Nhân kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Báo chí cách mạng Việt Nam, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu đến bạn đọc những kỷ niệm vui buồn của bạn đọc Trần Văn Tám (Củ Chi, TP.HCM) khi tham gia cộng tác với báo.
"Tôi đam mê và thích viết báo, nhưng chưa bao giờ tự nhận mình là nhà báo dù bạn bè quen cứ gọi đùa mình là nhà báo không thẻ, nhà báo nghiệp dư, nhà báo không chuyên, nhà báo không bút danh…
Nhiều người cũng hỏi tôi: Sao không đặt cho mình bút danh như những nhà báo khác? Những lúc ấy, tôi chỉ cười nói: “Quan trọng là mình viết về nội dung gì, bạn đọc xem xong bài viết đó có nhớ tên tác giả là ai, và nội dung chính bài viết không, bài viết có lan tỏa chạm đến mọi người trong cộng đồng xã hội, chứ đặt bút danh cho hay là mỹ từ cho đẹp, cho kêu mà không có bài viết nào ra hồn thì cũng như không. Bạn đọc xem xong bài viết chẳng có ai thèm nhớ đến mình cũng như không, dù có bút danh đẹp nằm dưới góc phải bài viết trang báo”.
Bản thân tôi xác định cho mình nghề chính đang đeo đuổi là nhà giáo, còn tôi đến với viết báo là cái nghiệp, cái đam mê và thích thú vì nhờ các bài viết đã giải tỏa tinh thần, suy nghĩ của mình và giải bày được tâm trạng của mình qua từng dòng, từng bài viết.
Từng cuộc điện thoại cung cấp tin cho đường dây nóng báo Tuổi Trẻ, trong lòng cảm thấy phấn chấn. Vui nhất là khi tin, ảnh, bài viết của mình được chọn đăng trên báo được độc giả phản hồi, bình luận một cách tích cực.
Dĩ nhiên có ý kiến khen, chia sẻ đồng tình với bài viết cũng có ý kiến không đồng tình nhưng từ những kết quả có được đó, từ cộng tác viết báo mang lại đã động viên tôi rất nhiều trong cuộc sống. Khi bài được đăng, tôi nhận thấy mình lạc quan, vui nhiều, yêu đời, yêu nghề, yêu người nhiều hơn.
Thỉnh thoảng tôi cũng có bài viết phản ánh của ngành trên báo Tuổi Trẻ như bài: “Vào mùa sáng kiến kinh nghiệm”, “Giáo viên lúng túng khi dạy mô hình mới”, “Giáo viên chạy không kịp công nghệ thông tin”…
Những lúc đó, hễ buổi sáng báo vừa phát hành thì gần 7 giờ thế nào tôi cũng nhận điện thoại của chuyên viên phòng giáo dục gọi nhắc nhở vì sáng nay lãnh đạo Sở Giáo dục đã đọc bài báo đó cần hỏi tôi lấy thông tin từ đâu, viết như thế có lợi gì không?
Thậm chí có khi chuyên viên phòng còn yêu cầu tôi gửi file bài viết đó cho lãnh đạo xem bài viết trên báo có đúng với bản gốc không hay do biên tập viên sửa chữa rồi viết thêm nhiều ý không đúng sự thật!
Hay có lần tôi “được mời” về Phòng Giáo dục trao đổi công việc từ nội dung bài viết trên báo Tuổi Trẻ và vào dịp đầu năm học mới!
Cũng xin nói thêm trong lần trao đổi công việc lãnh đạo nhắc nhở tôi: “Viết báo là quyền tự do ngôn luận của mỗi người nhưng đừng viết về những gì ảnh hưởng không tốt với ngành, đừng viết những gì xảy ra trong thời điểm hết sức nhạy cảm vì mọi người trong xã hội đang quan tâm đến sự việc đó như thế là đi ngược lại chủ trương của ngành...".
Những lúc đó, tôi ít nhiều không còn hứng thú, không còn cảm hứng và mạnh tay viết về đề tài giáo dục. Tuy nhiên khi gặp bức xúc, tôi vẫn không từ bỏ công việc viết báo.
Cách đây gần một năm, tôi có bài viết nhỏ trên Tuổi Trẻ Online có tựa “Quen người chết hay sao cúi đầu chào”, bài viết này tôi được ban biên tập của báo trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 7-2016.
Và, cũng từ bài viết này tôi được nhiều nhiều người quan tâm, chia sẻ với hơn 700 bình luận.
Cũng từ đó, bạn bè của tôi không chỉ những người trong ngành giáo dục, mà cả những người chỉ là lao động bình thường, làm nội trợ gia đình, họ sẵn sàng nói chuyện, tâm sự với tôi khi gặp chuyện bức xúc muốn giãi bày.
Vì vậy với tôi, viết báo không phải là nghề tay trái mà còn là cái "nghiệp".
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận