17/09/2013 05:45 GMT+7

Hậu quả từ việc quá coi trọng bằng cấp

Tuấn (phuoctuan.npt@...)
Tuấn (phuoctuan.npt@...)

TT - Ý kiến của ông Ito Junichi trong bài “Hãy trân trọng lao động chân tay” (Tuổi Trẻ ngày 5-9) nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Nhiều bạn đọc đã nói lời cảm ơn ông Ito Junichi vì đã đưa ra nhận xét rất xác đáng về giới trẻ VN, về giáo dục ở VN...

G9boR6qX.jpgPhóng to
Tuổi Trẻ trích đăng một số ý kiến dưới đây.

Những chia sẻ thẳng thắn

* Ông Ito Junichi nói rất đúng. Người VN hay coi thường những người lao động chân tay và chỉ thích làm công việc ở văn phòng - tư tưởng này đã ăn sâu vào người Việt chúng ta bấy lâu nay. Cha mẹ thường định hướng cho con em chọn nghề để làm việc trong văn phòng mà quên con mình thích gì và phù hợp nghề gì. Nhiều bạn trẻ chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng này nên đa số học nghề văn phòng như kế toán, tin học, tài chính... dẫn đến cung vượt cầu và thất nghiệp rất nhiều...

* Cảm ơn ông Ito Junichi vì những chia sẻ thẳng thắn. Đọc xong bài của ông, tôi thấy nổi lên hai thực trạng ông muốn nói về người VN, đặc biệt là giới trẻ. Thứ nhất về kỹ năng làm việc. Việc ông nói về những người có bằng cấp đại học, MBA song không biết động tay động chân làm những việc bình thường mà chỉ biết toàn lý thuyết là có thật. Tiếc là nhà báo chưa hỏi ông xem chúng tôi nên giải quyết hạn chế này như thế nào? Ở VN, từ lâu mọi người đã cho rằng đó là trách nhiệm của ngành giáo dục. Nay đọc ý kiến của ông, bản thân tôi cũng nghĩ cần phải thay đổi cách đào tạo từ trường học.

Ý thứ hai của ông trực tiếp nói về tính cách của con người, việc lớp trẻ bây giờ thích được giàu có nhưng không siêng năng làm việc. Nếu đúng thật như ông nói thì rất tệ hại, vì khi đó người ta rất dễ làm giàu bất chính... Tôi nghĩ con người ở đâu cũng có tính xấu và tính tốt. Làm sao chúng ta rèn luyện để mình càng hoàn thiện hơn, cái xấu bị tiêu trừ còn cái tốt thì duy trì và phát huy...

Khi mục tiêu chỉ là bằng cấp

*Lâu nay, tâm lý xã hội trong đại bộ phận người dân, cơ quan nhà nước vẫn quá coi trọng tấm bằng, tuyệt đối hóa bằng cấp để đánh giá trình độ con người. Vì vậy, trong giáo dục cả người dạy và người học chỉ đặt mục tiêu là có được tấm bằng mà quên đào tạo kỹ năng nghề nghiệp. Ngày nay sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng mù nghề, không có kỹ năng thực hành, mù ngoại ngữ trở nên phổ biến. Trong khi đó, người làm việc trong khu vực công chỉ cần có tấm bằng và nó được coi như một loại bảo bối để xếp vị trí, ngạch bậc lương...

*Theo tôi, nên có một chương trình mà học sinh phổ thông vừa học văn hóa, vừa học nghề để khi tốt nghiệp THPT ít ra học sinh cũng có khái niệm về chuyện học nghề để nuôi sống bản thân. Chứ như bây giờ tốt nghiệp THPT rồi thì học sinh chỉ biết... thi đại học.

*Ý kiến của ông Ito Junichi rất hay. Ở nước ta, giáo dục chú trọng lý thuyết hơn thực hành, bản thân tôi cũng từng học đại học nên rất rõ điều đó. Không riêng gì ở đại học, cấp học nào cũng vậy, bài thi kỹ năng thực hành thì ít, còn bài thi lý thuyết lại nhiều nên khi ra trường không làm việc được ngay mà phải có người hướng dẫn. Tôi nghĩ ngành giáo dục nên xem lại chương trình hiện nay và thay đổi cho phù hợp.

Công chức cũng thiếu kỹ năng thực thi công vụ

Ngay cả công chức cũng thiếu kỹ năng thực thi công vụ. Yếu kém lớn nhất là chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong cơ chế mới. Nhìn chung chất lượng, nhất là kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ hành chính của công chức thật sự thấp.

Tôi thấy phương thức đào tạo công chức hiện nay chủ yếu theo chức nghiệp, nhằm vào việc tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ, công chức, chứ chưa chú trọng đầy đủ tới những kiến thức và kỹ năng để cho công chức đủ năng lực thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao. Công tác đào tạo sai lầm đang gây ra tình trạng hụt hẫng về năng lực thực thi công vụ thích ứng với yêu cầu phát triển của đất nước đối với công chức. So với yêu cầu nhiệm vụ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước trong tương lai thì sự hụt hẫng này càng trở thành thách thức lớn đối với chính quyền các cấp.

Nói cho dễ hiểu ta chỉ chú ý việc đưa họ đủ tiêu chuẩn ngồi vào “ghế” mà chưa quan tâm đến chuyện họ “ngồi vào ghế rồi phải làm như thế nào”.

____________

Tin bài liên quan:

Có nên gọi là nguyên thiếu tướng?TS Nguyễn Minh Hòa: Xây dựng nội lực từ trụ cột quốc giaTư thế xứng đángGiáo dục “cất cánh” mới nâng được nội lựcĐánh thức nội lực thành sức mạnh dân tộcNội lực nằm trong sức dânKhông đủ nội lực, sẽ khó giữ chủ quyềnGiáo dục VN quên những người giỏi kỹ năng làm việc

Tuấn (phuoctuan.npt@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên