Thủ tướng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Bỉ - Ảnh: NHẬT BẮC
Chiều 16-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã về đến Hà Nội, kết thúc chuyến thăm ba nước châu Âu Luxembourg, Hà Lan, Bỉ và dự Hội nghị cấp cao EU - ASEAN.
Thúc đẩy xuất khẩu
Trực tiếp tham dự cả ba phiên diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với các nước Luxembourg, Hà Lan và Bỉ, ông Đặng Khánh Duy - tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (Tây Ninh) - mang đến sản phẩm bánh tráng để giới thiệu với bạn hàng.
Là doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bánh tráng đạt tiêu chuẩn về ISO 22.000, chứng nhận FDA với thực phẩm an toàn của Mỹ, xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ, nên ông Duy trăn trở khi thương hiệu bánh tráng Tân Nhiên chưa vào được thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Bởi vậy, việc tới ba nước châu Âu lần này với Tân Nhiên được xem là cơ hội để khảo sát và tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm.
Qua chuyến đi, ông Duy cho hay nhờ vào nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu, sản phẩm nông sản của Thủ tướng và đoàn công tác đã giúp doanh nghiệp trực tiếp gặp được một số đối tác tiềm năng, các kiều bào quan tâm tới sản phẩm.
"Đối tác đã hẹn sang năm 2023 sẽ trực tiếp sang Việt Nam khảo sát nhà máy, sản phẩm để thúc đẩy xuất khẩu vào EU, mở ra kỳ vọng lớn xuất khẩu vào thị trường này" - ông Duy cho hay.
Trong khi đó, có biên bản ký kết hợp tác lần này với Tập đoàn Hoàng gia De Heus (Hà Lan), ông Vũ Mạnh Hùng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hùng Nhơn - cho rằng việc ứng dụng công nghệ cao vốn là lĩnh vực mà các doanh nghiệp châu Âu có rất nhiều thế mạnh sẽ mang lại nhiều lợi thế.
Ông Hùng tin rằng, với bản ghi nhớ này, hai bên cùng nhau xây dựng và phát triển những dự án chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi có ý nghĩa lớn, đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp heo giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Các quốc gia châu Âu cũng cần những nông sản nhiệt đới, lương thực thực phẩm của Việt Nam cung ứng ra toàn cầu, và đó là cơ hội của chúng ta. Thông qua đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều tiềm năng đến với thị trường châu Âu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Các trao đổi, ký kết hết sức hiệu quả thiết thực, đi đúng xu thế Việt Nam lựa chọn là chuyển sang kinh tế số, kinh tế xanh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà bình luận về chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đón đầu xu thế
Chia sẻ về việc thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, ông Phạm S, phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết đã hợp tác với tỉnh Đông Flanders của Bỉ từ năm 2013 để hướng tới nông nghiệp bền vững, hài hòa với cảnh quan và môi trường.
Trọng tâm là thúc đẩy hợp tác nguồn gene, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường và những hợp tác về nông nghiệp đạt được trong các thỏa thuận hợp tác sẽ kỳ vọng được hiện thực hóa trong thời gian tới.
Bên cạnh thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ chia sẻ một hợp tác quan trọng lần này, khi Bến Tre thu hút được một dự án đầu tư quy mô lớn của một tập đoàn hàng đầu của Bỉ vào đầu tư, đón đầu đúng xu thế chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững.
Doanh nghiệp này sẽ đầu tư để khai thác phụ phẩm của cây dừa như gáo dừa để sản xuất than hoạt tính, xuất khẩu vào châu Âu làm nguyên liệu sưởi.
"Đây là dự án giúp bảo vệ môi trường, xử lý công nghệ, góp phần quan trọng để bảo vệ thị trường và giảm phát thải carbon. Sau chuyến thăm này sẽ có lịch cụ thể để làm việc với đối tác cùng nhà đầu tư tiềm năng khác để nghiên cứu sớm triển khai, thúc đẩy dự án" - ông Thọ nói.
Trực tiếp tham gia ký kết hợp tác cung ứng tài chính cho các dự án năng lượng từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu, ông Dương Quang Thành, chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết những năm gần đây, phát triển năng lượng xanh là ưu tiên lớn trong chính sách phát triển của Việt Nam.
"Các chương trình hợp tác với EU đã hỗ trợ rất lớn cho EVN trong các lĩnh vực cấp điện cho miền núi, hải đảo; nâng cao năng lực, cải tiến các hệ thống quản lý, tiệm cận thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực an toàn, môi trường, sức khỏe, hỗ trợ quản lý kỹ thuật dự án thủy điện, tối ưu hóa vận hành, chuyển đổi số…" - ông Thành nói.
Chuyến công du qua các con số
3: Thăm Luxembourg, Hà Lan, Bỉ
~75: Các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương
~30: Các văn kiện hợp tác được ký kết
15,5 tỉ USD: Việt Nam và nhóm đối tác quốc tế đạt Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), giúp Việt Nam nhận được 15,5 tỉ USD cho gói tài chính khí hậu để giảm phụ thuộc vào than đá
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận