Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Bộ Công thương đang xem xét đề nghị chính sách quản lý riêng đối với đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng - Ảnh: T.A
Tại cuộc tọa đàm về khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới tổ chức hôm 11-11 tại Hà Nội, các ý kiến đều thống nhất cần sớm có chính sách quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng ở Việt Nam.
Trống chính sách, hàng vẫn vào
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, năm 2019 Hà Nội kiểm tra 6 vụ và thu giữ gần 1.000 sản phẩm liên quan thuốc lá thế hệ mới.
Song chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2020 (chưa kể ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã kéo dài mất 4-5 tháng), quản lý thị trường Hà Nội cũng đã xử phạt 6 vụ, thu giữ hàng ngàn sản phẩm. Tại TP.HCM, hải quan đã thu giữ số hàng hóa thuốc lá thế hệ mới trị giá 1 tỉ đồng.
Đáng lo hơn, không chỉ mua bán trên các giao dịch thương mại điện tử, thuốc lá thế hệ mới nhập lậu xuất hiện tại điểm bán hàng truyền thống và quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút một lượng khách hàng đáng kể, trong đó có người trẻ tuổi.
Trong khi đó, theo ông Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, hiện đang có những vấn đề liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cần được làm rõ, như yêu cầu về nguyên liệu, về chất lượng và an toàn với sản phẩm, về an toàn điện, điện tử đối với thiết bị điện tử…
Thuốc lá điếu truyền thống bị chi phối và kiểm soát bởi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam và Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC) mà Việt Nam tham gia, còn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì hàng vẫn vào từ các nguồn hàng lậu, nhưng chưa chịu sự quản lý hay chính sách nào.
Cấm, đánh thuế hay thí điểm quản lý?
Ông Nguyễn Kỳ Minh (Tổng cục Quản lý thị trường) cho rằng cần có khung pháp lý để cơ quan chức năng không lúng túng trong xử lý thuốc lá thế hệ mới nhập lậu - Ảnh: T.A
Hiện đã có hơn 50 quốc gia có chính sách kiểm soát và quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, hải quan các nước đã xếp thuốc lá thế hệ mới vào nhóm "thuốc lá khác".
Ông Kỳ Minh cho rằng hiện chỉ có khái niệm về thuốc lá và chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm, hàng nhập lậu. Còn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa nằm trong khái niệm "sản phẩm thuốc lá" này, cần khung pháp lý để quản lý và quy định chế tài để cơ quan chức năng không lúng túng trong thu giữ và xử lý sản phẩm nhập lậu.
Hiện có 3 xu hướng đề nghị liên quan đến thuốc lá kiểu mới. Trong đó, có đề nghị cấm hoàn toàn. Nhiều năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nhưng tỉ lệ người hút thuốc giảm chậm, trong khi các báo cáo trên thế giới cũng cho thấy số người sử dụng thuốc lá mới cũng tương tự số bỏ thuốc lá hàng năm. Việc có thuốc lá mới nguy cơ thêm cơ hội lựa chọn cho người dùng.
Nhưng cũng có ý kiến đề nghị nên đánh thuế để quản lý, vì cấm hoặc không có quy định (như hiện nay) nhưng thị trường lại có sản phẩm là không kiểm soát được hàng lậu. Trong khi đây là mặt hàng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT, hàng lậu vào nhiều mà chưa có chính sách quản lý là thất thu thuế. Vì thế, ý kiến trong nhóm này đề nghị nên có chính sách quản lý chặt chẽ kèm mức thuế.
Một nhóm ý kiến khác là cho phép thí điểm trước khi ban hành chính sách chính thức. Thời gian thí điểm có thể là 12 tháng hoặc dài hơn, sau đó sẽ nghiên cứu kỹ để có chính sách phù hợp.
Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2012 khi làm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thì đã có thuốc lá điện tử, nhưng các nhà làm luật khi đó chưa đưa thuốc lá điện tử vào điều chỉnh. Tuy nhiên hiện nay loại sản phẩm này đa dạng hơn và cần những quy định phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận