Lãnh đạo TP.HCM, sở, ban, ngành cùng đơn vị chủ đầu tư thực hiện nghi thức động thổ xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM - Ảnh: hcmcpv.org.vn
Tuổi Trẻ ghi lại:
1. Phát huy cao nhất lợi thế về địa lý - kinh tế của TP.HCM đối với cả nước và khu vực ASEAN
Vị trí, vai trò của TP.HCM đối với khu vực ASEAN đã được Bộ Chính trị xác định tại nghị quyết 20 năm 2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2010 và nghị quyết 16 năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, nhưng đến nay dường như đang "đuối tầm".
Định hướng phát triển TP.HCM trong 10 năm tới phải thể hiện được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế, phải làm thế nào TP trở thành "một hub" (một trung tâm) thu hút các doanh nghiệp toàn cầu, là điểm đến cho các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
2. Định hướng cơ cấu kinh tế TP trên quan điểm kinh tế vùng
Xác lập vai trò "hạt nhân" của TP trong việc phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hình thành cơ cấu kinh tế vùng. Cơ cấu "kinh tế tỉnh" là di sản tồn tại của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung vào sự chỉ huy của Nhà nước.
Mặc dù từ lâu đã có chủ trương liên kết phát triển kinh tế vùng nhưng thực tế vẫn phát triển trên cơ sở tư duy "kinh tế tỉnh", kinh tế vùng chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa đi vào thực tiễn.
Chính phủ điều hành kinh tế vẫn theo tỉnh như bố trí ngân sách, vốn đầu tư; tháo gỡ khó khăn vướng mắc; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch... và chưa có quy định những vấn đề nào phải xử lý ở cấp vùng.
Trong thể chế hành chính của nước ta không có chính quyền cấp vùng, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể quy định những nội dung cụ thể cần phải thực hiện theo quy mô vùng.
Đối với một vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần liên kết phát triển 4 nội dung:
(1) Quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực và địa bàn phát triển (vấn đề này đang chế định trong Luật quy hoạch hiện hành);
(2) Liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng chung của vùng, nhất là giao thông;
(3) Liên kết giải quyết vấn đề môi trường chung và bảo vệ môi trường;
(4) Liên kết phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung.
Với vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đô thị TP.HCM, cần định hình cơ cấu kinh tế TP.HCM trên phạm vi vùng và xây dựng thể chế kinh tế vùng. Điều này phù hợp với Hiến pháp 2013.
TS Trần Du Lịch - Ảnh: TỰ TRUNG
3. Cần xem lại 9 nhóm ngành dịch vụ, 4 nhóm ngành công nghiệp và sản phẩm chủ lực
Từ đầu những năm 2000 và nhất là từ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ VIII (tháng 12-2005), TP xác định 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực.
Thời điểm đó là định hướng đúng cho giai đoạn đến năm 2020 (phù hợp với nghị quyết 20 và 16 của Bộ Chính trị), nhưng nếu trong 10 năm tới TP vẫn định hướng như vậy e rằng không phù hợp.
TP cần tham gia công đoạn có giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm. Kinh tế TP trong 10 năm tới là kinh tế số và sẽ là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo mang tính toàn cầu.
TP không xin trung ương tiền nhưng xin cho được "sand box" (khung thể chế thử nghiệm) trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết đối với thị trường tài chính.
4. Cần có quyết tâm xin trung ương cho thực hiện mô hình chính quyền đô thị đầy đủ
Căn cứ điều 111.2 Hiến pháp 2013, xin trung ương cho thực hiện mô hình chính quyền đô thị với 4 nội dung.
Thứ nhất, mở rộng phân quyền, tăng tự chủ tự chịu trách nhiệm của TP.
Thứ hai, tổ chức bộ máy hành chính của chính quyền địa phương theo mô hình có cấp chính quyền và có cơ quan chính quyền (2 cấp chính quyền, 3 cấp hành chính).
Thứ ba, chuyển các sở, ngành từ chức năng tham mưu thành các cơ quan hành chính công quyền về lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công.
Cuối cùng, tổ chức các TP trực thuộc với quyền tự chủ cao.
Đây là vấn đề căn cơ nhất để nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý của chính quyền TP.
Khởi công xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM
Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM - công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần XI - được khởi công xây dựng sáng 1-10.
Chia sẻ tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết hiện TP đã có trên 438.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước, đóng góp 54% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
TP.HCM trở thành điểm sáng về khởi nghiệp, là một bức tranh sống động về sự vận hành của cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa - trong đó doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.
Tuy vậy, sự kết nối giữa các doanh nghiệp hiện vẫn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, sức sáng tạo trong doanh nghiệp.
Đó cũng là lý do TP.HCM nhanh chóng xây dựng một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo để giải quyết các điểm còn hạn chế trên.
Công trình được xây dựng tại số 123 Trương Định, phường 7, quận 3 với quy mô 9 tầng nổi và 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng 16.970m2. Dự án được thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 7-2019, tổng mức đầu tư hơn 300 tỉ đồng.
T.L. - N.H.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận