
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11-2017, thời điểm hai nước bước vào giai đoạn đầu của căng thẳng thương mại - Ảnh: AFP
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bước vào một giai đoạn đối đầu sâu sắc hơn, sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp mức thuế mới lên tới 104% áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 8-4 (giờ địa phương).
Biện pháp này chính thức có hiệu lực từ ngày 9-4, đánh dấu một trong những lần điều chỉnh thuế quan cao nhất của Mỹ nhằm vào Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây.
Trước đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ “chiến đấu tới cùng” để đáp lại, đồng thời khẳng định sẽ duy trì mức thuế trả đũa 34%, nâng tổng mức thuế đối với hàng hóa Mỹ lên đến 70%. Động thái này cho thấy Bắc Kinh không có ý định lùi bước trong bối cảnh đàm phán thuế quan giữa hai bên tiếp tục rơi vào bế tắc.
Lý do Trung Quốc cứng rắn với Mỹ
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong đó có Nhân Dân Nhật Báo ngày 6-4, chính phủ nước này sẵn sàng thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm bảo vệ ổn định kinh tế trong nước.
Các biện pháp đang được xem xét bao gồm cắt giảm lãi suất, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng thương mại, cũng như tăng cường hỗ trợ tài khóa từ chính quyền địa phương.
“Chúng tôi không tìm rắc rối, nhưng cũng không ngại rắc rối”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm phát biểu vào ngày 8-4, phản ánh rõ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong việc phản ứng với các chính sách thuế quan từ phía Mỹ.
Theo tạp chí The Economist, Trung Quốc ngày càng nhận thức rõ các lợi thế chiến lược trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ.
Một phần lý do là chính quyền ông Trump đưa ra nhiều yêu cầu vượt ngoài lĩnh vực thương mại, bao gồm kiểm soát tiền chất fentanyl và vai trò của Bắc Kinh trong xung đột Ukraine.
Theo đó, Trung Quốc cũng đồng thời hiểu rõ đòn bẩy kinh tế mà họ đang nắm giữ, khi Tesla - một trong những công ty biểu tượng của Mỹ, hiện phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, với khoảng 20% doanh thu đến từ đây.
“Đây sẽ là một đòn bẩy lớn đối với Chính phủ Mỹ, trừ khi Elon Musk được yêu cầu rút lui”, chuyên gia từ ngân hàng Natixis, bà Alicia Garcia Herrero nhận định với The Economist.
Giáo sư tại Học viện Kinh tế Ứng dụng thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, ông An Tử Đống, nhận định trên nền tảng Ngọc Uyên Đàm Thiên (Yuyuan Tantian) - một nền tảng truyền thông trực thuộc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), rằng các biện pháp hỗ trợ tiền tệ và tài khóa của nước này đã được chuẩn bị từ sớm với nền tảng vĩ mô tương đối ổn định và chính sách điều tiết linh hoạt.
Ông An cũng cho rằng Trung Quốc vẫn còn dư địa chính sách, trong khi áp lực lạm phát nội địa hiện tại chưa đủ lớn để ngăn cản việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm đối phó với các “cú sốc từ bên ngoài”.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Chuyên gia nhận định Trung Quốc tin rằng tương quan lực lượng hiện tại cho phép nước này giữ vững lập trường trong căng thẳng thương mại với Mỹ - Ảnh: REUTERS
Song song với các chính sách trong nước, Trung Quốc cũng tiếp tục thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Theo số liệu phân tích từ các chuyên gia nêu trên nền tảng Ngọc Uyên Đàm Thiên, mặc dù tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ giảm (4,5%) trong những năm qua, nhưng tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu sang các nước thuộc khuôn khổ sáng kiến “Vành đai con đường” lại gia tăng (9%), phản ánh nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ của Trung Quốc.
Theo đó, đây là một phần trong kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm tái cơ cấu chuỗi cung ứng và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực thay vì phụ thuộc vào các đối tác thương mại truyền thống.
Một số chuyên gia tại Trung Quốc cũng nhận định các biện pháp đánh thuế đơn phương từ phía Mỹ có thể tạo ra hiệu ứng boomerang - tức là quay ngược trở lại gây tác động bất lợi cho chính nền kinh tế Mỹ. Theo đó tình trạng lạm phát gia tăng, giá cả tiêu dùng leo thang và nguy cơ suy giảm việc làm là những hệ quả tiềm ẩn mà Bắc Kinh đánh giá có thể gây áp lực trở lại cho Washington.
"Khi Mỹ tự tách mình khỏi hệ thống thương mại tự do quốc tế, các quốc gia khác cũng có thể đưa ra lựa chọn khiến Mỹ thật sự rơi vào thế “cô lập”, nền tảng Ngọc Uyên Đàm Thiên bình luận trong bài đăng ngày 8-4.
Những cân nhắc thận trọng
Tuy nhiên theo The Economist, một số chuyên gia cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh thực hiện các biện pháp như điều chỉnh tỉ giá đồng nhân dân tệ, điều này có thể gây ra tác động tiêu cực không chỉ đối với Mỹ mà còn ảnh hưởng ngược đến chính Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ở trạng thái bất ổn.
“Tình hình có thể xấu đi trước khi tốt hơn”, chuyên gia kinh tế Larry Hu tại Ngân hàng Macquarie nhận định, hàm ý ngay cả khi Trung Quốc có dư địa chính sách, quá trình hỗ trợ nền kinh tế thực vẫn cần thời gian để phát huy hiệu quả.
Về lâu dài, Bắc Kinh đang đẩy mạnh chiến lược phát triển độc lập và nâng cao tính tự cường về công nghệ cũng như chuỗi cung ứng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đẩy mạnh các chính sách nhằm kích cầu nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường ngoài Mỹ, và gia tăng kiểm soát thị trường tài chính trong nước.
“Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đối mặt với các tác động bất lợi từ bên ngoài”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chiều 8-4.
Theo The Economist, nếu “chiến đấu tới cùng” đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẵn sàng đáp trả toàn bộ các động thái của Mỹ, thì khả năng xem xét các bước đi mang tính tách biệt hơn trong quan hệ kinh tế song phương có thể được đặt lên bàn.
Dù chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh sẽ lựa chọn hướng đi này, nhưng các phân tích cho rằng đây là một kịch bản không thể loại trừ trong bối cảnh căng thẳng thương mại tiếp tục kéo dài và leo thang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận