Chàng trai người Mông Giàng A Chính, sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội, trông chững chạc, tự tin hơn khi khoác lên mình chiếc blouse trắng - Ảnh: NAM TRẦN
"Nghĩ lại 4 năm trước mình vẫn thấy đúng đắn. Học vất vả thật đấy nhưng so với ở nhà làm nương thì đỡ hơn nhiều à. Giờ nghĩ lại nếu ngày ấy không đi học, bây giờ ở nhà chắc mình... đi lấy vợ mất" - Giàng A Chính, 21 tuổi, sinh viên năm 4 Trường ĐH Y Hà Nội, bẽn lẽn mở đầu câu chuyện.
Mình mãi tri ân những ân nhân đã trao tặng học bổng cho mình. Mong các bạn nhận học bổng hôm nay lấy đó làm động lực để bản thân phấn đấu, vượt qua khó khăn, đi đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
GIÀNG A CHÍNH
"Nghèo thì nghèo thật, nhưng phải đi học"
Gương mặt điển trai với mái tóc xoăn tít tự nhiên, chàng trai người Mông nom chững chạc, tự tin hơn khi khoác lên mình chiếc blouse trắng. A Chính vẫn nhớ như in giây phút xúc động chứng kiến người bố vượt cung đường Tây Bắc xa xôi đến tham dự lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2017 cùng con trai.
A Chính giãi bày đó là lần đầu tiên bố cậu - ông Giàng A Lồng - đi xa đến thế. Suốt cuộc đời bố chưa bao giờ đi xa hơn mảnh đất huyện Trạm Tấu (Yên Bái).
"Ngày nhận học bổng, lần đầu tiên được nhà báo phỏng vấn, được lên tivi, bố nói rất hãnh diện, rất vui. Bố bảo với mình: Nghèo thì nghèo thật nhưng phải đi học, sau này mới đổi đời được, chứ sống thế này khổ quá. Bố cho đi học, bố lo được hết", A Chính nhớ lời bố dặn.
A Chính là con thứ tư, trước có 3 chị gái, sau còn 3 em nhỏ, tổng cộng có 7 anh chị em. Vợ thường xuyên ốm đau, cái chân bị gãy giờ không thể làm việc nặng, nơi núi rừng Tây Bắc một mình ông Lồng làm lụng quần quật trên nương ngô nương sắn cũng chẳng đủ cho bấy nhiêu miệng ăn trong nhà.
Cái đói cái nghèo bủa vây, ấy vậy mà thấy con trai sáng dạ thông minh, ông Lồng nói có khó đến mấy cũng cho nó học. Lên cấp hai, ông tiễn con đi học trường huyện. Lên cấp ba, Chính đỗ vào phổ thông dân tộc nội trú, học ở đâu tận tít Thái Nguyên cách nhà bao nhiêu cây số ông chẳng biết. Nhưng hễ con xách balô đi học, ông lại tiễn Chính đi một đoạn đường, thấy con lên xe khách rồi mới an tâm quay về.
Suốt 12 năm miệt mài, hay tin cậu bé người Mông sáng dạ đỗ đại học, lại còn đỗ cao, đỗ trường tốp đầu ở thủ đô, bản làng ai cũng mừng. Riêng A Chính cầm trên tay giấy báo mà vừa mừng vừa lo vì chẳng biết mức học phí ra sao.
"Chỉ sợ xuống đây (Hà Nội - PV) học giữa chừng là bỏ, sợ không có tiền, sợ không theo được", A Chính lo lắng. Nhưng ông Lồng động viên con trai: "Cứ đi học, sợ không đủ kiến thức không thi được, chứ thi được cứ đi học". Có gia đình ủng hộ, A Chính không ngại nữa, cậu mạnh dạn khăn gói xuống thủ đô nhập học.
Nhưng A Chính không mang đủ tiền, cậu đành xin thầy cô cho được khất học phí. May mắn duyên đến, được giới thiệu đến quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ, Chính mượn máy tính của bạn miệt mài gõ hồ sơ, suốt một tuần trời chạy đi chạy lại làm giấy tờ.
Trách nhiệm khi khoác áo blouse trắng
"Dù có phải ăn ngô, ăn sắn tôi cũng cho con đi học, con học được không thể để con bỏ học. Vì tôi không được đi học, không được biết, nên dù có khó khăn thế nào cũng phải cho con đi học mới bắt được cái tương lai", bố A Chính xúc động chia sẻ tại lễ trao học bổng.
Ngày ấy, câu chuyện về quyết tâm "bắt cái tương lai" của hai bố con người Mông khiến cả hội trường thán phục. Học bổng đặc biệt với số tiền 10 triệu đồng đến kịp thời, trao tận tay giúp A Chính trang trải học phí. Chưa kể cậu còn được hỗ trợ học bổng trong 4 năm học đầu tiên để an tâm vững bước trên giảng đường.
Thương bố vất vả, dù lịch học ở trường dày đặc nhưng A Chính vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian làm gia sư trang trải sinh hoạt phí, mỗi buổi dạy nhận 120.000 đồng.
"Kiến thức ở trường nhiều lắm, phải học thật thi thật. Học khá vất vả, có mấy bạn bỏ giữa chừng nhưng mình thích nghề này, mình vẫn cứ cố gắng học. Đến bây giờ hòa nhập rồi, có bạn bè vui vẻ hơn, có động lực học hơn, mấy bạn trong phòng còn hay giảng bài cho nhau, đợt thi là tổ chức học nhóm để thảo luận. Cuộc sống bây giờ ổn định rồi, mình đỡ nhút nhát hơn trước nữa", A Chính thật thà giãi bày.
Nay thì mỗi sáng A Chính đi lâm sàng ở Bệnh viện Bạch Mai, chiều đến lại vào giảng đường. Thân hình vẫn nhỏ thó như mấy năm về trước, thế nhưng khi khoác lên mình chiếc blouse trắng, chàng trai người Mông nom chững chạc và tự tin hơn.
"Đến từng phòng bệnh, khoác lên mình áo blouse, mình là người khác hẳn. Ở viện được bệnh nhân, người nhà tôn trọng, mình thấy có trách nhiệm hẳn. Làm nghề này liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, từ khi khoác áo blouse lên, mình cảm nhận được trách nhiệm của mình. Do đó lúc học phải tập trung học, phải học thật chứ không thể qua loa đại khái", Giàng A Chính bộc bạch.
Ở trường, Chính còn được miễn giảm 70% học phí. Cứ cuối năm là nhà trường trả học phí về tài khoản nhưng cậu nói "chẳng dám tiêu đâu vì nhỡ mình tiêu xong không kiếm được, cứ để tài khoản à, năm sau đến kỳ hạn mình sẽ đóng thêm tiền vào".
Vừa bước sang năm thứ 4 là năm quan trọng nhất liên quan đến nghề y, A Chính nói nếu việc học căng quá sẽ dừng làm gia sư để tập trung học tập. Cậu dự tính với chiếc máy tính cũ sẽ tranh thủ nhận thêm giải đề trên mạng để trang trải thêm tiền học, tiền thuê trọ.
Chính bày tỏ sau này ra trường nếu may mắn được ở lại thủ đô làm việc, có cơ sở vật chất, máy móc và được làm cùng người giỏi thì tốt, nhưng nếu không thể ở đây Chính sẽ ráng xin về tỉnh làm việc. Như vậy sẽ giúp đỡ được người dân ở quê mình, giúp đỡ những người từng giúp đỡ mình và gia đình.
Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ
1.000 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng năm học 2020 - 2021 trị giá 10 triệu đồng/học bổng và suất đặc biệt là 15 triệu đồng.
Báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua địa chỉ email: tiepsucdentruong@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 0283.997.3838.
Bạn đọc có thể đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập.
Kinh phí học bổng chuyển về: phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.
Chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên". (CÔNG TRIỆU)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận