14/02/2025 05:45 GMT+7

Thầy cô tất bật lo đăng ký kinh doanh dạy thêm

Hôm nay (14-2), thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Cũng từ hôm nay, những giáo viên trường công lập dạy thêm tại nhà không có giấy phép kinh doanh được xem là trái quy định.

Tất bật đăng ký kinh doanh dạy thêm - Ảnh 1.

Học sinh THPT học thêm ra về tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM vào tối 13-2 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Những ngày qua, nhiều giáo viên xôn xao với quy định mới về việc dạy thêm, học thêm. Trong đó, giáo viên dạy thêm không đăng ký dạy ở các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, trung tâm dạy thêm học thêm... thì phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Người tự làm, người nhờ dịch vụ

Trước Tết Nguyên đán, thầy Hào - một giáo viên toán bậc THCS tại TP.HCM - đã tìm hiểu và thấy nếu không đăng ký kinh doanh chỉ còn cách nhờ các trung tâm dạy thêm để dạy và đưa học sinh đang học ở nhà đến đây.

Với khoảng 80 học sinh đang học thêm, khó tìm trung tâm gửi gắm chuyện bố trí phòng học, thầy Hào quyết định đăng ký kinh doanh theo quy định của thông tư 29. Tuy nhiên là giáo viên của trường công, viên chức nhà nước nên thầy không thể đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh theo quy định. Cuối cùng, thầy Hào nhờ vợ đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh.

"Sau một thời gian cân nhắc dựa trên quyền lợi của học sinh, tôi thấy mình nên đăng ký kinh doanh để giữ chi phí hiện nay cho người học. Vì nếu tôi đăng ký làm giáo viên của các trung tâm, chi phí học sinh đi học sẽ phải theo chi phí của trung tâm, trả tiền mặt bằng và các khoản phí khác tăng lên.

Tôi đã đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh và đến nay đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Tôi không phải lo việc dạy học bị gián đoạn sau 14-2 nữa" - thầy Hào cho biết.

Thầy Minh - một giáo viên ngữ văn trường công lập tại TP.HCM - cho biết sau Tết thầy đã nhờ dịch vụ làm các thủ tục để hợp pháp hóa việc dạy thêm, học thêm. Hôm đó, thầy được bên dịch vụ cho biết sẽ đăng ký kinh doanh cho người thân của thầy theo hình thức "hộ kinh doanh".

Nhưng nay bên dịch vụ đã báo lại rằng quận không cho phép đăng ký kinh doanh dạy thêm bằng hình thức hộ kinh doanh vì... không có mã ngành nên hiện nay thủ tục kinh doanh sẽ phải thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp.

"Ngày 14-2 thông tư 29 có hiệu lực, nhưng tôi vẫn chưa có giấy phép thành lập công ty mà đăng ký hộ kinh doanh thì không được" - thầy Minh cho biết.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, khá nhiều giáo viên đăng ký dạy thêm và xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh nhưng bị UBND quận, huyện tại TP.HCM từ chối.

Một số nơi trả lời giáo viên là hiện không có mã ngành kinh doanh của dạy thêm ở hình thức "hộ kinh doanh" nên họ không cấp giấy chứng nhận được. Vì thế nhiều giáo viên đang dạy thêm tìm cách mở lớp dạy thêm theo hình thức thành lập công ty.

Lo ngại tăng chi phí

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhiều giáo viên cho biết họ gặp rất nhiều vấn đề khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh để dạy thêm.

"Chúng tôi là công chức nên không thể đứng tên pháp nhân để đăng ký kinh doanh nên phải nhờ bố mẹ, vợ, chồng, anh, em đứng tên để đăng ký kinh doanh. Nhưng điều đáng nói là những quy định liên quan như phòng ốc, chỗ ngồi, phòng cháy chữa cháy... tôi không biết có đáp ứng quy định không.

Mặt khác khi thành lập công ty dạy thêm thì phải có kế toán mà với nhiều điều kiện như vậy thì chi phí đội lên" - cô Bích, một giáo viên bậc THCS tại TP.HCM, kể.

Cô Hồng - chủ một trung tâm bồi dưỡng văn hóa - kể cô từng là giáo viên ở trường công. Gắn bó với nghề dạy học nên cô đã mở trung tâm bồi dưỡng văn hóa và hình thức được cấp phép là công ty.

"Trung tâm tôi thành lập đã hoạt động được ba năm. Ngoài chi phí mặt bằng và điện nước, chúng tôi còn phải đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Chúng tôi được cấp phép là công ty nhưng khi đoàn phòng giáo dục - đào tạo và liên ngành đi kiểm tra thì chúng tôi nói bị thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Giá của hệ thống này hơn 100 triệu đồng, đắt quá nên khiến tôi cũng đang cảm thấy không thể kham nổi" - cô Hồng cho biết.

Dự kiến việc thành lập công ty sẽ đội chi phí, thầy Minh đang tính đến việc trụ sở của công ty là tại nhà của thầy.

"Tôi cũng chỉ dạy mấy chục học sinh, phòng ốc bàn ghế đều đủ cả, nhà cũng có các bình chữa cháy... Vì thế tôi không muốn thuê một địa điểm nào để dạy thêm, bởi thuê địa điểm là sẽ tăng chi phí khiến các em học sinh đi học thêm phải trả khoản phí cao hơn", thầy Minh nói.

Tất bật đăng ký kinh doanh dạy thêm - Ảnh 2.

Phụ huynh chờ đón học sinh trước một trung tâm bồi dưỡng văn hóa trên đường Nguyễn Khắc Nhu, quận 1, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Có thể chọn 2 hình thức đăng ký

Chia sẻ về quy định pháp lý dạy thêm trước và sau thông tư 29, thạc sĩ luật Nguyễn Thị Thái Thuận, giảng viên khoa kinh tế - luật Trường đại học Tài chính - Marketing, khẳng định: thông tư 29 chỉ khác hơn ở chỗ là quản lý dạy thêm bằng cách phải đăng ký kinh doanh hoặc "kết hợp" với các trung tâm để việc dạy thêm của thầy cô được hợp pháp hóa.

Theo đó, giáo viên công lập dạy thêm có thể lựa chọn hai hình thức nếu chọn phương án đăng ký kinh doanh. Nếu đăng ký thành lập hộ kinh doanh, giáo viên sẽ xin giấy phép từ UBND quận, huyện nơi đặt địa điểm của hộ kinh doanh.

Còn nếu thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp thì giáo viên sẽ đăng ký thành lập công ty và giấy phép này được cấp phép bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên theo quy định pháp luật hiện nay, nếu giáo viên công lập trực tiếp đứng tên để đăng ký kinh doanh dạy thêm thì đều không thể đăng ký vì vướng quy định.

"Theo Luật Doanh nghiệp 2020, công chức, viên chức không được thành lập và quản lý doanh nghiệp. Nhưng cũng theo quy định, họ được đăng ký hộ kinh doanh cá thể và vì thế giáo viên tưởng rằng họ có thể đăng ký hộ kinh doanh cá thể không sao.

Nhưng thông tư 29 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ hôm nay quy định "giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý và điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường". Vì thế theo quy định, giáo viên các trường công lập không thể đứng tên tư cách pháp nhân dù là thành lập doanh nghiệp để dạy thêm hay xin cấp giấy chứng nhận kinh doanh hộ gia đình" - bà Thuận lưu ý.

Vì thế với những giáo viên công lập đang dạy thêm, một điều để thực hiện đúng thông tư 29 là đầu quân cho các trung tâm dạy thêm đã được cấp phép và thực hiện việc dạy thêm ở cơ sở đó.

Điều kiện để thành lập trung tâm dạy thêm

Luật sư Lưu Thị Quỳnh Trang - giám đốc Công ty luật Lưu Trang - cho biết căn cứ theo thông tư 29, có hai điều kiện để thành lập trung tâm dạy thêm. Điều 6 thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 14-2 quy định tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện các yêu cầu sau:

1- Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo mẫu số 02 tại phụ lục kèm theo thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).

+ Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

+ Đối với giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo dạy thêm với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

Như vậy theo quy định của thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh và chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Đây là điểm mới so với thông tư 17.

Tất bật đăng ký kinh doanh dạy thêm - Ảnh 3.

Học sinh đến một điểm học thêm tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhờ giáo viên khác dạy học sinh của mình

Trong khi đó, một số giáo viên cho biết có một số học sinh bị vướng vào quy định thông tư 29 vừa là học sinh trên lớp vừa tham gia lớp dạy thêm của các giáo viên.

"Từ trong Tết tôi đã liên hệ với các giáo viên khác để nhờ họ dạy các học sinh đã theo học tôi từ trong hè năm ngoái. Dù các em xin học vì nói là các em đã quen học với tôi, nhưng tôi cũng đành phải làm vậy vì sợ làm sai quy định" - thầy Hào, một giáo viên ở TP.HCM, cho biết.

* Chị Ngọc Hân (ngụ quận 4, TP.HCM):

Mong có "đặc thù" cho học sinh cuối cấp

Tôi có con học cuối cấp, hiện đang học thêm ba môn để chuẩn bị cho kỳ thi. Trước quy định mới, thầy cô dự kiến dừng việc dạy tại nhà do chưa đăng ký được trung tâm nên tôi cảm thấy lo lắng thực sự. Tôi mong có hướng dẫn đặc thù cho học sinh cuối cấp, ít nhất là dành cho các em học sinh cuối cấp đang trong năm nay.

Giáo viên trường công đăng ký dạy thêm ở mức cao

Theo thông tin ghi nhận từ 10 trường học trên địa bàn TP.HCM, sau khi thông tư 29 ra đời đến nay tại 10 trường này đều hoàn thành việc cho giáo viên đăng ký dạy thêm với nhà trường.

Số lượng giáo viên đang dạy thêm trong các trường chiếm tỉ lệ cao ở những môn như toán, văn, Anh, khoa học tự nhiên. Ghi nhận ở các trường hầu hết các giáo viên tổ văn, toán, Anh đều dạy thêm với mức trên 90% và khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) ở mức 70%.

Giáo viên về hưu, sinh viên dạy thêm có phải theo thông tư 29?

Luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng theo điều 1 thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 14-2-2025), thông tư 29 không chỉ điều chỉnh hoạt động dạy thêm của riêng giáo viên mà tất cả tổ chức, cá nhân tham gia dạy thêm, tổ chức dạy thêm đều chịu sự điều chỉnh của thông tư này.

Do đó, sinh viên dạy kèm 1-1 (gia sư) hay giáo viên về hưu dạy thêm là một hoạt động dạy thêm, nên những đối tượng này cũng sẽ được xem là người dạy thêm.

Tại điều 4 thông tư 29 quy định ba trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm từ ngày 14-2-2025 gồm:

- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Như vậy theo quy định nêu trên, có thể thấy pháp luật không có quy định về việc cấm giáo viên về hưu hay gia sư được dạy thêm. Tuy nhiên những đối tượng này muốn dạy thêm thì cần lưu ý là không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học; việc tổ chức các lớp học bồi dưỡng kiến thức cho học sinh tiểu học là không được phép, trừ khi đó là các hoạt động liên quan đến bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống và thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định.

Theo ông Hạnh, thông tư 29 là một bước quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm trong giáo dục. Do đó với sự ràng buộc chặt chẽ của các quy định pháp luật, người dạy thêm, trong đó có giáo viên về hưu và gia sư, cần thực hiện đúng quy định để hoạt động dạy thêm được hiệu quả và đảm bảo về mặt pháp lý.

Chủ trung tâm nói về tỉ lệ cho giáo viên

Theo tiết lộ của ông T. - chủ một trung tâm dạy thêm tại TP.HCM, đến hiện nay tỉ lệ "ăn chia" khi các trung tâm nhận giáo viên trường công dạy thêm có rất nhiều mức, mức mà giáo viên hưởng nhiều nhất là 70/30, tức là giáo viên nhận 70% trên tổng tiền thu học phí của học sinh, 30% trung tâm giữ lại để bù đắp chi phí. Mức này được trả cho những giáo viên có tiếng tăm, uy tín và có nhiều học sinh đăng ký theo học trước khi đến với trung tâm.

Mức tiếp theo là 60/40, tức là giáo viên nhận 60% và trung tâm giữ lại 40%, mức này trả cho những giáo viên ở mức độ uy tín với phụ huynh và học sinh khá. Một số giáo viên phải chấp nhận "cưa đôi" học phí của học sinh với trung tâm trong những trường hợp có mức độ uy tín trung bình và số lượng học sinh không nhiều, sức hút với học sinh ít.

"Chúng tôi lo ngại nhất là trường hợp giáo viên dẫn học sinh đến nhưng những học sinh này lại do họ dạy ở trường. Đây là vi phạm thông tư 29. Tuy nhiên nếu những giáo viên này họ đã dạy các học sinh nói trên từ trước năm học thì thật sự cũng thương cho học sinh.

Nên những trường hợp này chúng tôi cũng có cách để họ qua được… học kỳ này". Theo đó, ông T. tiết lộ ông có thể dùng cách tráo đổi học sinh hoặc tráo đổi giáo viên miễn là giáo viên phải "chịu chi" với mức xứng đáng.

Đưa việc dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ

Tất bật đăng ký kinh doanh dạy thêm - Ảnh 3.

Ông Hồ Tấn Minh - chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM - Ảnh: T.LÊ

Chiều 13-2, tại họp báo kinh tế - xã hội, ông Hồ Tấn Minh - chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM - đã thông tin một số nội dung của thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14-2.

Ông Minh khẳng định thông tư này không cấm việc dạy thêm, học thêm mà đưa việc dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ, thực hiện đúng quy định. Việc học thêm để phát triển, học tập suốt đời là điều cần thiết nhưng phải xác định học trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện.

Hiện Sở GD-ĐT TP.HCM đang có văn bản lấy ý kiến các sở ngành về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP.HCM và sẽ sớm ban hành hướng dẫn.

"Giáo viên được tổ chức dạy thêm nhưng ở nơi có đăng ký kinh doanh theo quy định. Ở đây không thể nói tôi dạy kèm 2-3 học sinh, dạy nhóm học sinh. Đã dạy thêm ngoài nhà trường thì phải thực hiện đúng quy định", ông Minh nói.

Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định giáo viên trường công lập không được tổ chức điều hành dạy thêm. Ngoài ra giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh đã tham gia học lớp chính khóa của mình.

Nếu học sinh học chính khóa thì thầy cô phải dạy hết những nội dung, hình thành cho các em năng lực tự học, chứ không phải chừa nội dung để dạy thêm hay học sinh học thêm vì một bài kiểm tra, một kỳ thi.

Cũng theo ông Minh, thông tư cũng nêu rõ việc nhà trường chỉ tổ chức dạy thêm không thu tiền. "Nhà trường trước đây vẫn được thu tiền dạy thêm nhưng thời gian qua dấy lên câu chuyện thay vì thời gian dạy chính khóa không hết thì để dành cho thời gian dạy thêm.

Tuy nhiên có ba đối tượng nhà trường phải tổ chức bồi dưỡng là học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng, bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh cuối cấp. Không thể nói vì thông tư nên nhà trường lơ là không tổ chức ôn tập cho các em" - ông Minh nói và cho biết TP.HCM sẽ có hướng dẫn về nội dung này và sẽ có kinh phí hỗ trợ thầy cô bồi dưỡng học sinh cuối cấp, học sinh yếu thế…

Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc không dạy thêm bậc tiểu học. Thực tế hiện nay nhiều giáo viên tiểu học nhận giữ học sinh sau giờ học và tổ chức dạy kèm trong khoảng thời gian chờ phụ huynh đến đón. Việc quy định không dạy thêm khiến phụ huynh khó khăn trong việc đón con sau giờ học.

Về vấn đề này, chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP khẳng định thông tư quy định không tổ chức dạy thêm bậc tiểu học nhưng ngoại trừ các lớp dạy kỹ năng, năng khiếu như học đàn, hát, vẽ, bơi, rèn chữ đẹp, các câu lạc bộ thể dục thể thao, văn nghệ…

"Với các em tiểu học, học hai buổi ở trường đã đủ rồi. Các em nên được học các kỹ năng năng khiếu để phát triển toàn diện thay vì cứ chăm chăm vào toán, tiếng Việt. Giáo viên tiểu học không dạy thêm là không dạy những môn chính khóa trên lớp, còn nếu có năng lực tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu cho các em thì không ai cấm.

Các trường cũng nên tổ chức các câu lạc bộ để các em tham gia sau giờ học chính khóa, tiện cho cha mẹ đón con sau giờ làm. Việc này nhiều trường đã làm hiệu quả", ông Minh nói.

Tất bật đăng ký kinh doanh dạy thêm - Ảnh 5.Giáo viên về hưu và sinh viên dạy thêm có phải theo thông tư 29?

Những thay đổi về dạy thêm có hiệu lực từ 14-2 sẽ chỉ điều chỉnh với giáo viên hay với cả giáo viên nghỉ hưu, sinh viên dạy kèm?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên