30/10/2019 08:22 GMT+7

Chính quyền đô thị tại TP.HCM: Sẽ chỉ còn HĐND cấp TP?

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Từ việc kế thừa đề án cũ bỏ HĐND quận - huyện, phường, với đề án Chính quyền đô thị mới TP.HCM tiến thêm một bước là đề xuất bỏ luôn HĐND cấp xã, thị trấn.

Chính quyền đô thị tại TP.HCM: Sẽ chỉ còn HĐND cấp TP? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đầy - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ TP.HCM - Ảnh: MAI HƯƠNG

Chiều 29-10, ông Nguyễn Văn Đầy - trưởng phòng Phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ TP.HCM - đã có cuộc trao đổi làm rõ hơn về đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà Sở Nội vụ vừa trình UBND TP.

Ba lần trình đề án

* Thưa ông, lý do để TP.HCM tiếp tục trình đề án Chính quyền đô thị lần này là gì?

- TP.HCM đã có 2 lần trình đề án Chính quyền đô thị năm 2007 và năm 2014 nhưng chưa được thông qua.

Lần này, TP.HCM tiếp tục trình đề án trên nhiều cơ sở về mặt chủ trương của trung ương. Cụ thể là Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII); Nghị quyết 56/2017 của Quốc hội... đều cùng nội dung về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của bộ máy chính trị, hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt, đầu năm 2019, tại buổi làm việc với với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kết luận “Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, phân cấp, giao quyền để TP chủ động thực hiện các nhiệm vụ”.

Như vậy, từ Đảng, Quốc Hội, Chính phủ đều có chủ trương tạo tiền đề để TP chủ động xây dựng và trình đề án xây dựng mô hình chính quyền đô thị cho phù hợp với yêu cầu phát triển TP.

* Đề án trình lần này có những mấu chốt nào?

- Đề án lần này có 4 nội dung chính: Thứ nhất là định hướng tổ chức lại các đơn vị hành chính (quận 2,9, Thủ Đức) thuộc khu đô thị sáng tạo phía Đông (thành lập thành phố thuộc TP.HCM)

Thứ hai là các đề xuất về cơ chế, chính sách phân cấp quản lý, trong đó tiếp tục kiến nghị TW phân cấp cho TP phù hợp với điều kiện; hoàn thiện phân cấp giữa phân cấp giữa chính quyền TP và chính quyền cấp quận, huyện.

Thứ ba là định hướng thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM: Xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp TP) và 2 cấp hành chính (quận, huyện, TP thuộc TP và phường, xã, thị trấn).

Không tổ chức HĐND ở quận, huyện, thành phố (thuộc TP.HCM), chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Tương tự, ở phường, xã, thị trấn cũng không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.

Thứ tư là đổi mới cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức. Chẳng hạn một số cơ quan chuyên môn thuộc TP sẽ quản lý dọc, như Sở Giáo dục và đào tạo có thể sẽ quản lý Phòng Giáo dục và đào tạo, Sở Tài nguyên và môi trường quản lý Phòng Tài nguyên và môi trường ở các quận huyện mà không cần sự can thiệp quản lý của UBND quận huyện…

Lập thành phố vệ tinh phía Đông

* Trong lần trình trước đây, TP.HCM đã đề xuất hình thành 4 thành phố vệ tinh ở các phía đông, tây, nam, bắc. Tại sao bây giờ chỉ còn một thành phố phía Đông?

- Tôi cho rằng, mỗi thời điểm TP có những định hướng khác nhau. Ví dụ như trước đây TP có định hướng lâp 4 thành phố vệ tinh Đông - Tây - Nam - Bắc, nhưng bây giờ chỉ có thành phố ở phía Đông, bởi ở thành phố này có khu đô thị sáng tạo ở trong đó.

Khu vực này có một số đặc thù, như ở quận 2 có Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm tài chính, ở quận 9 có khu công nghệ cao, hay Thủ Đức có Đại học quốc gia. Tuy nhiên, không phải 3 hướng còn lại TP không quan tâm mà có thể lãnh đạo TP đã có những định hướng phát triển khác.

Đề án lần này vẫn kế thừa nhiều nội dung của đề án cũ, chẳng hạn như việc bỏ HĐND quận - huyện, phường, chỉ giữ lại HĐND TP.HCM. Nay khi đề xuất xây dựng đề án Chính quyền đô thị thì tiến thêm một bước là đề xuất bỏ luôn HĐND cấp xã, thị trấn.

* Đã có nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển TP, việc tiếp tục đề xuất mô hình chính quyền đô thị liệu có thừa?

- Việc áp dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội là có thời hạn. Đến năm 2020 sẽ có báo cáo sơ kết việc thí điểm. TP.HCM đề xuất mô hình chính quyền đô thị là nhằm mục tiêu khi đề án được chấp thuận sẽ là nền tảng, cơ sở pháp lý có tính lâu dài hơn cho TP thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.

Nếu đề án Chính quyền đô thị được thông qua thì nhanh nhất phải đến năm 2021 mới có thể triển khai thực hiện.

* Lần này, TP.HCM sẽ có sự chuẩn bị như thế nào để có thể nhận được sự đồng thuận của trung ương?

- Lần này TP.HCM cũng có tham khảo cách làm của Hà Nội. Trong đó có việc tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến nhiều bộ, ban, ngành, nhiều giới… cách làm rất khoa học.

Trước khi xây dựng đề án TP có tờ trình xin ý kiến Bộ Chính trị về những nội dung đề xuất, sau khi được chấp thuận mới xây dựng đề án chi tiết. Trong quá trình xây dựng, các bộ ngành trung ương sẽ cùng với TP góp ý.

Các quy định hiện nay so với thực tế ở TP có nhiều bất cập. Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có nhấn mạnh phải “chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện...”, tức là với những qui định trung ương áp dụng với TP.HCM không còn phù hợp nữa thì phải mạnh dạn đề xuất, phải quyết tâm để thực hiện đề án.

* Xin cảm ơn ông!

TP.HCM tiếp tục kiến nghị trung ương cho thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM tiếp tục kiến nghị trung ương cho thí điểm mô hình chính quyền đô thị

TTO - Sở Nội vụ TP.HCM vừa có tờ trình gửi chủ tịch UBND TP về dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận cho TP.HCM được thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên