Người bán phải tung hàng loạt chiêu, chi mạnh tiền quảng cáo. Đằng sau mật ngọt cũng chứa không ít rủi ro cho cả người bán lẫn khách hàng.
Đầu tư bạc tỉ kéo khách
Để giới thiệu cho phiên livestream (phát trực tuyến) diễn ra vào ngày 9-9, Võ Hà Linh (được mệnh danh là "chiến thần bán hàng", hơn 6,7 triệu tài khoản theo dõi) tung ra video hoành tráng, lồng ghép bài hát Một vòng Việt Nam cùng cảnh đẹp được quay tại bảy địa phương, xen kẽ video là đoạn cô mời gọi theo dõi phiên bán hàng sắp diễn ra.
Cô tiết lộ video trên có hơn 100 nhân sự tham gia, kinh phí lớn nhất từ trước đến nay. Vào giữa năm nay, cô cũng tung video xuất hiện với xe Rolls Royce sang chảnh, tới nhà máy sản xuất của nhiều nhãn hàng ở Trung Quốc để thể hiện độ uy tín sản phẩm.
Thông thường một phiên livestream của Võ Hà Linh có khoảng 200.000 - 400.000 tài khoản vào xem, bán ra vài trăm nghìn đơn hàng, tạo nên "cơn chấn động" đối với giới kinh doanh. Nhờ đó, cô có vị thế để thương lượng với các nhãn hàng và đưa ra mức giá khá thấp cho nhiều sản phẩm.
Trong những ngày đầu tháng 9, nhiều người dân ở TP.HCM đi qua bờ sông Sài Gòn, khu vực bến Bạch Đằng (Q.1) thấy bảng quảng cáo Sky LED diện tích 3.000m2 xuất hiện hình ảnh của các KOC (người tiêu dùng có tầm ảnh hưởng) chuyên bán hàng trên TikTok Shop.
Giá thuê quảng cáo trên bảng LED này mỗi tháng cũng cỡ bạc tỉ. Nhiều vị trí khác tại trung tâm thành phố như ngã sáu Phù Đổng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà văn hóa Thanh niên... cũng có quảng cáo cho các chiến dịch bán hàng qua livestream.
Ông Nguyễn Quang Nhựt - phó chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM - cho biết trước kia trên các bảng quảng cáo ngoài trời thường xuất hiện các người mẫu, ca sĩ, diễn viên... Gần đây nhiều người bán hàng nổi tiếng trên mạng cũng hiện diện, họ rất chịu chi. Chưa kể còn có sự hỗ trợ của các nền tảng bán hàng online như Shopee, TikTok Shop, Lazada...
Theo tìm hiểu, chi phí quảng cáo trên bảng điện tử khoảng vài trăm triệu đồng/tháng. Ở vị trí tốt có thể phải bỏ ra từ 1 - 1,2 tỉ đồng/tháng.
Bác sĩ, hoa hậu... đua bán hàng online
Bên cạnh tiểu thương, bác sĩ và hoa hậu tham gia ngày càng nhiều. Trên TikTok Shop, bác sĩ Trần Đức Cung thường xuyên mở các phiên livestream bán thực phẩm chức năng.
Ở giới nghệ sĩ, lượng người nhảy vào bán hàng online ngày một đông như Lê Dương Bảo Lâm, Diệp Lâm Anh, Hồ Ngọc Hà... Dàn hoa hậu cũng có loạt tên tuổi nhập cuộc như Thùy Tiên, Khánh Vân, Ngọc Châu...
Ngồi ở một quán cà phê tại TP.HCM, Lê Hoàng Phương - Hoa hậu Hòa bình - tâm sự việc bán hàng online không chỉ mang thêm thu nhập mà còn giúp cô kết nối nhiều khán giả hơn.
Có danh hiệu hoa hậu là một lợi thế, song để thành công trong cuộc đua bán hàng lại cần nhiều hơn vậy. Hoàng Phương thành thật: Việc gặt hái được các phiên livestream doanh thu tiền tỉ không đơn giản. Những lúc không "về số", cô xem như là bài học để có thêm kinh nghiệm và nỗ lực hơn.
Nổi tiếng với vai bé An trong bộ phim Đất phương Nam, diễn viên Hùng Thuận cũng tích cực bán đồ dùng nhà bếp, quần áo nam, mỹ phẩm...
Anh thẳng thắn cho biết nghề diễn viên giúp thỏa đam mê, nhưng cuộc sống khó sung túc, trong khi bán hàng online mang lại thu nhập khá tốt. Thị trường này đang xu hướng phát triển, kể cả mẹ anh cũng mua hàng trên mạng một cách "chuyên nghiệp, khủng khiếp luôn".
Đáng chú ý, những người tạo nên "số má", trở thành các "chiến thần" trong giới livestream bán hàng lại không phải ca sĩ, diễn viên... mà là các KOC như Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs, Quyền Leo Daily, Diệp Lê...
Trên thị trường, nhiều phiên livestream có doanh số từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng, một số lên đến cả trăm tỉ đồng. Người bán hàng nhận về hoa hồng từ 2 - 25% doanh thu. Để gầy dựng tiếng vang trong ngành, một số người chấp nhận thua lỗ, miễn có doanh số tốt.
Hàng hiệu lên livestream
Hiện có rất nhiều thương hiệu lớn, giá trị cao cũng xuất hiện trên các phiên livestream như máy sấy tóc Dyson, điện thoại Samsung, xe máy SH, xe máy điện VinFast...
Dù vậy, không phải nhãn hàng nào cũng sẵn sàng. Như Apple vừa yêu cầu các đại lý ủy quyền tại Việt Nam không được bán điện thoại iPhone và máy tính MacBook trên các phiên livestream ở TikTok Shop.
Theo một số chuyên gia, lệnh cấm này khá dễ hiểu, bởi việc bán hàng trong livestream phụ thuộc vào các voucher - phiếu giảm giá sâu, tạo nên sự so sánh giá, ảnh hưởng tới các kênh bán trực tiếp từ đại lý Apple.
Tránh "ngáo" quyền lực, tiếp tay cho hàng dỏm
Trở thành người có tầm ảnh hưởng trên mạng rồi bán hàng giúp nhiều người giàu có nhưng không ít người "ngáo" quyền lực, cố tình hạ bệ sản phẩm của một số cửa hàng để mình tăng tương tác, nổi tiếng kèm tai tiếng. Thậm chí, họ có khả năng tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bà Lê Minh Trang - quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu bán lẻ của Nielsen - cho biết khoảng 50% người được hỏi trả lời rằng quyết định mua hàng bị ảnh hưởng bởi những người bán hàng có tầm ảnh hưởng.
Trong khi đó, đã có nhiều khách bị "sập bẫy" khi mua hàng qua các "ngôi sao". Điển hình là vụ việc N.D. (có gần 3 triệu tài khoản theo dõi) bị tố bán mỹ phẩm giả.
Hãng mỹ phẩm M. phải cảnh báo xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi bán hàng giả, thậm chí bán qua những người có hàng triệu tài khoản theo dõi trên mạng xã hội. Vì vậy, hãy tỉnh táo và cảnh giác trước những chương trình khuyến mãi rẻ bất ngờ (>70%), những lời mời chào "từ cửa hàng miễn thuế".
Áp lực thị phi
Càng được đẩy lên cao, các "ngôi sao" bán hàng online càng đứng trước sóng gió thị phi.
Mùa Trung thu năm nay cận kề, nhiều khách đang săn lùng bánh từ kênh Quang Linh Vlogs, không ít người thất vọng rời đi. Trước phản ứng lớn, trong một livestream gần đây, Quang Linh chia sẻ dù đã chuẩn bị 11.000 bánh nhưng vẫn không đủ. Bánh làm "thủ công, nên số lượng có hạn thôi".
Trong khi nhiều người mệt mỏi không săn được bánh, một số người khác lại đăng video chê tơi tả về chất lượng sản phẩm. Trong một lần livestream với người hâm mộ, Quang Linh tâm sự: "Trong làm ăn nó thế. Có người này người kia, xâu xé nhau. Có trường hợp người ta sẽ chơi xấu mình".
Khi bước vào "đấu trường" bán hàng online, nhiều "ngôi sao mạng" cũng bị mổ xẻ đời sống cá nhân, độ tương tác.
Trong giới này, Hằng Du Mục (Nguyễn Thị Thái Hằng) đang là cái tên nóng. Cô liên tục lập kỷ lục, bán tổng cộng cả trăm tấn táo đỏ Tân Cương (Trung Quốc), bán cả mỹ phẩm, đồ gia dụng... từ Trung Quốc. Gần đây cô hợp tác bán một số hàng Việt như gạo, sầu riêng, cua Cà Mau...
Cùng những phiên bán hàng với doanh số khủng, nhiều người cũng đăng tải các video bàn tán về đời tư của cô. Chính các thông tin đời tư đã góp phần khiến Hằng Du Mục nổi tiếng hơn.
Theo tìm hiểu, để chuẩn bị cho một phiên livestream quy mô lớn, người bán hàng phải chuẩn bị 1 - 2 tháng, trung bình có từ 10 - 50 nhân sự hỗ trợ, từ làm việc với nhãn hàng, sản xuất video quảng cáo, truyền thông, tạo bối cảnh...
Dù chuẩn bị kỹ, vẫn có các rủi ro như giá hiển thị sai, quá ít mã khuyến mãi so với hứa hẹn, cúp điện...
"Mình đã chuẩn bị hai máy phát, nhưng với thiết bị điện quá lớn, không thể nào gồng gánh được..." - Võ Hà Linh chia sẻ về một sự cố cúp điện trong phiên livestream gần đây. Dù rất cố gắng nhưng có lúc cô không giữ được bình tĩnh, tức giận. Bên cạnh các ủng hộ, có người còn cho rằng đây là chiêu trò.
Trên thực tế, không phải ai cũng chống đỡ tốt trước sóng gió. Ngồi tại khu vực riêng tư, cô gái trẻ H.L.
(TP.HCM) tâm sự đã từng bị trầm cảm nặng, đóng cửa ở lì trong phòng nhiều tháng liền vì không chịu nổi áp lực dư luận. Sau đó cô được người thân giúp đỡ, cô tập trung rèn luyện kiểm soát tình huống khi livestream. Dù nghề này mang đến nhiều tiền, nhưng cô cũng không "bán mạng" như trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận