Trong bức hình ghép này có Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái), Thủ tướng Đức Olaf Scholz và đường ống Nord Stream 1 - Ảnh: News18
"Chiếc áo ấm" đó chính là các biện pháp đảm bảo một mùa đông có đủ khí đốt để sưởi và đủ năng lượng cho các hoạt động khác. Bất kể dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 từ Nga tới Đức đã nối lại hôm 21-7, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn đó và họ sốt ruột tìm kiếm một giải pháp lâu dài.
"Bài kiểm tra" với EU
Một trong những kế hoạch ứng phó của châu Âu là đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hôm 20-7. Theo đó, tất cả 27 nước thành viên sẽ tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt trong 8 tháng tới (áp dụng từ tháng 8-2022) so với mức trung bình của 5 năm qua. Việc thực hiện sẽ mang tính bắt buộc nếu EC cho rằng nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng là nghiêm trọng.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp phản ứng gay gắt ngay trong nội khối. Tây Ban Nha là một trong những nước phản đối mạnh nhất khi cho rằng đề xuất nói trên "không hiệu quả và không công bằng". Trong thư ngỏ gửi tới EC, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái Tây Ban Nha Teresa Ribera Rodríguez phàn nàn kế hoạch cắt giảm đã không được thảo luận với các nước thành viên trước khi công bố hôm 20-7.
Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ý, Ba Lan, CH Cyprus... cũng phản đối kế hoạch. Họ cho rằng việc áp một mục tiêu có ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các nước thành viên như vậy là không công bằng do tình hình năng lượng mỗi nước mỗi khác.
Trong khi đó Đức lại ủng hộ đề xuất của EC. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng và đang tranh luận về việc sử dụng khí đốt trong mùa đông tới. "Không quốc gia nào dám nói họ không bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng. Chúng ta đang sống trong cùng một thế giới và đây là vấn đề toàn cầu chứ không phải chỉ của vài quốc gia riêng lẻ" - Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu hôm 22-7.
EC đề xuất cắt giảm sử dụng khí đốt vì lo ngại Nga sẽ "vũ khí hóa" nguồn cung năng lượng với họ. Matxcơva đã cắt giảm dòng chảy khí đốt tới ít nhất 12 nước thành viên EU.
Tờ Financial Times nhận định trong bối cảnh mùa đông sắp đến, việc yêu cầu các nước thành viên cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt đánh dấu một "cuộc thử nghiệm" với tính đoàn kết và thống nhất của EU khi đối mặt với cuộc xung đột Nga - Ukraine và những hậu quả của cuộc chiến này. Không rõ khối này sẽ có đề xuất khác thay thế không.
"Át chủ bài" khí đốt
Theo tạp chí Vox, trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Đức phụ thuộc vào Nga khoảng 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu.
Với việc châu Âu phụ thuộc đáng kể vào khí đốt Nga, nếu Matxcơva siết chặt nguồn cung hơn nữa, những áp lực về năng lượng có thể làm gia tăng những rạn nứt trong lòng EU.
Tuần này, Hungary đã cử Ngoại trưởng Peter Szijjarto tới Matxcơva để gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov nhằm yêu cầu cung cấp thêm khí đốt cho nước này. Đây là chuyến thăm Nga hiếm hoi của một quan chức cấp cao EU kể từ lúc chiến sự Ukraine nổ ra. Ngoại trưởng Hungary nói nước này không có cách nào cắt đứt nhanh các nguồn năng lượng của Nga mà không gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của họ.
Theo Hãng tin Bloomberg, các ước tính của EU cho thấy trong kịch bản xấu nhất, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho EU có khả năng làm giảm GDP của khối tới 1,5%.
"Về cơ bản, không phải các nước châu Âu cố gắng giảm nhập khẩu khí đốt của Nga. Mà đó chính là Nga (cố gắng cắt giảm)" - bà Anne-Sophie Corbeau, học giả nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Columbia, bình luận.
Trong khi đó, ông Edward Chow - chuyên gia an ninh năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - nhận định: "Các nhà lãnh đạo phương Tây càng đe dọa trừng phạt xuất khẩu dầu của Nga dưới bất kỳ hình thức nào thì Nga sẽ càng chuyển "chiến trường" sang khí đốt. Bởi đối với châu Âu, khí đốt của Nga nhìn chung khó thay thế hơn nhiều so với việc thay thế dầu mỏ của Nga".
Tháng 6 năm nay, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã giảm mạnh công suất của Nord Stream 1 xuống còn 40% trước khi đóng cửa để bảo trì thường niên và vừa mở lại tuần này.
Tàn phá khắp thế giới
Trong bài viết ngày 22-7, tạp chí Foreign Policy nhận định không chỉ tại châu Âu và Mỹ, giá dầu và khí đốt tự nhiên cao ngất trời nhiều tháng qua đã "tàn phá khắp thế giới", từ Ecuador tới Nam Phi. Các chuyên gia cảnh báo sẽ không có hồi kết trước mắt nếu cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp diễn.
"Chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên. Tác động của nó diễn ra trên toàn cầu và tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa chứng kiến điều tồi tệ nhất của nó" - chuyên gia năng lượng Jason Bordoff tại Đại học Columbia nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận