Ông Ali Vaez, giám đốc dự án Iran của Nhóm khủng hoảng quốc tế, đưa ra phân tích như sau về cách tấn công có bài bản của Iran: các thiết bị không người lái (drone) di chuyển chậm nhằm mục đích "gây nhiễu cho các hệ thống radar Israel, sau đó đảm bảo các tên lửa đi theo máy bay không người lái sẽ bắn trúng mục tiêu đã định của chúng".
Chiến thuật tấn công này có thể khiến hệ thống phòng không tối tân của Israel bị nhiễu, dọn đường cho tên lửa và drone lao đến với tốc độ, từ trên cao và các hướng khác nhau - Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin tình báo Mỹ và Israel nhận định.
Các hệ thống phòng không của Israel do Mỹ hỗ trợ được thiết kế để bắn hạ rocket, tên lửa và đạn súng cối đe dọa các trung tâm dân cư và cơ sở hạ tầng của Israel, với tỉ lệ đánh chặn lên đến 90% đã được chứng minh qua nhiều cuộc tấn công trước đây.
Tuy nhiên, ông Michael DiMino - cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện là thành viên Cơ quan nghiên cứu chính sách Defense Priorities, cho rằng drone và tên lửa tấn công của Iran "có khả năng là một phần trong một động thái phối hợp nhiều giai đoạn, nhằm cố gắng áp đảo và gây nhiễu cho lực lượng phòng không Israel".
Cùng lúc đó, truyền thông nhà nước Iran cũng cho biết lực lượng nước này đã bắn tên lửa đạn đạo, loại tên lửa có thể mạnh hơn nhiều và bay theo hình vòng cung cao trước khi bắn trúng mục tiêu.
Phái đoàn thường trực của Iran tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 14-4 tuyên bố rằng hành động quân sự của nước này chống lại Israel dựa trên điều 51 của Hiến chương LHQ, để đáp trả vụ tấn công đẫm máu gần đây của Tel Aviv vào cơ sở ngoại giao của Iran ở thủ đô Damascus, Syria.
Trong tuyên bố được hãng tin chính thức IRNA trích dẫn, phái đoàn thường trực của Iran tại LHQ viện dẫn điều 51 của Hiến chương LHQ cho phép phòng thủ hợp pháp, để bảo vệ hành động tấn công trả đũa của mình bằng máy báy không người lái nhằm vào Israel đêm 13-4 (rạng sáng 14-4 theo giờ Việt Nam).
Phái đoàn Iran tại LHQ cũng cho rằng nếu Hội đồng Bảo an lên án cuộc tấn công của Israel vào tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran ở Syria và sau đó truy tố thủ phạm thì có lẽ đã tránh được việc Iran trả đũa Israel.
Theo một cựu quan chức tình báo Mỹ không nêu tên, Iran có thể sẽ theo dõi cẩn thận phản ứng của Israel và Mỹ để xem công nghệ của họ cạnh tranh như thế nào với các hệ thống và chiến thuật không quân của phương Tây.
Bên cạnh đó, Tehran có thể sử dụng những hiểu biết thu được cho các cuộc tấn công trong tương lai, cũng như chia sẻ nó với các lực lượng ủy nhiệm để cải thiện hiệu quả sử dụng vũ khí của Iran.
Trong cuộc tấn công mới nhất từ Iran lúc rạng sáng 14-4, người phát ngôn của Israel cho biết hầu hết các tên lửa nhắm đến Israel đều đã được hệ thống phòng không tầm xa Arrow đánh chặn và rơi ngoài không phận Israel.
Trong khi đó, máy bay chiến đấu của Israel cũng tham gia đánh chặn hàng chục tên lửa hành trình và drone nhắm đến lãnh thổ.
Theo Hãng tin Bloomberg, Israel sở hữu hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) danh tiếng đã bắn hạ hàng ngàn quả tên lửa kể từ năm 2011, nhưng chỉ giới hạn ở tên lửa tầm ngắn.
Israel cũng sở hữu hệ thống tên lửa đánh chặn tầm trung và tầm xa David's Sling và hệ thống phòng không Arrow. Cả hai hệ thống đều có khả năng đánh chặn tên lửa từ khoảng cách lên đến 2.400km, trong phạm vi bao gồm Iran, cùng với Yemen, Syria và Iraq, nơi các nhóm chiến binh liên minh với Iran đóng trụ sở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận