Ở Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, bà Phận là "mẹ" nhà Hoa Thủy Tiên, nuôi dưỡng 8 đứa con. Trong đó cả 5 chị em cô học trò Nguyễn Thị Thùy Chi, tân sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) đều lớn lên dưới bàn tay bà.
Cô bé "hạt tiêu" thay bà chăm em
Chi ra đời đã không biết cha mình là ai. Những chị em khác của Chi cũng vậy.
Bảy đứa con cứ lần lượt ra đời không biết mặt cha khi người mẹ mang bệnh thần kinh của em lang thang ngoài đường.
Ông bà ngoại dù bao dung, nhưng ngôi nhà nhỏ dưới chân núi thôn Phước An (xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) không nuôi nổi 10 miệng ăn.
Các con lớn lên dù biết đi nhặt từng cái lon, bán từng con cá, lượm từng nhánh củi dành dụm để trang trải cuộc sống nhưng không thể nào đủ ăn.
Bảy đứa cháu phải ly tán, đứa may mắn thì được đưa vào làng trẻ SOS, đứa thì cho đi khi vừa chào đời.
Mẹ Phận kể vì gia cảnh quá khó khăn, bà ngoại Chi phải rứt ruột chia mấy chị em gởi ra ngoài này. Năm 2016 người chị lớn của Chi (nay đã ra khỏi làng trẻ) được gởi vào Làng trẻ em SOS Đà Nẵng cùng lúc với đứa em nhỏ để chị em tiện bề chăm sóc.
Khi thấy chị em đã cứng cáp mà hoàn cảnh không lo được đường học cho cháu, bà ngoại lại tiếp tục gởi Chi và một em nữa vào đây.
Năm ngoái, hoàn cảnh lại quật ngã người bà bước sang tuổi 70 một lần nữa khi gặp tai nạn. Trong nhà không còn gì để bán nên đành gởi đứa cháu áp út là Nguyễn Quốc Hưng vào làng, còn cháu út phải gởi cho gia đình khác nuôi.
"Năm đứa ra đây "lấy" của tôi mấy chục ký, đứa nào ra cũng khóc cả tuần liền vì nhớ bà. Nhưng khi đã vào nề nếp thì rất chăm học, đứa trước chỉ đứa sau nên năm nào cũng học giỏi. Thằng Hưng lúc mới gởi ra đây năm ngoái chưa đọc được mặt chữ vì ở trong quê đi lang thang theo mẹ, đến bây giờ kèm cặp mãi đã biết đọc" - mẹ Phận khoe.
Tháng trước, Chi đủ 18 tuổi, được cô chú trong làng hỗ trợ "ra riêng" để theo học Trường đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng.
Hằng tuần dăm ba ngày, em vẫn mượn xe bạn để đạp về nhà Hoa Thủy Tiên phụ mẹ nhắc nhở các em học tập.
Nước mắt là động lực
Thầy Bùi Hữu Tiên, nguyên là giáo viên Trường phổ thông Hermann Gmeiner Đà Nẵng, nay là cán bộ giáo dục ở Làng trẻ em SOS, đã giới thiệu hàng trăm trường hợp học trò khó khăn đến với học bổng Tiếp sức đến trường.
Thầy nói hoàn cảnh của Thùy Chi không chỉ rất đặc biệt mà các chị em cũng đặc biệt không kém khi toát ra nghị lực vượt khó rất lớn và có thành tích học tập rất tốt.
"Các con gởi vào đây coi như nhà được chứng thực hộ nghèo, nhưng hoàn cảnh nhà Chi còn hơn thế. Mấy năm liền cháu không về, bà ngoại nhớ quá nên bắt xe đò ra thăm. Lúc quay về trong túi không đủ tiền xe, thầy cô biết chuyện phải xin xe đưa về" - thầy Tiên kể.
Để duy trì thành tích học sinh giỏi suốt nhiều năm liền, Chi kiên trì với kế hoạch phân chia thời gian học tập. Chi dành thời gian trong ngày lo bài vở, còn buổi tối trở thành cô giáo đứng lớp dặn dò các em trong nhà Hoa Thủy Tiên học hành.
Nhiều lần đoạt giải cấp thành phố Đà Nẵng
Chi được gởi vào Làng trẻ em SOS Đà Nẵng từ năm học lớp 8. Từ đó đến nay em luôn là học sinh giỏi với điểm trung bình hơn 9 phẩy.
Không những thế, Chi còn là học sinh giỏi cấp thành phố nhiều môn: năm lớp 9 em đoạt giải ba môn địa lý, năm lớp 12 em đoạt giải nhì môn giáo dục công dân…
Chi kể hồi nhỏ em nhiều lần úp mặt vào bàn khóc khi đến lớp vì bị các bạn trêu đùa là trẻ không có cha.
Nhưng khi bước chân vào đây mới thôi ám ảnh vì mình vẫn hơn các anh em khác trong làng trẻ SOS vì còn ông, còn bà, còn chị em, còn nơi để về.
"Em nhắc mấy đứa có nhớ nhà thì khóc để giải tỏa cảm xúc, lấy nỗi nhớ thành động lực để kiên trì học tập vì chỉ có như thế mới thay đổi được số phận" - Chi nói với ánh mắt kiên định.
Những ngày mưa dầm dề miền Trung, con đường qua lại của các chị em Chi thêm dài hơn trên chiếc xe đạp thường xuyên tuột xích. Nhưng con đường tự lập để thay đổi số phận của cô học trò mang hoàn cảnh đặc biệt vẫn kiên cường…
"Ước mơ làm sao có thể đạt được khi bản thân lười biếng?"
Đó là những dòng tâm sự trong lá thư gởi về chương trình Tiếp sức đến trường của tân sinh viên Nguyễn Thị Thùy Chi. Trong thư Chi bày tỏ quyết tâm không bao giờ ngừng học tập vì hoàn cảnh của chính mình.
"Bà con dặn chỉ có con đường học vấn mới giúp con đổi đời trong tương lai. Khắc ghi lời dạy ấy trong lòng, con ấp ủ ước mơ trở thành biên phiên dịch sách và chọn trường ngoại ngữ.
Con nghĩ với bất cứ ai trong xã hội, ước mơ làm sao có thể đạt được khi bản thân lười biếng? Thế nên mỗi ngày con nỗ lực hơn, cố gắng hơn nữa. Người ta nỗ lực 10 thì con nỗ lực gấp bội.
Con vẫn còn nhớ cảm giác màn đêm buông xuống, trong một căn phòng bé nhỏ vẫn còn một cô bé miệt mài trên từng con chữ. Mệt không? Mệt, tất nhiên sẽ mệt. Nhưng với hoàn cảnh như thế con không cho phép mình vui chơi, giải trí khi mà bản thân có thể nỗ lực, chăm chỉ hơn nữa…". - Chi viết.
Ngày mai Tiếp sức đến trường đến với tân sinh viên Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi
Ngày mai 20-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 72 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Thừa Thiên Huế. Tổng kinh phí chương trình hơn 1 tỉ đồng do Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế tài trợ (mỗi suất học học bổng trị giá 15 triệu đồng).
Đây là điểm trao thứ năm trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 571 của báo Tuổi Trẻ.
Cách đây 20 năm, từ 6 tân sinh viên của Thừa Thiên Huế có hoàn cảnh khó khăn đầu tiên được tiếp sức, đến nay Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế đã tiếp sức cho 1368 tân sinh viên với tổng kinh phí học bổng hơn 11,6 tỉ đồng. Bên cạnh hỗ trợ suất học bổng nhiều thành viên của Câu lạc bộ còn nhận nuôi, hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, phương tiện đi lại, việc làm… cho tân sinh viên xa nhà.
Ngoài tân sinh viên của Thừa Thiên Huế, chương trình còn trao cho 14 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Quảng Ngãi đang theo học tại Đà Nẵng và Huế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận