26/10/2023 10:45 GMT+7

Chiến tranh hiện đại và lưới lửa phòng không - Kỳ 1: Súng phòng không đời đầu khó bắn hạ máy bay

Các cuộc chiến quy mô hiện đại trên thế giới thường khởi đầu bằng không kích. Tại sao? Vũ khí phòng không quan trọng thế nào?

Súng hỏa mai bắn khinh khí cầu của quân Phổ - Ảnh: historicalfirearms.info

Súng hỏa mai bắn khinh khí cầu của quân Phổ - Ảnh: historicalfirearms.info

Các cuộc chiến quy mô hiện đại trên thế giới thường khởi đầu bằng không kích. Biện pháp đối phó chủ yếu là vũ khí phòng không. Từ sau Thế chiến thứ hai, kỹ thuật phòng không đã dần phát triển vượt bậc. Các loại vũ khí phòng không cũng đã bộc lộ ưu và khuyết điểm trong các chiến sự ở Trung Đông và Ukraine.

Ngày 11-10-2023 tại Brussels (Bỉ), các bộ trưởng quốc phòng 10 nước thành viên NATO đã ký biên bản ghi nhớ dự án mua thiết bị phòng không và phòng thủ tên lửa trong khuôn khổ "Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu" (ESSI).

Sáng kiến quy tụ 19 nước do Đức đứng đầu nhằm mua sắm chung và kết nối các hệ thống phòng không như IRIS-T (Đức), Patriot PAC-3 và THAAD (Mỹ) hay Arrow-3 (Israel). Trong khuôn khổ ESSI, cuối tháng 9-2023 Đức cũng đã ký thỏa thuận lịch sử mua hệ thống đánh chặn tên lửa tầm xa Arrow-3 của Israel.

Tất cả súng phải nã đạn hết công suất có thể... Phải tấn công mọi mục tiêu không nhìn thấy, không chờ xác định có phải máy bay địch hay không.
FREDERICK

Súng phòng không đầu tiên bắn khinh khí cầu

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas mới bùng nổ khốc liệt cũng khởi đầu từ hàng ngàn quả tên lửa dù không phải hiện đại của Hamas phóng dồn dập làm quá tải hệ thống phòng thủ Vòm sắt khét tiếng của Israel.

Trong chiến tranh hiện đại như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hay Israel và Hamas, chiến thuật tấn công đường không và khả năng phòng không là yếu tố sinh - tử, gần như quyết định cuộc chiến, dù đó là những máy bay, tên lửa hiện đại hay chỉ là những UAV, tên lửa tự chế rẻ tiền...

Lần ngược lịch sử vào thế kỷ 19, chiến tranh Pháp - Phổ (1870-1871) bùng nổ ngày 19-7-1870. Thủ đô Paris bị quân Phổ vây hãm. Ban đầu, người Pháp neo chặt khinh khí cầu trên mặt đất để quan sát kẻ thù.

Sau đó, Pháp dùng khinh khí cầu để liên lạc với bên ngoài. Ngày 23-9-1870, khinh khí cầu đầu tiên mang tên Neptune chở người và thiết bị rời Paris vượt phòng tuyến địch. Sau 3 tiếng 15 phút, khinh khí cầu vượt qua 104km đến đích an toàn. Từ đó về sau, các chuyến khinh khí cầu khởi hành thường xuyên.

Theo trang web Historical Firearms của nhà sử học Anh Matthew Moss, để đối phó với khinh khí cầu Pháp, ông chủ nhà máy thép Alfred Krupp của Phổ đã chế tạo khẩu súng hỏa mai đặc biệt được gọi là súng bắn khinh khí cầu (ballonabwehrkanone). Khẩu súng 37mm lên đạn bằng khóa nòng, có báng súng và ống ngắm gấp. Súng được gắn trên bệ cố định trên cỗ xe ngựa bốn bánh để có thể di chuyển nhanh chóng.

Các khẩu súng phòng không đầu tiên này tỏ ra không hiệu quả với độ cao của khinh khí cầu. Trong 136 ngày bị bao vây, người Pháp đã tổ chức 66 chuyến khinh khí cầu, chở theo 164 hành khách, 381 chim bồ câu đưa thư, 5 con chó và từ 2,5 - 3 triệu lá thư. Năm chiếc trúng đạn bị quân Phổ thu giữ. Ba chiếc khác mất tích. Khinh khí cầu cuối cùng rời Paris vào ngày 28-1-1871, ngày cuộc chiến Pháp - Phổ chấm dứt.

Các loại súng đầu tiên được thiết kế chuyên dụng bắn máy bay do Đức sản xuất vào năm 1909. Do có quá ít máy bay nên quân đội Đức cho rằng không cần đầu tư nhiều tiền cho súng phòng không.

Trên trang web Spartacus Educational (Anh), nhà nghiên cứu sử John Simkin ghi nhận máy bay đầu tiên bị bắn hạ trong chiến đấu là máy bay cánh đơn Nieuport của Ý bị một khẩu đội súng máy bắn rơi ngày 10-9-1912 trong chiến tranh Ý - Thổ Nhĩ Kỳ (1911-1912).

Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ năm 1914, có rất ít súng phòng không sẵn sàng chiến đấu. Pháp chỉ có hai xe bọc thép phòng không còn Anh có ít pháo 76mm cơ động. Đến khi công nghệ máy bay quân sự phát triển, các quốc gia buộc phải cải tiến vũ khí phòng không.

Ở Anh, lực lượng pháo binh hải quân đã thành lập một lữ đoàn phòng không sử dụng súng máy Vickers gắn trên xe tải bọc thép Pierce-Arrow. Lữ đoàn gồm bốn khẩu đội. Mỗi khẩu đội được trang bị bốn xe Pierce-Arrow.

Lúc đầu, tầm bắn chỉ đạt hơn 2.740m nhưng dần dần tăng lên do súng và đạn đều được cải tiến. Để tăng cơ hội bắn trúng mục tiêu, ít nhất hai khẩu súng nã đạn liên tiếp. Sau khi nhận thấy khó bắn trúng máy bay, súng phòng không đã tập trung lại thành cụm.

Nữ hoàng Elizabeth thăm đơn vị phòng không ở London vào ngày 7-8-1940 - Ảnh: AP

Nữ hoàng Elizabeth thăm đơn vị phòng không ở London vào ngày 7-8-1940 - Ảnh: AP

30.000 quả đạn mới bắn rơi một máy bay

Trên trang web historyhit.com, nhà nghiên cứu sử Simon Webb ghi nhận kết quả sử dụng pháo phòng không giữa thành phố lớn thật thảm khốc. Rất nhiều trái đạn không nổ trên không mà chỉ phát nổ khi rơi xuống đất. Ngày 7-7-1917, 22 máy bay Đức ném bom London. Phòng không Anh bắn hơn 2.000 quả đạn nhưng không trúng chiếc nào. 55 thường dân thiệt mạng trong vụ đánh bom, trong đó 10 người chết do đạn phòng không "phe ta".

Nhà khoa học J.B.S. Haldane, thành viên Ủy ban Chính phủ phụ trách nghiên cứu các biện pháp phòng không, đã thẳng thắn nhận xét: "Đạn phòng không Anh đã làm chết một số người dân London trong những năm 1916-1918. Trong một số vụ không kích, chúng gây nhiều thương vong không kém gì bom đạn địch".

Xe bọc thép phòng không của Anh năm 1914 - Ảnh: Tank.Afv

Xe bọc thép phòng không của Anh năm 1914 - Ảnh: Tank.Afv

Các nhà sử học Anh nhận định vào đầu Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), súng phòng không cũng hoạt động rất tệ. Thứ bảy 7-9-1940, ngay sau 4h chiều, bầu trời bỗng tối sầm lại khi 300 máy bay ném bom và 600 máy bay hộ tống của phát xít Đức bay đến London (Anh), mở màn cho đợt không kích kéo dài 57 ngày đêm làm 448 người chết, 1.600 người bị thương nặng.

Anh có bảy sư đoàn phòng không nhưng thiếu vũ khí trầm trọng. Vào ngày 7-9 chỉ có 264 khẩu pháo phòng không bảo vệ London. Ngoài ra, đội ngũ pháo thủ thường thiếu kỹ năng vận hành súng bởi hầu hết chỉ học chay trong phòng tập. Theo chỉ thị của tướng Frederick Pile, tư lệnh Bộ tư lệnh phòng không Anh, trong 48 tiếng số lượng súng phòng không ở London đã tăng gấp đôi.

Nhà sử học Juliet Gardiner ghi nhận chỉ đến đêm thứ tư của đợt không kích, lực lượng bảo vệ London mới sẵn sàng chiến đấu. Họ bắn điên cuồng và "rất ít loạt đạn có thể bay đến gần mục tiêu" vì chiến thuật của họ là đồng loạt dựng hàng rào đạn phía trước đội hình máy bay với hy vọng ngây thơ rằng một số chiếc sẽ bay qua đó. Song không dễ bắn hạ máy bay bằng súng phòng không vì máy bay bay với vận tốc hơn 480km/h và đổi hướng liên tục. Ngoài ra còn phải liên tục xác định chính xác tầm bắn và phải bắn đón đầu máy bay.

Trong cuốn sách Súng phòng không: Phòng thủ của Anh chống không kích của Anh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tướng Pile ước tính phải tốn rất nhiều đạn mới có thể hạ gục một máy bay Đức. Dù sao chăng nữa, hàng rào hỏa lực phòng không Anh đã buộc máy bay Đức phải bay cao hơn, thậm chí một số chiếc phải quay đầu.

Trong tháng 9-1940, các khẩu đội phòng không Anh đã bắn 260.000 quả đạn pháo. Ước tính cứ 30.000 quả đạn mới bắn rơi một máy bay. Con số này giảm còn 11.000 vào tháng sau. Đến tháng 1-1941, nhờ kinh nghiệm chiến đấu, con số này xuống còn 4.000. Một lý do khác là nhờ vào hệ thống radar cảnh báo sớm.

Đạn phòng không phát nổ trên không làm văng ra hàng trăm ngàn mảnh kim loại lớn rơi xuống đất. Tệ hơn nữa là nhiều quả đạn có cơ chế định giờ bị lỗi không phát nổ trên độ cao hơn 3.000m mà rơi xuống đất mới nổ. Các vụ thương vong vì hỏa lực phòng không "phe ta" liên tục xảy ra.

Thị trấn Tipton có 23 người dân thiệt mạng trong không kích trong Chiến tranh thế giới thứ hai gồm 11 người chết do bom Đức và 12 người chết hôm 21-12-1940 trong tiệc cưới ở làng Tividale. Một quả đạn phòng không nặng 12,7kg rơi lao xuống ống khói quán rượu nơi tổ chức đám cưới khiến cô dâu thiệt mạng cùng 11 khách mời, còn chú rể bị cụt hai chân.

------------------------------

Không quân phát xít Đức mở chiến dịch không kích ồ ạt song nước Anh đã có trong tay bảo bối đối phó là các trạm radar cảnh báo sớm dọc bờ biển. Đây là hệ thống phòng không tích hợp đầu tiên trên thế giới.

Kỳ tới: Mạng lưới radar cảnh giới sớm ở Anh

Ukraine cấp tốc tự sản xuất vũ khí vì thế giới thiếu đạnUkraine cấp tốc tự sản xuất vũ khí vì thế giới thiếu đạn

Tướng John Pershing, chỉ huy lực lượng Mỹ trong Thế chiến thứ nhất, đã có câu nói nổi tiếng: 'Bộ binh thắng từng trận đánh, hậu cần thắng cả cuộc chiến'. Hơn một thế kỷ sau, câu nói của ông Pershing đang củng cố chiến lược của Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên