26/06/2021 09:58 GMT+7

Cần sớm có vắc xin dịch vụ

PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN

TTO - Chúng ta nên triển khai song song hai loại hình tiêm vắc xin, nguồn Nhà nước thì tiêm cho người lao động, người nghèo…theo quy định, nguồn doanh nghiệp thì tiêm dịch vụ và có phần hỗ trợ Nhà nước để tiêm cho dân, người lao động.

Cần sớm có vắc xin dịch vụ - Ảnh 1.

Người dân được tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP.HCM trưa 25-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dịch bệnh COVID-19 đang tăng nhanh, chúng ta cần thần tốc, thần tốc hơn nữa, tổng tấn công kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin cho người dân... để có miễn dịch cộng đồng, có sức đề kháng để vượt qua dịch bệnh phức tạp này. Do đó cần quyết định nhanh, táo bạo hơn của Chính phủ trong chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19.

Thực tế hiện nay kinh tế thế giới đang phục hồi mặc dù chưa đồng đều giữa các khu vực, các quốc gia. Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,6 - 6% so với năm 2020 (-3,5%), nhiều nước bắt đầu mở cửa trở lại. Đó là nhờ chiến lược tiêm vắc xin lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 1,8 tỉ liều vắc xin đã được tiêm. 

Nhìn những trận cầu Euro, tennis ở các nước với lượng khán giả đến sân cổ vũ khá đông đã mở ra một viễn cảnh tươi sáng hơn cho thế giới sau gần 2 năm sống trong bầu trời "đen tối" dịch bệnh, chết chóc.

Việt Nam chúng ta cũng đang rất tranh thủ để có nhiều nguồn mua vắc xin về nước. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các tỉnh thành thần tốc thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin cho người dân, người lao động...

Tất cả các địa phương đang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kiên định tinh thần "chống dịch như chống giặc", tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh, nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh. 

Do đó, thiết nghĩ Chính phủ nên cho mở tiêm chủng vắc xin dịch vụ sớm, bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm cho đối tượng ưu tiên miễn phí theo nghị quyết 21 của Chính phủ mà TP.HCM và các địa phương đang triển khai.

Như vậy Việt Nam sẽ huy động được sự sáng tạo, năng động của các doanh nghiệp để tìm nguồn vắc xin hợp pháp, để nhập về tiêm cho người dân và khi đó Việt Nam sẽ có được nhiều nguồn vắc xin, nhiều người dân được tiêm nhanh hơn. 

Chúng ta triển khai song song hai loại hình tiêm vắc xin, nguồn của Nhà nước (Bộ Y tế) thì tiêm cho người dân, người lao động, người nghèo…theo quy định, còn nguồn doanh nghiệp thì tiêm dịch vụ và có phần hỗ trợ Nhà nước để tiêm cho dân, người lao động.

Mặt khác, chúng ta cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vắc xin của Việt Nam. Về mặt đảm bảo những yêu cầu của khoa học phải thực hiện nghiêm, nhưng về thủ tục liên quan đến giấy tờ hành chính cần phải phối hợp, hỗ trợ hết sức cho doanh nghiệp. Như vậy chúng ta mới hy vọng tận dụng chất xám của người Việt, sớm cho ra đời vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam.

Với nhiều mũi tiến công tổng lực trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 như vậy, chúng ta hoàn toàn hy vọng sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Quan trọng hơn, việc "chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công" sẽ sớm có thành tựu và Việt Nam sớm bắt kịp đà phục hồi của kinh tế thế giới.

1 triệu người đã đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ ngừa COVID-19, chờ đến bao lâu? 1 triệu người đã đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ ngừa COVID-19, chờ đến bao lâu?

TTO - Theo nghị quyết 21 của Chính phủ, có khoảng 20 triệu người được ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin ngừa COVID-19. Như vậy, phải tiêm xong đối tượng này mới triển khai tiêm dịch vụ.

PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên