Một tiết mục tại lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm qua 18-5 ở Hà Nội - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Vịnh nói:
- Tôi đã được đọc, được học nhiều về Bác; từ những bài viết, lời nói đến từng hành động, cử chỉ dù nhỏ nhất của Bác đều thể hiện tầm cao trí tuệ - minh triết Hồ Chí Minh. Nhưng tôi nghĩ, ở lời nói sau cùng - bản Di chúc, Bác để lại những lời căn dặn sâu sắc và thiêng liêng nhất.
Có nhiều người ví Bác Hồ như ông Tiên luôn nói ra những điều chân lý. Tôi thì nghĩ rằng những chân lý đó Bác có được là qua cả một quá trình bôn ba khắp năm châu bốn bể để tìm tòi, quan sát, học hỏi, chắt lọc, rèn luyện, đúc kết mà thành. Đó là minh triết Hồ Chí Minh đã nâng tầm trí tuệ dân tộc Việt Nam, và ngày nay chúng ta vẫn đang kế thừa, học tập để xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước, con người Việt Nam.
Học Bác thì phải đọc và thấm những triết lý, sự minh triết trong tư tưởng của Người mà hồn cốt là tình yêu dân tộc, là "không có gì quý hơn độc lập tự do", lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng. Chân lý ấy của Bác đã đồng hành, thôi thúc để chúng ta "dĩ bất biến ứng vạn biến" trong mỗi nhiệm vụ được Tổ quốc giao phó.
Không để con thuyền chệch hướng
* Việc học tập, làm theo phong cách đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động quân sự, quốc phòng đã được thực hiện như thế nào? Suy nghĩ của ông về tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc?
- Một trong những di sản lớn nhất, nổi bật nhất mà Người để lại cho muôn đời con cháu Việt Nam là tư tưởng về bảo vệ Tổ quốc. Nó gắn với bối cảnh lịch sử của đất nước, dân tộc, từ khi Bác Hồ được sinh ra, lớn lên, đi tìm đường cứu nước, thành lập Đảng, tổ chức lực lượng, tập hợp và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc để có Cách mạng Tháng Tám giành độc lập dân tộc.
Bác cũng là người trực tiếp kêu gọi và chỉ đạo thắng lợi các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Tư tưởng đó còn thể hiện ở quan điểm về đối nội, đối ngoại, đoàn kết quốc tế, bảo vệ hòa bình...
Vinh dự cho quân đội là được tiếp nhận di sản to lớn như vậy để học tập, kế thừa, vận dụng cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Vừa rồi, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng Chiến lược quốc phòng, quân sự trong thời kỳ mới.
Ở đó, chúng ta đã thể hiện sâu đậm tư tưởng Hồ Chí Minh với những chỉ dẫn của Người vẫn còn nguyên tính thời sự, trường tồn cùng thời gian như: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"; sức mạnh nhân dân, đoàn kết toàn dân, vũ trang nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; "người trước súng sau"...
* Vậy những điểm cốt yếu nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, quân sự Việt Nam là gì?
- Theo lời dạy của Bác, chúng ta xây dựng quân đội cách mạng của dân, vì dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quân đội phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân về bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, để lợi ích quốc gia dân tộc không bị xâm hại. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực để quân đội xây dựng, trưởng thành. Cùng với nhiệm vụ thiêng liêng ấy, hiện nay chúng ta xây dựng quân đội bảo vệ hòa bình bền vững cho Tổ quốc.
Hãy quan sát một thập kỷ gần đây thôi, đất nước ta đứng trước không ít sóng gió, cạm bẫy. Nhưng, trước những cám dỗ của bên này, bên kia chúng ta không hề bị ngả nghiêng mà vững vàng vượt qua, không để con thuyền bị chệch hướng. Không những thế quân đội Việt Nam còn tham gia vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cho khu vực và trên thế giới.
Một quân đội của dân, vì dân không chỉ thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu mà còn là một quân đội sát cánh cùng nhân dân và các lực lượng chức năng khác tham gia các công việc xây dựng đất nước, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Trong thời gian chống dịch COVID-19 vừa qua, quân đội là một trong các lực lượng chủ lực tham gia với tinh thần "chống dịch như chống giặc", như lời Bác dạy. Cả thế giới đánh giá cao phương châm, biện pháp "4 tại chỗ" mà Việt Nam áp dụng thành công trong phòng chống đại dịch; đó chính là sự kết tinh từ trí tuệ, từ phương châm mà chúng ta học từ Người, là "Làng giữ làng, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh, không trông chờ, ỷ lại".
Lễ chào cờ nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ diễn ra trước tượng đài Người tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM sáng 18-5 - Ảnh: THẢO LÊ
* Công tác đối ngoại quốc phòng là một hoạt động mà Bác Hồ rất quan tâm, với ông có gì đặc biệt?
- Lịch sử đã cung cấp những câu chuyện hết sức thú vị để suy nghĩ, chiêm nghiệm và học hỏi cách ứng xử và tầm nhìn vượt thời đại của Hồ Chí Minh.
Ví dụ cuối năm 1944, bộ đội Việt Minh đã cứu trung úy phi công Mỹ William Shaw bị quân Nhật bắn rơi tại khu vực biên giới Việt - Trung. Bác Hồ đã đích thân dẫn William Shaw vượt quãng đường vạn dặm từ Cao Bằng đến Côn Minh (Trung Quốc) để trao trả cho Đồng Minh. Tại đây, Hồ Chí Minh đã gặp tướng Mỹ Chennault để vận động ủng hộ Việt Minh. Giữa năm 1945, đơn vị tình báo đặc nhiệm mang bí danh "Con Nai" thuộc tổ chức OSS (tiền thân của CIA) đại diện cho lực lượng Đồng Minh đã nhảy dù xuống Tân Trào để phối hợp với Việt Minh chống phát xít Nhật.
Với cách ứng xử ấy, chúng ta thấy rằng Bác đã lựa chọn đứng về phía nào trong Thế chiến 2: đứng về phe Đồng Minh. Đó cũng là cách để sau này hai tiếng Việt Nam, về mặt pháp lý, phải được công nhận trên bản đồ thế giới.
Hay một chuyện khác, đến nay vẫn còn ít người biết, đó là đầu năm 1949, từ khi Trung Quốc chưa thành lập nước Cộng hòa nhân dân, Hồ Chủ tịch đã cử một đội quân của chúng ta sang phía nam Trung Quốc để thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giúp đỡ quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc do Chủ tịch Mao Trạch Đông lãnh đạo, truy kích tàn quân Tưởng Giới Thạch. Đây chính là lần xuất quân thực hiện nhiệm vụ quốc tế đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.
Với quyết định này, chúng ta vừa củng cố quan hệ với nước bạn, vừa ngăn chặn tàn binh của Tưởng tràn vào biên giới nước ta, vừa mở ra và nối liền hậu phương lớn từ biên giới Trung Quốc sang tận Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam sau này.
Bây giờ nhắc lại 10 chữ "cẩm nang" mà Bác đã căn dặn đoàn quân tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn gần 80 năm trước: "Cẩn thận - Bí mật - Đoàn kết - Hữu nghị - Thắng lợi", những người chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam sẽ thấy thật sáng rõ, thật đắc dụng với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới của ngày hôm nay.
Hiểu sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong đối ngoại quốc phòng sẽ giúp chúng ta xây dựng một quân đội bảo vệ hòa bình, thêm bạn bớt thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.
Nói về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, quân đội luôn ở vị trí đầu sóng ngọn gió. Công cụ quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là các biện pháp hòa bình, không để bên ngoài tạo cớ gây xung đột. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nên đòi hỏi chúng ta vừa kiên định vừa khôn khéo. Có những thế lực chỉ trông đợi chúng ta sơ hở để kiếm cớ gây hấn, gây bất ổn, khiến chúng ta mắc mưu họ. Khôn khéo không phải là hèn nhát mà khôn khéo để chúng ta đứng vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Chọn lãnh đạo có khát vọng
* Thưa thượng tướng, Hội nghị Trung ương 12 vừa kết thúc với những định hướng chỉ đạo về công tác nhân sự. Đây là thời điểm 45 năm sau khi đất nước thống nhất, với sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo với phần lớn những người giữ trọng trách được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Ông có thể chia sẻ về sự kỳ vọng của mình?
- Đó là quy luật, thế hệ sau tiếp nối, thay thế thế hệ trước để kế tục, phát triển sự nghiệp của Đảng, của đất nước. Tuy nhiệm kỳ nào cũng có những băn khoăn, trăn trở, nhưng đất nước ta vẫn luôn đạt được những thành tựu mới, Đảng ta vẫn ngày càng mạnh lên, nhân dân ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn, chứng tỏ chúng ta có thế hệ cán bộ có chất lượng ngày càng tốt hơn.
Nhân dân kỳ vọng đại hội này Đảng ta sẽ làm tốt nhất có thể để chọn ra những người xứng đáng để lãnh đạo, dẫn dắt đất nước trong thời kỳ mới. Đó là những người lãnh đạo nhận thức đúng và đủ về những khó khăn, thách thức, bên cạnh những thắng lợi, thời cơ của đất nước. Đó phải là những người có khát vọng cháy bỏng, quyết tâm mạnh mẽ và giải pháp hiệu quả để đưa đất nước phát triển.
Chẳng hạn như giữa bối cảnh quốc tế phức tạp, các nước lớn đang hục hặc với nhau như vậy thì mình đứng ở đâu trong trận đồ đó? Rồi trước những diễn biến mới của tình hình, cấu trúc thế giới thay đổi thì đâu là con đường, là sự lựa chọn của chúng ta?
Nhìn lại nhiệm kỳ vừa rồi, tôi thấy rằng ban lãnh đạo cao nhất của Đảng đã rất tỉnh táo để xử lý những vấn đề chiến lược, quyết đoán trong xử lý các vấn đề lớn, có được niềm tin của nhân dân và sự tôn trọng của bạn bè quốc tế. Khi tháp tùng các đồng chí lãnh đạo tham gia các hoạt động đối ngoại, tôi rất tự hào khi thấy lãnh đạo các nước rất tôn trọng lãnh đạo Việt Nam, mà thực chất đó là uy tín của đất nước chúng ta.
Tôi còn nhớ khi thăm Việt Nam, đến chào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: "Thưa ông, tôi sang đây gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam, và hôm nay gặp ông chỉ để nói một điều là tôi vô cùng ấn tượng với sự phát triển của đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do ông đứng đầu".
Đừng để lá phiếu bị "đánh đổi"
* Người lãnh đạo được lựa chọn phụ thuộc vào các lá phiếu của Trung ương. Soi lại nhiệm kỳ vừa qua thì thấy con số kỷ lục cán bộ bị xử lý kỷ luật...
- Trong quá trình chọn lựa, sàng lọc thì đôi khi chúng ta để lọt những "hạt lép". Điều đó cũng khó tránh khỏi. Nhưng hãy nhìn vào đại cục. Nhiệm kỳ vừa rồi Bộ Chính trị, Trung ương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân, đất nước đạt được nhiều thành tựu mới, điều này là không thể phủ nhận.
Với tôi, khi bỏ lá phiếu thì phải có niềm tin. Trước hết là tin vào tổ chức, và sau đó là tin vào chính mình. Mình tin ai hãy bỏ cho người đó, có thể không phải lúc nào, trường hợp nào cũng đúng, nhưng đừng để lá phiếu của mỗi người bị "đánh đổi", cũng đừng sử dụng phiếu bầu vì bất kỳ lý do gì ngoài mục đích chung của Đảng, của đất nước và nhân dân.
Sự quan tâm sâu sắc của Bác
- Một trong những may mắn lớn nhất đời tôi là được gặp Bác, đó là một kỳ duyên, và sự vĩ đại nhưng vô cùng gần gũi, thanh cao của Bác đã để lại trong tôi những ấn tượng không bao giờ quên.
Khi còn là một đứa trẻ con mới 5 - 6 tuổi, tôi hay được đi theo ba (đại tướng Nguyễn Chí Thanh - PV) vào nhà sàn trong Phủ chủ tịch ăn cơm với Bác. Có lần không thấy ba dắt tôi đi theo, Bác hỏi: "Hôm nay thằng cu đâu, sao chú không cho cháu vào?".
Bác để ý tôi thích ăn thịt, và thế là cứ mỗi lần sau được vào ăn cơm với Bác, tôi lại được cho một đĩa thịt nhỏ mà Bác dặn các chú phục vụ nấu riêng cho "thằng cu nhà chú Thao".
Một lãnh tụ vĩ đại, trăm công ngàn việc vẫn luôn gần gũi, quan tâm đến những việc nhỏ nhất như bữa cơm có thịt cho đứa trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận