Sáng 11-7, HĐND TP.HCM tiến hành giám sát trực tiếp qua việc chất vấn 2 giám đốc sở (Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch) và lãnh đạo UBND quận 1.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm mở đầu phiên chất vấn của kỳ họp HĐND này. Đây là một trong các lĩnh vực được nhiều cử tri nêu ý kiến ở hầu hết các buổi tiếp xúc.
Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm (huyện Cần Giờ) đặt vấn đề về tiến độ xây dựng và thời gian khởi công dự án cầu Cần Giờ.
Trả lời, ông Trần Quang Lâm cho biết TP.HCM đã giao sở lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hiện sở đã cơ bản hoàn chỉnh báo cáo, tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn và xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải. Đây là công trình rất lớn với chiều dài 3,4km, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 10.000 tỉ đồng. Sở đang nghiên cứu hình thức PPP hoặc phương thức đầu tư công.
“Về kỹ thuật dự án cơ bản là xong, sở đang cùng địa phương rà soát lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự kiến sẽ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay, khởi công vào 30-4-2025”, ông Lâm nói.
Theo phương án thiết kế, cầu Cần Giờ dự kiến phân từ 4-6 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55m, sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm và khu vực lân cận. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Với phương án kiến trúc công trình, cây cầu này có thiết kế dây văng một trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước (đặc trưng của huyện Cần Giờ), sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.
Vướng mắc thủ tục metro Bến Thành - Suối Tiên đã tháo gỡ hết
Chất vấn giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đại biểu Trần Quang Thắng (quận 11) hỏi: "Tuyến metro có chắc chắn hoàn thành cuối năm nay không?". Ông Thắng cũng hỏi về kỳ vọng nguồn thu, giá vé cũng như việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy khi tuyến metro đi vào hoạt động.
Trao đổi vấn đề này, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết các vướng mắc về thủ tục liên quan dự án metro số 1 đã tháo gỡ xong. Ban quản lý đường sắt đô thị TP đã báo cáo và cam kết hoàn thành dự án trong năm nay.
Cũng theo ông Lâm, từ kinh nghiệm vận hành của dự án hầm Thủ Thiêm, TP đã ban hành kế hoạch tổng thể để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông khi tuyến metro đi vào hoạt động đầu năm 2024.
"Hiện Công an TP đã chủ trì xây dựng quy chế phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn và sẽ diễn tập trước khi đưa vào khai thác", ông Lâm cho hay.
Cũng trong phần chất vấn, một số đại biểu đặt vấn đề về việc đầu tư dự án giao thông, nhất là các dự án lớn tại TP.HCM còn chậm so với quy hoạch được duyệt. Việc này tạo điểm nghẽn lớn đến việc phát triển kinh tế. Đại biểu hỏi giám đốc Sở Giao thông vận tải về giải pháp khắc phục.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lâm cho hay năm 2022, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị đánh giá, rà soát lại quy hoạch hệ thống giao thông được duyệt. Qua đánh giá hiện nay quy hoạch phù hợp với nhu cầu kết nối phát triển của TP.HCM và các tỉnh trong vùng.
Dù vậy, TP cũng sẽ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt tăng cường các tuyến giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ... để phát huy hiệu quả kinh tế vùng. Để đảm bảo hệ thống giao thông đồng bộ, TP sẽ bổ sung quy hoạch các tuyến đường ven sông, đường sắt đô thị...
Về khó khăn nguồn vốn, ông Lâm cho hay nhu cầu vốn của ngành giao thông rất lớn. Hiện quy hoạch các dự án giao thông có nhưng TP cũng chỉ mới đầu tư được 30% quy hoạch.
"Nếu ngồi chờ ngân sách và hợp tác công tư để làm các dự án sẽ chậm. Như vậy muốn chủ động nguồn vốn để đầu tư hạ tầng phải có kinh tế giao thông, trong đó có mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD)", ông Lâm chia sẻ.
Theo ông Lâm, hiện chủ tịch UBND TP.HCM đã đã thành lập tổ nghiên cứu TOD và tổ triển khai thực hiện nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù để chuẩn bị các cơ chế. Theo đó, TP sẽ nghiên cứu quy hoạch phát triển các dự án xung quanh các điểm giao xung quanh nhà ga metro, tuyến vành đai 3 và các tuyến đường lớn khác.
"Nghị quyết 98 cho phép thành lập dự án đền bù giải phóng mặt bằng độc lập, được điều chỉnh quy hoạch cục bộ theo quy mô dân số đảm bảo hạ tầng.
Trên cơ sở hai cơ chế này, TP.HCM sẽ rà soát quy hoạch, xác định các dự án có thể điều chỉnh quy hoạch, từ đó lập dự án thu hồi tạo quỹ đất để đấu giá. Việc này sẽ phát huy được quỹ đất gắn với phát triển hạ tầng giao thông", ông Lâm nói thêm.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết việc lựa chọn chủ đề, chủ thể chất vấn được thống nhất từ 89/92 đại biểu tại kỳ họp. Với lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, sẽ chất vấn nội dung công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; việc kết nối giao thông liên tỉnh; vấn đề bến bãi đỗ xe, công tác quản lý đào tạo sát hạch lái xe…
Sở Du lịch sẽ được chất vấn nội dung chiến lược phát triển du lịch, phát triển kinh tế đêm cùng các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển ngành.
Riêng đối với lãnh đạo UBND quận 1, HĐND sẽ chất vấn công tác phát triển du lịch trên địa bàn; vấn đề bến bãi đỗ xe và công tác quản lý an ninh trật tự.
Cùng với đó, các đại biểu sẽ nghe, thảo luận và thông qua nghị quyết về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025” của thường trực HĐND TP.HCM. Cuối cùng hội nghị sẽ thực hiện công tác nhân sự của HĐND TP.HCM.
Trước đó, báo cáo kết quả giải ngân trong phiên họp kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP đạt được 23%. Dù không đạt chỉ tiêu 35% nhưng TP đã đạt cao hơn nhiều con số của quý 1 và cao hơn 3 lần so với cùng kỳ.
Đây là tín hiệu tích cực sau những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của chính quyền TP cũng như kết quả của việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận