11/09/2022 12:42 GMT+7

Chiếc cặp 'cám cò' và hành trình đến Pháp

HÀ THANH thực hiện
HÀ THANH thực hiện

TTO - Câu chuyện Thủ khoa 30 điểm và chiếc cặp 'cám cò' (Tuổi Trẻ 1-8-2007) từng khiến không ít độc giả rơi nước mắt. 15 năm kể từ ngày được tiếp sức, cậu học trò nghèo đỗ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ấy nay đang là kỹ sư công nghệ thông tin ở Pháp.

Chiếc cặp cám cò và hành trình đến Pháp - Ảnh 1.

Nguyễn Đăng Chuẩn hiện đang là kỹ sư công nghệ thông tin tại Pháp - Ảnh: DANH KHANG

Nguyễn Đăng Chuẩn đến văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội với tờ báo có bài viết về anh năm đó

"Nhờ bài báo, các quỹ học bổng, doanh nghiệp biết đến và hỗ trợ tôi. Đến tận bây giờ thi thoảng gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi thường xem lại các bài báo đó để tiếp thêm động lực cho mình vượt qua khó khăn" - anh Chuẩn bộc bạch.

Tôi từng phân vân về nước hay ở lại nhưng tôi tìm hiểu và thấy ở lại sẽ tốt hơn cho nghề nghiệp, lại có thể hỗ trợ du học sinh Việt đến Pháp. Không phải về mới đóng góp, tôi tin ở bất cứ đâu mình cũng có cách đóng góp cho đất nước.

NGUYỄN ĐĂNG CHUẨN

Khó khăn là "vũ khí" sức mạnh

* Anh vẫn lưu giữ ký ức về học bổng Tiếp sức đến trường 15 năm trước?

- Thi xong, tôi tin mình sẽ đỗ nhưng không ngờ đỗ cao vậy. Nhưng cả gia đình đều có chung câu hỏi lấy đâu ra tiền đi học? May mắn là nhiều phóng viên, các quỹ học bổng đã đi tìm tôi, trong đó có học bổng Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ.

Đúng là "tiếp sức", học bổng đã giúp gia đình rất nhiều về mặt tài chính, để tôi yên tâm hơn lo học hành. Bước khởi đầu đó rất quan trọng, học bổng đến đúng lúc, đúng thời điểm. 

Tôi luôn ghi khắc "Một nắm khi đói bằng một gói khi no", nếu không có học bổng ngày ấy, có lẽ mình đã không đi học được. Ngoài học bổng này, rất nhiều quỹ học bổng và độc giả đã âm thầm hỗ trợ tôi những năm về sau.

* Đã có những bước ngoặt nào đáng nhớ trong đời anh?

- Có học bổng, gánh nặng tài chính giảm đi, tôi tự tin bước vào cổng trường đại học, theo đuổi ngành công nghệ thông tin. Năm thứ tư đại học, tôi giành được học bổng toàn phần của Trường ENSIMAG (Pháp).

Tôi đến Pháp học tiếp hai năm kỹ sư. 2013 tốt nghiệp, tôi vào thực tập tại một công ty phần mềm và gắn bó đến nay. Chín năm miệt mài làm việc, từ một kỹ sư công nghệ thông tin nay tôi đảm nhận vị trí người đứng đầu phụ trách mảng kỹ thuật của công ty.

Tôi vẫn thường xuyên bay qua lại giữa Việt Nam - Pháp để tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường và mở ra cơ hội việc làm cho các bạn trẻ Việt Nam.

* Có người bảo phải biết "buông" quá khứ mới đạt đến thành công. Anh có nghĩ vậy?

- Tôi là "típ người hoài cổ". Hồi ấy, mẹ thấy tôi mang túi "cám cò" sợ bị bạn bè trêu sẽ xấu hổ nhưng tôi đã nói với mẹ: "Không sao cả chỉ đựng đồ thôi mà. Cuộc sống khó khăn, chỉ cần có cơm no để đi học là được!". Chiếc túi ấy không còn nữa nhưng mỗi khi ai nhắc lại tôi vẫn xúc động.

Tôi vẫn thường kể cho con nghe về những năm tháng khó khăn, cho xem những bài báo viết về câu chuyện của tôi ngày đó. Cho con nghe để dạy con biết trân trọng những gì mình đang có, vì con có điều kiện tốt hơn, được ba mẹ yêu thương, càng phải biết sẻ chia với mọi người nhiều hơn.

Kiên trì với con đường đã chọn

* Anh nghĩ thế nào về cho và nhận trong cuộc sống?

- Khi mà cuộc sống ngày càng coi trọng vật chất, tình người càng quý hơn bao giờ hết. Kiếm tiền thật không dễ dàng nên người nhận học bổng càng phải cố gắng xứng đáng với những gì mình nhận được, ít nhất phải vượt qua khó khăn để cuộc sống tốt hơn, sau đó mới hỗ trợ gia đình, rộng hơn là xã hội, đất nước.

Từ vài cá nhân nhưng cùng lan tỏa điều tích cực, giúp đỡ người khác sẽ là nguồn cảm hứng lan rộng trong xã hội. 

Tôi biết Tiếp sức đến trường khởi đầu chỉ có 27 suất nhưng nay đã lên đến con số hàng chục ngàn tân sinh viên được trợ sức. Tôi tin chắc có nhiều gương mặt thành công và sẵn sàng quay trở lại giúp đỡ cách này, cách khác và truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Tôi tự nhủ với bản thân và nói với vợ con rằng mình từng được giúp khi gặp khó để có được thành quả hôm nay nên phải làm việc nhiều hơn, cố gắng hơn trước là lo cho gia đình, sau đó hỗ trợ, sẻ chia với các bạn du học sinh, những người xung quanh bằng việc làm nhỏ nhất, tùy khả năng để "góp gió thành bão".

* Mùa thứ 20 Tiếp sức đến trường, anh muốn nói gì với các bạn trẻ không?

- Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng đã có định hướng tốt, hãy cố gắng kiên trì với con đường của mình. Thành công phải xây dựng từ sự cố gắng, ý chí quyết tâm của bản thân, có phương pháp và rèn luyện. Nền tảng phải do từng cá nhân rèn luyện, cố gắng mới làm nên được.

Lòng thiện giữa đời

15 năm trước, bà Nguyễn Thị Linh (51 tuổi) ở Hà Nội tình cờ đọc bài báo về cậu học trò nghèo đỗ thủ khoa điểm tuyệt đối đã gọi ngay cho chồng: "Cậu này học giỏi mà khó khăn quá, mình đón lên nuôi mấy năm anh nhỉ?".

Ngày chồng đi công tác về, ông bà tìm về tận nhà Chuẩn ở Bắc Ninh. Ông Đoàn Cảnh Phương ấn tượng mãi hình ảnh cậu học trò dáng gầy gò đang lúi cúi nấu cơm ở trong bếp.

Sau đó, Chuẩn đến ở cùng gia đình ông gần bốn năm, mãi đến ngày anh qua Pháp du học. Chuẩn vẫn kết nối thường xuyên với ông bà Phương, lần nào về nước anh đều đến thăm.

Nhớ lại quãng thời gian ấy, ông Phương bảo khi đó chỉ nghĩ có thể giúp được gì thì giúp thôi, không đắn đo gì.

"Thấy mừng cho Chuẩn vì đã có một phần thành công, dù còn nhiều thứ phải làm phía trước. Tất cả là nỗ lực của anh ấy, nếu giỏi mà không có hướng đi đúng, không vượt khó khăn cũng không làm nên chuyện được" - ông Phương nói.

Chiếc cặp cám cò và hành trình đến Pháp - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Thủ khoa 30 điểm và chiếc cặp 'cám cò' Thủ khoa 30 điểm và chiếc cặp "cám cò"

TT - “Nhờ công chị gái kèm cặp bài vở hồi bé cả đấy...” - người cha của thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Đăng Chuẩn ngập ngừng thổ lộ.

HÀ THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên