13/02/2020 09:03 GMT+7

'Cảm ơn bác sĩ Việt Nam'

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Đó là lời chia sẻ xúc động của ông Li Ding (66 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), một trong hai bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam nhiễm virus corona (Covid -19), trong giây phút xuất viện.

Cảm ơn bác sĩ Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Li Ding bắt tay Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn để bày tỏ sự biết ơn với chính phủ và các bác sĩ tại Việt Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đúng 17h chiều 12-2, từ khu cách ly đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ông Li Ding sải bước đi ra với khuôn mặt tươi tỉnh sau 21 ngày cách ly chống chọi với virus corona. Ông nhanh nhẹn đến cúi đầu chào mọi người. 

Và mọi người hiểu rằng với bệnh nhân đặc biệt như ông, đó là một kỳ tích bởi cách đây 21 ngày, ông được các bác sĩ đánh giá "hội tụ" đủ các yếu tố nguy cơ có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Đây là lần thứ hai tôi đến Bệnh viện Chợ Rẫy để đón công dân nước mình xuất viện. Điều này thể hiện rất rõ sự tận tâm của các bác sĩ Việt Nam cũng như tình cảm hữu nghị của Chính phủ Việt Nam đối với người dân Trung Quốc trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.

Đại diện Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, ông Hoàng Hy Bình, nói rằng ông vô cùng hạnh phúc khi Bệnh viện Chợ Rẫy Việt Nam điều trị khỏi cho công dân Trung Quốc.


Bệnh nhân đặc biệt

Ngày 28 tết có thể nói là ngày ám ảnh với cha con ông Li Ding khi họ nhanh chóng được đưa vào khu cách ly đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy. Và kể từ thời khắc ấy, họ bắt đầu cảm nhận được sự khác biệt của mình ở trong căn phòng rộng thênh thang và được kiểm soát nghiêm ngặt. 

Những con người họ gặp đều không nhìn rõ mặt và mặc những bộ đồ "kỳ lạ" như các phi hành gia.

"Tết cận kề, lại phải ở trong phòng cách ly vắng vẻ khiến cả hai cha con rất sốc về tâm lý. Họ cảm thấy khó chịu, đặc biệt là người cha Li Ding có lúc nổi cáu không muốn hợp tác. 

Nhưng từng ngày qua, với sự giải thích cặn kẽ về sự nguy hiểm của virus corona, cha con họ đồng ý hợp tác điều trị" - bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, một trong số ít bác sĩ được lựa chọn trực tiếp vào khu cách ly chăm sóc bệnh nhân, kể lại.

Ngoài là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam nhiễm bệnh, ông Li Ding được đánh giá là "bệnh nhân đặc biệt" bởi đến từ Vũ Xương (Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc), nơi đang là tâm điểm vùng dịch tễ của virus corona. 

Trước khi được phát hiện và cách ly, ông đã có một lịch trình di chuyển khá dày tại Việt Nam khi đến Hà Nội, Nha Trang (Khánh Hòa), TP.HCM và Long An.

Thời điểm nhập viện, qua thăm khám, hội chẩn liên khoa đầu ngành, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy xác định bệnh nhân "hội tụ" đủ các yếu tố nguy cơ: lớn tuổi, có nhiều bệnh nền như đái tháo đường, cao huyết áp, ung thư phổi đã phẫu thuật, bệnh mạch vành đặt 2-3 stent. Lúc ấy, thể trạng ông Li Ding rất kém, không thể tự đi lại sinh hoạt. 

"Với thể trạng yếu như thế, nguy cơ tử vong là điều hết sức dễ hiểu" - bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, phó khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy), nói.

Trong phòng cách ly đặc biệt, mỗi ngày trôi qua ông Li Ding đều được các bác sĩ, điều dưỡng tận tình theo sát, điều trị hỗ trợ như hạ sốt, vệ sinh thân thể, hầu họng thật sạch, hỗ trợ vật lý trị liệu, cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nơi ở, phòng ốc luôn trong tình trạng thoáng khí, có tiếp xúc với ánh sáng môi trường.

Ngoài các phương pháp trên, người có nhiều bệnh lý nền như ông Li Ding được chỉ định sử dụng thêm kháng sinh phối hợp tránh khả năng bị bội nhiễm, áp dụng vật lý trị liệu hô hấp tích cực như hướng dẫn tập thở, vỗ lưng cho bệnh nhân khạc đàm và tập vận động đi lại tăng sức cơ. 

Đường huyết, huyết áp và các bệnh lý nguy cơ như mạch vành, tim mạch đều được điều chỉnh ổn định. Đó chính là cơ sở cốt lõi để ông hồi sinh và được xuất viện như ngày hôm nay.

Cảm ơn bác sĩ Việt Nam - Ảnh 3.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nhớ mãi hình ảnh ân cần của bác sĩ Việt Nam

Đứng giữa vòng vây của mọi người, ông Li Ding cầm trên tay bó hoa run run bảo rằng lời đầu tiên mà ông muốn nói khi đi ra khỏi phòng cách ly, sau suốt hành trình vượt qua bệnh tật, là "cảm ơn Việt Nam". 

Ở đó, mà cụ thể là suốt những ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bản thân ông và con trai được các bác sĩ chăm sóc rất tận tình. Được điều trị tại Việt Nam là một điều vô cùng may mắn với cha con ông. 

"Hôm nay, gia đình tôi được đoàn viên, tôi rất vui mừng" - ôm vợ và con trai đứng bên, ông xúc động nói.

"Khi nhập viện, tôi không thể đi nổi, cảm thấy kiệt sức. Nhờ sự tận tình của các nhân viên y tế mà tình hình sức khỏe của tôi và con từng ngày tốt hơn. Ngay giờ đây, tôi thấy là lúc mình khỏe mạnh nhất" - ông Li Ding chia sẻ. 

Ông còn bảo rằng suốt 21 ngày điều trị, những cử chỉ, hành động ân cần vì người bệnh của các nhân viên y tế Việt Nam khiến ông rất xúc động và sẽ nhớ mãi hình ảnh đẹp này.

Về dự định sắp tới, ông Li Ding bảo rằng cả gia đình sẽ ở lại Việt Nam ít thời gian, sau đó tìm một chuyến bay phù hợp để về nước. 

Trong suốt quá trình ở trong phòng cách ly đặc biệt, ông bảo rằng những gì xảy ra với quê hương ông đều nắm được. Mỗi ngày trôi qua, con số về người tử vong bởi virus corona làm cho gia đình ông không khỏi đau xót. 

"Tôi tin người dân quê hương tôi sẽ bình tâm, mạnh mẽ cùng vượt qua" - ông nói.

21 ngày sống chung với virus corona là 21 ngày cả bác sĩ lẫn người bệnh thấp thỏm, lo âu. Và kể từ hôm nay, nỗi niềm ấy coi như chấm dứt trong niềm vui vỡ òa hạnh phúc. Ông Li Ding đã hoàn toàn đánh bại virus corona và phía trước là một cuộc sống thường ngày như bao người khác...

Con đường nhiễm virus corona

Ông Li Ding được ghi nhận đến từ Vũ Xương (Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc), nơi đang là tâm điểm vùng dịch tễ của virus corona. Ngày 13-1, ông Li Ding cùng vợ từ Hồ Bắc đến Hà Nội, lưu trú đến ngày 16-1.

Ngày 17-1 ông đi máy bay đến Nha Trang (Khánh Hòa), lưu trú đến ngày 19-1 và sau đó đi tàu hỏa cùng vợ, con trai Li Zichao vào TP.HCM. Ngày 20-1, ông này tiếp tục đi taxi về Long An.

Từ 17-1, ông Li Ding khởi phát sốt, và đến 21-1 người con Li Zichao sốt với cùng các triệu chứng đi kèm như sốt không rõ nhiệt độ, không đau đầu, không đau nhức cơ, không đau họng, không chảy máu mũi...

Cả hai bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Bình Chánh (TP.HCM) thăm khám, sau đó được tư vấn nhập Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 22-1. Kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định cả hai nhiễm virus corona.

Phối hợp nhịp nhàng

"Trường hợp hai bố con người Trung Quốc, về điều trị, giữa người bố và người con có hai bệnh cảnh lâm sàng khác nhau. Với người con chỉ điều trị đến ngày thứ ba đã âm tính với Covid-19, đến ngày thứ bảy là khỏe mạnh. Nhưng còn người bố, đến tối 10-2 mới có kết quả âm tính.

Từ ca bệnh này thấy được sự kết hợp trong chỉ đạo điều trị từ trung ương tới địa phương, tới bệnh viện, tới các khoa, phòng, tới từng bộ phận chuyên môn sâu để điều trị bệnh nền cho bệnh nhân - một người có nhiều bệnh nền về huyết áp, ung thư phổi đã cắt một bên, đái tháo đường tuýp 2, tuổi cao.

Rõ ràng, việc điều trị ở bệnh viện lớn như Chợ Rẫy đã có hiệu quả" - ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nói.

X.LONG

Bệnh nhân nặng nhất được điều trị thành công

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng bệnh nhân Li Ding có thể coi là ca nhiễm Covid-19 nặng nhất, nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao.

"Chúng tôi thật sự rất vui mừng vì đây là một ca nặng, bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã chữa khỏi, cũng là một thành công lớn của y tế Việt Nam trong quá trình phòng chống dịch Covid-19" - ông nói.

Chiều nay 12-2, hai cha con bệnh nhân Trung Quốc ở Bệnh viện Chợ Rẫy xuất viện Chiều nay 12-2, hai cha con bệnh nhân Trung Quốc ở Bệnh viện Chợ Rẫy xuất viện

TTO - Sau 21 ngày cách ly, điều trị, ông Li Ding - một trong hai bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên ở Việt Nam - chính thức khỏi bệnh được xuất viện, theo giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên