Mưa to, sấm chớp đì đùng, gió rít liên hồi, ngồi trên ca nô lao ra vùng biển tối đen như mực, chàng bác sĩ trẻ chột dạ "có khi nào là lần cuối cùng của đời mình?".
Và suy nghĩ ấy bao năm nay vẫn vậy. Sự "chột dạ" đó thường đến với y bác sĩ tình nguyện ra đảo công tác, trên mỗi chuyến ca nô đưa người bệnh vào đất liền cấp cứu. Hình ảnh đáng sợ này đã quá đỗi quen thuộc - như một thử thách phải đối diện vượt qua giữa biển khơi mênh mông.
Nhân viên y tế đã vậy, với người bệnh cần cấp cứu thì sao? Họ cùng lúc đối diện với nguy cơ kép, vừa đau bệnh, vừa rủi ro tai nạn.
Con đường đến bệnh viện với họ đâu chỉ là ý chí mong muốn, còn phụ thuộc quá nhiều thứ từ phương tiện, thời tiết, khoảng cách về không gian, thời gian.
Nhiều lần giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 phải thốt lên câu cảm thán "liều mạng quá" với những chuyến cấp cứu trên biển.
Rủi ro đó nảy sinh hệ quả lâu lâu lại có người bệnh mất giữa đường, ngay trên ghe hoặc ca nô cấp cứu. Còn có người may mắn được cứu sống cũng đã qua "thời gian vàng" điều trị, từ một trụ cột gia đình họ trở thành người tàn phế sống cuộc đời phụ thuộc.
Chính điều này mà đi Cần Giờ, ra đảo Thạnh An khi trở về đất liền ai ai cũng trăn trở với suy nghĩ "hãy làm gì đó chứ".
Từ suy nghĩ "hãy làm gì đó" mà Cần Giờ đã có đơn vị chạy thận nhân tạo, đã có hệ thống chụp X-quang tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), đã dần có bác sĩ về gắn bó dài hạn trước những lần tuyển dụng "trắng tay".
Nhưng như vậy là chưa đủ. Cần Giờ đang rất thiếu một phương tiện vận chuyển cấp cứu hiện đại, một con tàu cấp cứu chuyên dụng.
Tàu cấp cứu chuyên dụng, nói như Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, chắc chắn sẽ là "phao cứu sinh" cho bà con xã đảo Thạnh An, cũng như ngư dân đang mưu sinh trên biển. Và chỉ có tàu cấp cứu mới đảm bảo việc thực thi công bình y tế giữa đất liền và xã đảo.
Người đứng đầu ngành y tế TP.HCM khẳng định nếu Thạnh An có tàu cấp cứu sẽ đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế thực hiện các thao tác cấp cứu trong điều kiện sóng to, gió lớn.
Tàu cấp cứu cũng có thể chuyển bệnh chạy thẳng về trung tâm TP.HCM, giúp tiết kiệm "thời gian vàng" cho người bệnh.
Bởi vậy, đầu tư một chiếc tàu cấp cứu chuyên dụng cho xã đảo Thạnh An, theo ông là điều rất cấp thiết cần ưu tiên số 1.
Và điều này rất có thể được "tiếp sức" khi Cần Giờ là địa phương duy nhất (đầu tiên) của TP.HCM có hẳn một đề án nâng cao năng lực y tế và mới đây trong đề án đa dạng hóa cấp cứu ngoại viện được phê duyệt, Cần Giờ được chọn là nơi khởi đầu phát triển mô hình cấp cứu bằng đường thủy.
Ai cũng hiểu rằng dù có cơm no áo ấm, dù có điện - đường - trường - trạm vẫn chưa đủ xoa dịu nỗi lo bao đời nay của người dân xã đảo Thạnh An. Hơn lúc nào hết, Thạnh An (Cần Giờ) vẫn cần một con tàu cấp cứu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận