Đây sẽ là một mối nguy lớn với ngành hàng tỉ đô này của Việt Nam khi một tổ chức phát triển bền vững cho biết trong số 90.000ha rừng Việt Nam bị mất năm 2021, có 8.000ha nằm trong vùng trồng cà phê.
Nhiều nguy cơ
Ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết tại hội thảo của ICO về chống phá rừng hồi tháng 4-2023, chuyên gia của Công ty ENVERITAS (tổ chức phi chính phủ phát triển bền vững của Mỹ) cho biết trong số 90.000ha rừng Việt Nam bị mất năm 2021 có 8.000ha nằm trong vùng trồng cà phê.
Số diện tích này sẽ được theo dõi trong năm tới, nếu được dùng để trồng cà phê thì sẽ được coi là cà phê trồng trên đất phá rừng.
Chưa kể thời gian gần đây giá cà phê trong nước lên mức 70.000 đồng/kg, cao nhất lịch sử, dẫn đến nguy cơ người dân phá rừng để trồng cà phê.
"Đây là thời điểm cảnh báo việc phá rừng trồng cà phê vì hiện giá cà phê trong nước đang ở ngưỡng cao nhất trong 15 năm qua", ông Hải nhấn mạnh.
Theo Vicofa, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của cà phê Việt Nam khi khoảng 40% tổng lượng cà phê xuất khẩu hằng năm của Việt Nam.
Doanh nghiệp mua cà phê Việt Nam hầu hết là các tập đoàn lớn như Nestle, JDE, Newman, Louis Dreyfus...
Vì vậy, để ổn định thị phần xuất khẩu cà phê sang EU, ngành cà phê Việt Nam phải tuân thủ quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR). "Thời gian chính thức áp dụng không còn nhiều, cần phải đẩy mạnh việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến những nội dung của quy định", ông Hải nói.
Bà Trần Quỳnh Chi - Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) - cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá có tỉ lệ phá rừng do sản xuất cà phê rất thấp.
Theo một đánh giá của một nhà mua rất lớn ở châu Âu cho thấy tỉ lệ phá rừng để sản xuất cà phê tại Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,1%, vì vậy cơ hội các sản phẩm cà phê của Việt Nam không vi phạm quy định của EU là rất lớn. Việc còn lại là Việt Nam phải thực hiện các yêu cầu của EU trong vòng 18 tháng nữa.
"Việt Nam vẫn có nguy cơ vì hiện tại giá cà phê trên thị trường đang tăng và với đà tăng như vậy thì rất có thể sẽ có xu hướng nông dân phá rừng để trồng cà phê" - bà Chi cảnh báo.
Phải truy xuất nguồn gốc tận vườn
Theo ông Nguyễn Nam Hải, với quy định mới của EU thì việc truy xuất nguồn gốc tận vườn là điểm yếu lớn nhất của ngành cà phê. Các doanh nghiệp kinh doanh ngoài việc liên kết với hợp tác xã, nông dân còn mua qua đại lý nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.
"Hiện có 680.000 - 700.000ha cà phê đang cho thu hoạch của 1,3 triệu nông hộ với diện tích manh mún, nhỏ lẻ dưới 0,5ha/hộ. Diện tích này về thực tế đến trước 2020 là hợp pháp nhưng để chứng minh nguồn gốc thì không phải dễ", ông Hải nói.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết EUDR yêu cầu 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là cà phê vào châu Âu, phải có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.
"Các ngành hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR. Tuy nhiên, thách thức cũng đi cùng với cơ hội và chúng ta phải sẵn sàng tận dụng được cơ hội này", ông Tuấn nhận định.
Còn bà Trần Quỳnh Chi cho rằng khó có thể thực hiện đồng bộ các giải pháp toàn diện cùng lúc mà phải thực hiện theo lộ trình.
Hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Nestle đã tự xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để chứng minh yêu cầu của thị trường EU.
Tuy nhiên, nếu mỗi doanh nghiệp tự xây dựng một hệ thống như vậy thì chi phí tăng lên rất cao, cuối cùng sẽ đổ quay lại với người nông dân và người mua phải trả giá cao hơn, người bán thì bị trả giá thấp. Các doanh nghiệp trong nước cũng không có khả năng tự đầu tư một hệ thống cơ sở dữ liệu.
Vì vậy, Việt Nam cần phải có một cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng và vườn trồng cà phê. Nếu không có thì dù cà phê được sản xuất trên đất phá rừng hay không phá rừng thì doanh nghiệp cũng không thể xuất hàng đi được.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo kế hoạch hành động để thích ứng với đạo luật mới của EU.
Đầu tiên sẽ xây dựng nhóm đối tác công tư bao gồm khu vực nhà nước, khu vực hiệp hội, các địa phương, các tổ chức và EU để bàn thảo các giải pháp. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị phía EU lập đường dây nóng để trao đổi thông tin thường xuyên.
"Chi phí xây dựng bản đồ định vị vườn cà phê, truy xuất nguồn gốc rất lớn. Do đó, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của EU cũng như các đối tác về tư vấn pháp lý trực tiếp, về cách khai báo như thế nào để được công nhận", ông Tuấn nói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 EU nhập khẩu 3,05 triệu tấn cà phê, trị giá 12,81 tỉ EUR. Với khối lượng xuất khẩu đạt 662.000 tấn, trị giá gần 1,54 tỉ EUR, Việt Nam là nhà cung cấp cà phê ngoại khối lớn thứ 2 cho EU, chỉ đứng sau Brazil.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận