn trang bị công nghệ hit-to-kill (truy đuổi - tiêu diệt) thay vì dùng đầu đạn nổ phân mảnh như PAC-2. PAC-3 bắt đầu được thử nghiệm vào năm 1997 và được đưa vào chiến đấu vào tháng 8-2002.
Năm sau, quân đội Mỹ đã điều động các đơn vị PAC-3 đầu tiên tham gia chiến dịch Tự do Iraq từ ngày 20-3-2003.
Đến tháng 3-2009, quân đội Mỹ bắt đầu thử nghiệm phiên bản Patriot PAC-3 Missile Segment Enhancement (MSE) trang bị động cơ lớn hơn và tăng gần gấp đôi tầm bắn. PAC-3 MSE đã được phê duyệt để sản xuất thử vào năm 2014 và bốn năm sau đã sản xuất toàn bộ công suất.
Sau khi triển khai PAC-3 MSE, Bộ Quốc phòng đã đổi tên các hệ thống PAC-3 hiện có thành PAC-3 CRI. Bốn tên lửa PAC-3 CRI vừa với một ống phóng. Mỗi tên lửa nặng 312kg, chỉ bằng 1/3 trọng lượng tên lửa dòng PAC-2.
Một khẩu đội Patriot điển hình gồm từ 6-8 bệ phóng PAC-2 và PAC-3, cần khoảng 90 binh sĩ và có thể phân tán trên diện tích nhiều km2 nên một tên lửa đơn lẻ rất khó tiêu diệt nguyên khẩu đội.
Patriot hiện nay có hai dòng đánh chặn gồm PAC-2 và PAC-3. PAC-2 đạt tầm bắn 160km, sử dụng ngòi nổ gần phát nổ cạnh tên lửa cần đánh chặn. PAC-3 có tầm bắn chỉ 40km nhưng chính xác hơn, tiêu diệt tên lửa bằng cách đánh thẳng vào mục tiêu.
18 quốc gia và vùng lãnh thổ muốn Patriot
Một hệ thống Patriot gồm sáu thành phần chính: 1) tên lửa; 2) bệ phóng (thường là bốn bệ) với bốn tên lửa PAC-2 hoặc 16 tên lửa PAC-3; 3) radar phụ trách phát hiện, theo dõi mục tiêu đồng thời điều khiển hỏa lực và thiết bị gây nhiễu; 4) trạm điều khiển tính toán quỹ đạo và điều khiển bắn; 5) máy phát điện cung cấp điện cho pin; 6) cột ăng ten tần số cao.
Hệ thống Patriot chỉ sử dụng một radar duy nhất (AN/MPQ-53, AN/MPQ-65 hoặc AN/MPQ-65A). Khác với các hệ thống phòng không khác, radar Patriot kết hợp các chức năng giám sát, theo dõi và giao chiến trong một đơn vị nên hoạt động đơn giản.
Các phiên bản radar mới đã tăng tầm xa lên 30%. Quân đội Mỹ đang thay thế radar cũ bằng thế hệ radar mới mang tên Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không cấp thấp hơn (LTAMDS).
Trạm điều khiển đặt trên xe tải là bộ phận có người duy nhất trong khẩu đội Patriot. Trạm có hai bảng điều khiển máy tính và từ 2-4 người vận hành gồm sĩ quan kiểm soát chiến thuật, trợ lý kiểm soát chiến thuật và người điều hành liên lạc. Quy trình tấn công của Patriot gần như tự động, chỉ có quyết định phóng cuối cùng mới cần con người quyết định.
Hệ thống Patriot được triển khai chiến đấu lần đầu trong Chiến tranh vùng Vịnh thứ nhất (chiến dịch Bão sa mạc năm 1990 - 1991) nhằm bảo vệ Saudi Arabia, Kuwait và Israel khỏi tên lửa Scud của Iraq. Lúc bấy giờ, hiệu suất của Patriot không cao.
Đầu đạn nổ mảnh nặng 90kg của PAC-2 nhiều lần đánh hụt tên lửa. Thậm chí hai nhà nghiên cứu Theodore Postol ở Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) và Reuven Pedatzur ở Đại học Tel Aviv (Israel) khẳng định hệ thống Patriot chỉ đạt tỉ lệ thành công dưới 10%.
Nhu cầu phải có một hệ thống tên lửa có thể hủy diệt tan tành đầu đạn tên lửa đang lao tới đã thúc đẩy cho ra đời phiên bản PAC-3 sử dụng công nghệ truy đuổi - tiêu diệt. Cả hai hệ thống PAC-2 và PAC-3 đều tham gia chiến dịch Tự do Iraq (Chiến tranh vùng Vịnh lần ba) năm 2003.
Lần này các nghiên cứu kết luận việc triển khai Patriot phần lớn đạt hiệu quả. Hai tên lửa PAC-3 đã đánh chặn thành công hai tên lửa Scud của Iraq. Các tên lửa PAC-2 đã đánh chặn bảy lần và tiêu diệt toàn bộ mục tiêu. Song các đơn vị Patriot cũng đã gây ra hai vụ bắn nhầm vào đơn vị bạn, bắn rơi một máy bay Tornado của Anh và một máy bay FA/18 Hornet của Mỹ.
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã sử dụng Patriot. Năm 2014, Israel đã dùng tên lửa Patriot GEM tiêu diệt hai UAV của nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas, hai UAV và một máy bay Su-24 của Syria. Israel đã đánh chặn một UAV của Syria gần cao nguyên Golan vào tháng 11-2017 và năm 2018 bắn hạ một UAV và một máy bay Su-24 của Syria.
Trong nội chiến ở Yemen, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã sử dụng hệ thống Patriot để đánh chặn đạn pháo, tên lửa và UAV của phiến quân Hồi giáo Houthi. Kể từ lần đánh chặn đầu tiên được ghi nhận vào tháng 6-2015, liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen đã tấn công tên lửa Houthi tới 177 lần.
Năm 2023, quân đội Ukraine bắt đầu sử dụng hệ thống Patriot PAC-3 do Mỹ và Đức cung cấp. Ukraine, ngày 16-5-2023, đã tuyên bố bắn hạ sáu tên lửa siêu thanh Kinzhal được cho là "bất bại" của Nga chỉ trong một đêm. Ngược lại, phía Nga tuyên bố bắn phá thành công một hệ thống Patriot của đối thủ.
Hệ thống Patriot do Tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia Raytheon ở Arlington (bang Virginia) chế tạo. CSIS ước tính mỗi khẩu đội Patriot khoảng 1,1 tỉ USD gồm 400 triệu USD cho hệ thống và 690 triệu USD cho tên lửa. Giá mỗi tên lửa ước tính 4,1 triệu USD.
Hiện 18 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu hoặc đồng ý mua hệ thống Patriot gồm Mỹ, Hà Lan, Đức, Nhật, Israel, Saudi Arabia, Kuwait, Đài Loan, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, UAE, Ukraine, Qatar, Romania, Thụy Điển, Ba Lan và Bahrain.
--------------------
Sau khi khoanh vùng UAV xâm nhập, UAV đánh chặn sẽ bay lên tiếp cận mục tiêu và bắn một phát tung lưới tóm UAV địch.
Kỳ tới: UAV đã thay đổi chiến tranh phòng không như thế nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận