24/05/2020 14:25 GMT+7

Cặp đôi kể chuyện tình do tổ chức 'sắp xếp'!

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Cứ đúng sinh nhật Bác Hồ 19-5 và các ngày lễ lớn của đất nước, một cặp vợ chồng từng là "lính Cụ Hồ" ở phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) lại cùng nhau sửa soạn bàn thờ, thắp hương hướng về tiền nhân.

Cặp đôi kể chuyện tình do tổ chức sắp xếp! - Ảnh 1.

Sống tới tuổi 80, 90 nhưng cụ Hy và cụ Mai vẫn là một cặp đôi đáng ngưỡng mộ của nhiều gia đình trẻ - Ảnh: T.B.D.

Cả đời tui và vợ đều theo cách mạng, được như ngày hôm nay tui không một giây phút nào quên ơn tiền nhân.

Ông TRẦN VĂN HY

Đó là câu chuyện về gia đình cụ ông Trần Văn Hy (92 tuổi), từng là lính qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cùng người bạn đời là cụ bà Lê Thị Kim Mai (81 tuổi), từng là dân công địa phương. Họ đến với nhau trong một lần bộ đội về làng.

Sinh nhật đặc biệt của Bác

Khác với các lần tổ chức sinh nhật cho Bác Hồ những năm trước, buổi lễ do gia đình ông Hy tự tổ chức chiều 19-5 năm nay trang trọng hơn. 

Lúc 16h, khi những mâm cơm tươm tất, gian bàn thờ đã đầy đủ hoa quả, ông Hy bảo con đốt một cây nến. 

Trước di ảnh của Bác đặt cùng với di ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Hy kính cẩn thắp nén nhang rồi kể từ khi về chung một nhà, cả ông và vợ đều thờ Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, ông bà in thêm một bức ảnh rồi đặt lên kế bên. 

"Cả đời tui và vợ đều theo cách mạng, được như ngày hôm nay tui không một giây phút nào quên ơn tiền nhân" - ông Hy giọng run run.

Bữa cơm chiều mừng sinh nhật Bác Hồ năm nay đông vui hơn các năm trước khi ông Hy vừa được nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, được hỗ trợ gần 10 triệu đồng nên ông bàn với vợ con tổ chức lớn và mời bà con hàng xóm cùng đến dự. 

Khi đến nơi, hàng xóm gây bất ngờ cho gia đình ông bằng cách góp tiền mua một cái bánh sinh nhật mang đến góp vui. Ông bê thùng bia, đứng phát cho mọi người, nét mặt người cựu chiến binh tuổi 92 này rạng rỡ như chính đó là sinh nhật của mình.

"Năm nay đông vui nhất vì bà con đến đông, mọi người cứ ăn uống thoải mái. Đây là "lộc" của Bác Hồ, chứ không phải của tui nên mọi người không phải nghĩ ngợi gì" - ông nói. Bà con lối xóm vỗ tay vang rền chia sẻ. 

"Chưa bao giờ nghĩ đời mình sẽ có ngày hôm nay nên dù có giàu có, no đói hay sướng khổ gì chúng tui cũng luôn nhớ đến Bác Hồ. Tui là người tự tận đáy lòng có ơn của Bác nên tui tự thờ Bác, tự tưởng nhớ về các bậc tiền nhân, chứ không vì điều gì khác cả" - ông Hy nói.

Từ "thằng ở đợ" đến người lính Cụ Hồ

Ông Hy nói cuộc đời ông và vợ là một "hành trình cách mạng", thay đổi phận đời đặc biệt và nếu không có cách mạng, không có Bác Hồ thì có lẽ mình không có được ngày hôm nay. Ông sinh năm 1928, năm 15 tuổi vì cha mẹ quá nghèo nên để không bị đói, ông phải đi làm người ở cho một địa chủ trong vùng. 

"Lúc đó khổ lắm, thân phận mình không hơn một con vật nuôi trong chuồng. Tui cứ nhớ miết cảnh mình phải ngồi canh cho ông chủ ngủ, họ nằm trên phản gỗ, còn tui phải ngồi đấm bóp. Thỉnh thoảng tui ngủ gật liền bị ông ấy lấy tay "cốc" vào chỏm đầu, đau cả da thịt lẫn trong tim vì thấy phận mình quá thấp hèn" - ông nhớ lại.

Người cựu chiến binh này còn kể rằng có đợt khi đang đi ở trong nhà địa chủ thì bị gãy tay, không những không được chữa trị mà vẫn phải làm lụng cật lực: "Tui phải thả hờ cánh tay phải bị gãy ra ép vào ngực, tay trái vẫn cuốc đất, dọn nhà". 

Vì khổ nhục như vậy nên khi thấy kháng chiến tới, ông trốn nhà địa chủ xin tòng quân năm 21 tuổi. 

"Để được ra xã đăng ký tuyển quân, tui phải bỏ trốn khỏi nhà địa chủ ba ngày. Bụng đói meo mà không có gì ăn, phải đợi khám lâu quá nên tui mò về lại nhà thì họ đuổi đi, ném cho ba củ khoai sống. Tui lấy que tre xâu lại thành một dây rồi lên xã nhai khoai sống chờ. 

Một chú bộ đội thấy tui nhai khoai, mặt gầy hoắt, da xanh xao nên hỏi chuyện. Nghe tui kể, ông ấy đồng ý nhận tui vào lính. Tui theo cách mạng và "biệt tích" từ đó" - ông kể.

Cặp đôi kể chuyện tình do tổ chức sắp xếp! - Ảnh 3.

Cứ vào sinh nhật, ngày giỗ Bác Hồ và các ngày lễ lớn của đất nước, ông Hy lại sửa soạn bàn thờ tưởng niệm những người đã có công lớn với Tổ quốc - Ảnh: T.B.D.

Nên duyên nhờ "tổ chức sắp xếp"

Giờ ông Hy và người bạn đời của mình là bà Mai vẫn thủ thỉ với nhau. Sáng ông đạp xe đi mua đồ ăn sáng cho vợ vì "người khác mua mình không yên tâm". Câu chuyện của hai ông bà được rất nhiều người biết tới và họ lấy làm gương để răn nhủ chính đời sống trong gia đình. 

Thầy giáo Phạm Đình Được - hàng xóm của ông Hy - bảo trong xóm ai cũng ngưỡng mộ ông bà bởi họ sống đạo đức và thanh khiết như những người cộng sản chân chính. 

"Chưa bao giờ tôi nghe thấy một tiếng nói lớn trong nhà. Tới ngày lễ lớn, gia đình ông treo cờ Tổ quốc đầu tiên, rồi ông đi từng hộ để nhắc nhở. Ai không có cờ hoặc cờ bị rách thì ông mua về tặng rồi treo lên" - thầy Được kể.

Bà Mai kể chồng mình đi bộ đội, rồi được cho tập kết ra Bắc. Năm 1956, bà đang là dân công địa phương ở một xã nghèo ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ngày bộ đội về, dân làng nô nức đón chào. Bộ đội ở nhà của một hợp tác xã trong làng. Bà cũng không chú ý nhiều đến anh bộ đội cao ráo, vẻ thư sinh, mà chỉ biết người này tên Hy. 

Hai người hoạt động cách mạng và vẫn xưng hô nhau là "đồng chí", cho tới một ngày khi bà đang ở nhà thì thấy đoàn sĩ quan, bộ đội dẫn anh em tới. 

"Họ ăn mặc quân phục chỉnh tề, đầu đội mũ cối, tới nhà tôi với phong thái rất nghiêm túc theo kiểu quân đội. Hóa ra là đem ông Hy giới thiệu cho tui. Trời ơi!" - bà Mai cảm xúc nhớ lại.

"Thật tình tui cũng thấy ổng đẹp trai, trắng trẻo, nên tui cũng biết biết chứ không dám có ý gì. Không ngờ mấy đồng chí chỉ huy cấp trên nói rằng họ "tìm hiểu" đã lâu, đem ổng đến vì họ thấy ổng ngoài 30 tuổi rồi, hiền lành mà nhút nhát nên vẫn chưa có người yêu. 

Bà con nói trong xóm có cô Mai tính nết hiền lành, lại dân công theo cách mạng nữa nên họ về làm công tác tư tưởng với ông Hy. Xong đâu vào đấy là họ dẫn ổng qua, tính được thì... gả luôn" - bà Mai ngồi bên ông Hy kể lại, rồi che miệng cười móm mém.

Hai ông bà nói rằng họ đến với nhau đơn giản như thế. Thấy "tổ chức" sắp xếp, gả đón nên hai người cũng đồng thuận. Nhớ nhất là ngày đám cưới, cả đơn vị làm một cái lễ đơn sơ, chỉ huy đơn vị đứng lên làm "chủ hôn" rồi tuyên bố "đồng chí Mai và đồng chí Hy từ nay là vợ chồng". 

Sau đó anh em cầm hoa đồng nội chạy tới chúc mừng, đơn vị tặng quà cưới là hai cục xà bông và cái khăn mặt. "Vậy mà tui theo ổng tới chừ (giờ) đó" - bà Mai cười nói.

Sau khi lấy nhau, hai ông bà sống ở Hà Tĩnh. Chiến tranh kết thúc, ông được chuyển qua công nhân nông trường kinh tế mới, còn vợ ở làng quê nuôi năm đứa con. Một thời gian sau đó thì một biến cố trong gia đình khiến cả hai người quyết định đưa con về lại Đà Nẵng - nơi quê gốc của ông - sinh sống tới nay.

Kỷ vật thiêng liêng của Bác

Hai ông bà nói rằng cả hai là lính Cụ Hồ, hiểu giá trị của tự do và hòa bình nên đều chịu ân sâu nghĩa nặng với cách mạng và Bác Hồ. Khi lấy nhau về tới nay, chưa ngày nào hai vợ chồng cùng các con không làm mâm cơm cúng Bác ngày

19-5, 30-4 và 2-9. Ông Hy nói cả đời mình chưa từng được gặp Bác, nhưng lại được một kỷ vật rất đặc biệt từ Bác: đó là tấm Huân chương Chiến sĩ vẻ vang kèm quyết định. Dưới quyết định đó, người ký là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Tui chỉ nhìn vào đó mà làm động lực sống thôi. Ai kinh qua những giai đoạn như tui mới thấu hiểu hòa bình và tự do không dễ để có, Việt Nam chúng ta đã phải đổi bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ để có hòa bình và tự do đó" - ông Hy nói.

Người dân rưng rưng xem hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ Người dân rưng rưng xem hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ

TTO - Hơn 200 hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp người dân cái nhìn đầy đủ và hệ thống về cuộc đời, sự nghiệp và công lao vĩ đại của Người.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên