Khó khăn chất chồng, đường học càng gian nan nhưng chưa một lần nghĩ chuyện từ bỏ, không chỉ vì muốn thay đổi cuộc đời mình mà còn vì lời đã hứa.
Thay em thực hiện ước mơ
Trời trưa xứ Huế nắng chang chang, căn nhà của gia đình Nguyễn Thị Minh Tâm ở làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) nép dưới chân ngọn đồi cát ven biển.
Đã nhập học, ở trọ cách nhà hơn 40km nhưng Tâm vẫn thường xuyên ngược xuôi về nhà để còn phụ chăm bà nội đã 90 tuổi.
Gia đình Minh Tâm từng yên bình. Bố làm thợ mộc có tay nghề nức tiếng trong vùng. Câu chuyện cũng đã 15 năm rồi, chiếc xe máy của hai cha con trên đường về nhà bị xe khác tông trúng. Tâm may mắn giữ được mạng sống còn cha thì không.
Cái chết đột ngột của cha khiến mẹ Tâm càng nặng gánh trong khi sức khỏe không tốt, bệnh tật liên miên. Bà Trịnh Thị Nhi - mẹ Tâm - chạy chợ mỗi ngày, bán cá tôm để có thể nuôi hai chị em Minh Tâm, Minh Tú ăn học. Sức người mẹ như cạn kiệt, ngất đi trong lúc đang làm.
Đến bệnh viện, bác sĩ thông báo bà bị chứng giảm tiểu cầu, cần được truyền máu mỗi tháng, không thể làm việc nặng được nữa.
Nuốt nước mắt, mẹ gọi hai con gái lại bên giường bệnh nói chuyện: "Một trong hai đứa phải nghỉ học, mẹ không thể ráng được nữa"! Cái quyết định mà bà bảo rằng từng lời nói ra như đứt ruột đứt gan vì cả hai đứa đều học giỏi. Hai con gái cũng nức nở trước nỗi lòng của mẹ.
Năm đó Minh Tú mới 13 tuổi, nước mắt lưng tròng nhường chị đi học tiếp "vì chị Tâm học khá hơn" nhưng vẫn không quên ước mong "Sau này có tiền con muốn trở thành sinh viên đại học, nếu không chị Tâm phải thực hiện ước mơ này thay em".
Sau hôm ấy, gạt nước mắt, Tú theo mẹ tha hương vào Sài Gòn. Mẹ giúp việc nhà còn Tú học nghề làm tóc. Căn nhà nhỏ dưới chân đồi còn hai bà cháu rau cháo nuôi nhau. Không quên lời hứa với em gái, Tâm học giỏi, năm nào cũng có giấy khen.
Ngày nhận tin đậu Trường ĐH Kinh tế Huế, Tâm mừng dữ lắm. Coi như bước đầu giữ được lời hứa học luôn phần của em gái. Nhưng cũng đúng hôm ấy, con gái nhận điện thoại báo mẹ ngất xỉu trong lúc làm việc, nhập viện cấp cứu tại TP.HCM. Cô bé chỉ biết khóc vì bất lực, không thể vào ngay với mẹ. Chạy chữa cho mẹ cộng thêm tiền nhập học một lần nữa như thử thách quyết tâm học hành của Tâm.
Dòng suy nghĩ nghỉ học lại vang lên trong đầu cô sinh viên nghèo. Nhưng điện thoại của Tâm lại rung lên lần nữa. Đầu dây bên kia, Minh Tú dặn: "Chị Tâm cứ đi học đại học đi, em sẽ gắng làm có tiền gửi về cho chị đi học. Em không muốn chị bỏ dở giấc mơ".
Học vì khát khao của cha
"Ba qua đời là lúc em suy sụp nhất. Bao ước mơ, định hướng tương lai còn chưa kịp đến, em định bỏ học", Trần Quang Thông (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng) nói về giai đoạn khó khăn nhất đời mình.
Hai anh em Thông nổi tiếng học giỏi ở miền quê Điền An, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Hai sào ruộng mẹ làm cộng với nghề thợ hồ của ba tạm đủ lo được đường học của hai con.
Nhưng tai nạn trên đường đi làm về đã cướp người đàn ông trụ cột gia đình ấy đi mãi. Ba mất, mẹ vốn có sẵn bệnh trong người lại càng suy sụp nhanh hơn dù bà cố gắng gượng gánh luôn phần chồng để lại.
Cậu học sinh giỏi vừa vào lớp 11 khi ấy đã sẵn ý định bỏ học thay ba gánh vác gia đình. Cậu út biết chuyện đã ngăn ý nghĩ ấy. Rồi cậu mang cả gia đình về ở cùng để Thông tự tin tiếp tục đường học.
Kết quả 12 năm học sinh giỏi cùng điểm số cao trong cuộc thi đánh giá năng lực dư cho bạn chọn được kha khá trường tại TP.HCM. Nhưng tính đi tính lại học phí, các chi phí khác, bạn đành chọn phương án phù hợp nhất thay vì phương án tốt nhất.
Chân ướt chân ráo ra tới Đà Nẵng, Thông đã xin thử việc tại một quán cà phê gần trường. Cánh cửa đại học mở ra cũng là lúc gánh nặng trên đôi vai mẹ thêm trĩu xuống. Thông còn em gái, sang năm cũng sẽ vào đại học nên bạn nói phải đi làm thêm, tự lo từ lúc này nếu muốn đi hết chặng đường đại học.
Không thể bỏ cuộc
Minh Tâm hứa với em gái dù có thế nào cũng không từ bỏ giấc mơ. Nhập học xong, bạn chạy khắp phố tìm việc làm thêm và được nhận vào làm tại một tiệm bán giày dép. Số tiền công ít ỏi của công việc bán thời gian, tằn tiện cũng tạm đủ xoay xở giữa những ngày học trên phố.
Cũng như Tâm, hành trang Thông mang theo đi học xa nhà có chiếc máy tính cũ được góp từ mâm cơm cả nhà "mừng thằng cháu vào đại học".
Ngày cha còn, dù bị dị ứng với xi măng, đôi tay lúc nào cũng đầy vết xước và rướm máu nhưng chưa bao giờ ba ngừng làm. "Mong ước lớn nhất của ba là được thấy con bước lên bục cầm tấm bằng đại học. Tụi em không thể bỏ cuộc", Thông rơm rớm.
20 mùa tiếp sức sinh viên nghèo xứ Huế
Hôm nay 20-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 72 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Thừa Thiên Huế. Mỗi suất 15 triệu đồng, trong đó có hai suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm), tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng do Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế tài trợ.
Tại đây còn có 14 tân sinh viên Quảng Ngãi đang học tại miền Trung được nhận học bổng, trong đó có một suất đặc biệt.
Năm 2023, có 35 sinh viên Quảng Ngãi được nhận học bổng với tổng kinh phí 525 triệu đồng do Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần ôtô Đô Thành tài trợ (21 bạn đang học tại TP.HCM).
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tặng quà cho tân sinh viên. Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tài trợ hai laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.
20 năm qua, Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế đã tiếp sức cho 1.368 tân sinh viên với hơn 11,6 tỉ đồng học bổng cùng nhiều hỗ trợ khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận