05/07/2014 07:49 GMT+7

"Cán bộ thuế toàn ăn vặt": đúng nhưng chưa đủ

 PHẠM CHI LAN - C.V.KÌNH ghi
 PHẠM CHI LAN - C.V.KÌNH ghi

TT - Rất hiếm hoi có một bộ trưởng Bộ Tài chính nói thẳng những thói hư tật xấu, những tồn tại của ngành thuế như ông Đinh Tiến Dũng.

“Cán bộ thuế toàn ăn vặt”“Cán bộ thuế toàn ăn vặt”: bộ trưởng nói đúng quá!

Thật ra trên các diễn đàn, các cuộc hội thảo, những phiền hà, rắc rối, nhiêu khê, tiêu cực... về thuế đã được nêu và “kêu” rất nhiều, thậm chí thống thiết, nhưng những thay đổi thường rất chậm và rất ít.

Tại VN, sự phiền hà trong nộp thuế đến từ nhiều hướng. Thứ nhất, số lần kê khai, nộp quá nhiều. Thứ hai, người nộp thuế phải tiếp xúc với cán bộ thuế thường xuyên và cán bộ có rất nhiều quyền, trong khi giám sát không đủ mạnh.

Thứ ba, các quy định thuế phức tạp, cùng một quy định nhưng cách hiểu và cách áp dụng mỗi nơi lại khác nhau. Đã có những câu chuyện được nêu nhiều lần, như cùng một mặt hàng nhưng người ta có thể áp mã thuế khác nhau. Ai đó “mặc cả” để được hưởng mức thuế thấp hơn thì hai bên cùng có lợi.

Vấn đề rất lớn trong quản lý thuế của VN hiện nay là quản trên sự nghi ngờ. Nghĩa là người làm chính sách nghi ngờ mọi đối tượng nên đặt ra quy định rất khắt khe, đến mức khó thực hiện. Điều này khiến những người làm ăn ngay thẳng gặp khó, trong khi những kẻ chủ trương tiêu cực vẫn có thể tìm cách “chi” để lách. Như các quy định về chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp ở VN, để chứng minh tính hợp lý là cực kỳ phức tạp. Chẳng khác nào nó tạo điều kiện cho sự thỏa hiệp ngầm. Xã hội biết và bộ trưởng cũng thốt lên “cán bộ thuế toàn ăn vặt”. Bộ trưởng nói đúng nhưng chưa đủ. Vì với cơ chế hiện nay, không loại trừ khả năng có người có thể “ăn lớn”. Hoặc nhiều người “ăn vặt” thì nguồn lực quốc gia, doanh nghiệp đã bị “ăn” mỗi năm không phải nhỏ.

Khi chuẩn bị ra nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thể hiện quyết tâm và giới chuyên gia khi được mời bàn thảo đã khẳng định VN hoàn toàn có thể giảm được thời gian nộp thuế xuống 171 giờ/năm, đồng nghĩa giảm tiêu cực, phiền hà, chi phí. Không thể chấp nhận được thời gian nộp thuế lên tới 872 giờ/năm như hiện nay. Các nước gần VN đã đạt được số giờ nộp thuế thấp hơn chúng ta rất nhiều, không lý gì chúng ta không làm được. Vấn đề là phải có quyết tâm, có chính sách đủ mạnh để thắng được sức ỳ, lợi ích nhóm của những người đang được hưởng lợi từ cơ chế cũ.

Giải pháp không quá khó: giảm số lần khai, nộp thuế trong năm. Tăng ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa cơ hội tiếp xúc trực tiếp cán bộ thuế với người nộp... Các nước có hình thức đại lý thuế giúp tăng tính chuyên nghiệp, giảm khả năng tiêu cực của cán bộ thuế. VN đã cho áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, rất ít đại lý thuế thật sự đi vào hoạt động. Chúng ta cần có cơ chế khuyến khích rõ ràng hơn để đại lý thuế phát triển cũng như loại bỏ được các khả năng “làm khó”, ít hợp tác của cơ quan thuế.

Cần có quy định rõ lộ trình thực hiện, gắn với trách nhiệm cá nhân, tránh khả năng lãnh đạo hô hào nhưng cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy.

 PHẠM CHI LAN - C.V.KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên