![Tránh ồ ạt cấp phép cho trung tâm dạy thêm - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/edit-nh-hoc-them-3-12-2-25-read-only-17393172492962039928721-1739522140793764048562.jpeg)
Học sinh tại một điểm dạy thêm ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thông tư 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chính thức có hiệu lực.
Gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết dưới đây, bạn đọc Trần Xuân Tiến kỳ vọng quy định mới sẽ chấn chỉnh những bất cập trong dạy thêm học thêm, tuy nhiên cũng bày tỏ nhiều băn khoăn.
Lo ngại phát sinh "giấy phép con"?
Thông tư 29 là một bước đi quan trọng, nhằm tăng cường kiểm soát quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, hướng đến mục đích cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Dạy thêm, học thêm đã tồn tại từ lâu, với mục tiêu giúp người học ôn tập, củng cố kiến thức ngoài giờ học chính khóa.
Tuy nhiên ở một số nơi, trong một số trường hợp, hoạt động này đã dẫn đến những hệ lụy như: quá tải đối với người học; thiếu minh bạch, "thiếu động cơ trong sáng" trong hoạt động giảng dạy.
Người học đáng lẽ phải có thời gian nghỉ ngơi sau thời gian học chính khóa, thì thay vào đó liên tục bị đẩy vào vòng xoáy học thêm không có điểm dừng.
Thông tư 29 được kỳ vọng sẽ chấn chỉnh những bất cập trên. Thế nhưng nhiều giáo viên và dư luận xã hội hết sức quan tâm vì những vướng mắc phát sinh.
Một trong số đó là theo thông tư, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường và phải đăng ký với trung tâm dạy thêm.
Điều này dẫn đến những lo ngại về phát sinh "giấy phép con" - một thuật ngữ quen thuộc trong quản lý hành chính, nhằm chỉ những thủ tục hành chính phức tạp, gây khó khăn cho người đăng ký.
Việc yêu cầu giáo viên phải đăng ký với các trung tâm dạy thêm có thể dẫn đến sự can thiệp quá mức cần thiết của đơn vị quản lý, làm gia tăng thủ tục hành chính và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh chi phí không chính thức.
Nếu việc đăng ký và kiểm tra các trung tâm dạy thêm không được thực hiện một cách minh bạch, đồng bộ, sẽ dễ dàng tạo ra những lỗ hổng cho những trung tâm cố tình làm khó giáo viên.
Giải pháp nào?
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc phát sinh "giấy phép con", sở giáo dục và đào tạo tỉnh, thành cần có kế hoạch nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát các trung tâm dạy thêm, tránh tình trạng cấp phép ồ ạt mà không kiểm soát chất lượng, đồng thời đảm bảo quyền lợi của giáo viên khi đăng ký dạy thêm.
Mặt khác, sau khi thông tư 29 đi vào cuộc sống, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin liên quan quy định dạy thêm, học thêm để kịp thời sửa đổi, bổ sung, nhằm đảm bảo phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng gốc rễ của thực trạng dạy thêm, học thêm biến tướng là do nội dung chương trình học tập vẫn còn nặng, và tâm lý xem trọng bằng cấp vẫn còn phổ biến trong xã hội.
Thực tế cho thấy thay vì tập trung phát triển toàn diện kiến thức và kỹ năng, người học đang được gia đình, nhà trường và xã hội định hướng tìm đến con đường đạt điểm số cao nhất trong các kỳ thi.
Việc học dường như chỉ phục vụ cho các kỳ thi, xuyên suốt từ bậc mầm non đến đại học, thậm chí là sau đại học, dẫn đến hiện tượng dạy thêm, học thêm càng có điều kiện để diễn biến phức tạp.
Thế nên để giải quyết câu chuyện dạy thêm, học thêm cần một loạt giải pháp đồng bộ hơn.
Có thể kể đến như: giảm tải chương trình học tập (vốn dĩ thường bị đánh giá là quá nặng nề so với các quốc gia trên thế giới); tăng cường kỹ năng thực hành, thực tế; khuyến khích xây dựng môi trường học tập tích cực - nơi người học có tinh thần chủ động, tự học.
Đặc biệt là xóa bỏ bệnh thành tích, phong trào để người dạy và người học không còn chạy theo điểm số.
Tăng cường truyền thông nhằm giúp phụ huynh hiểu rằng việc học không chỉ là thi cử mà còn là phát triển nhân cách và kỹ năng sống cho con cái; tận dụng tối đa những mặt tích cực của công nghệ đối với giáo dục…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận