Chị hàng rong và ông tiến sĩ
Phóng to |
Đêm đó TS Nghĩa mất ngủ. Ông ưu tư về hình ảnh chị hàng rong rồi quyết định cầm bút viết bài “Tết của chung” đăng trên mục Thời sự & suy nghĩ (Tuổi Trẻ ngày 4-2-2008). Chính hình ảnh ngậm ngùi đó đã tạo cảm xúc cho ông viết, nhưng khi ngòi bút chảy mực, ông lại kìm nén cảm xúc để bình tĩnh viết bằng kiến thức và tâm huyết đóng góp cho đất nước. Hình ảnh chị hàng rong không có tết chỉ một dòng trên bài viết, nhưng ông phân tích và đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm nhà nước lẫn công dân trong việc chia sẻ với người nghèo.
“Cuộc cạnh tranh khốc liệt đã diễn ra, nước chảy chỗ trũng, sự giàu có ở đâu mà chẳng dồn đọng nơi những người có năng lực, có quan hệ và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên... - TS Nghĩa thẳng thắn phân tích rồi kết thúc - Mọi danh hiệu hay huân chương, huy chương của đất nước này cũng nên có phần dành cho những người tiên phong “lá lành đùm lá rách, nối vòng tay lớn” mà chia sẻ phúc lợi với đồng bào”. Ông tin rằng chia sẻ với người nghèo không chỉ là trách nhiệm mà phải được xem trọng, tôn vinh để việc làm đó lan rộng và hiệu quả hơn.
Từng đọc nhiều bài báo đầy trăn trở và tâm huyết với thời cuộc đất nước của ông Phạm Duy Nghĩa, nhưng đây là lần đầu tôi gặp ông ở Hà Nội. Khác những bài báo sâu sắc, thẳng thắn đến mạnh mẽ như “Chỉ số trách nhiệm”, “Để không còn chuyện xà xẻo”, “Tăng cường dân quyền”, “Để cái ác phải bị tiêu diệt”..., TS Nghĩa rất nhỏ nhẹ ngoài đời. Ông tâm sự tuổi thơ dãi nắng ở làng quê Hành Thiện, Nam Định, rồi sau này làm luật sư, giảng viên nên ông luôn nhạy cảm và đồng cảm với nỗi niềm người dân.
TS Nghĩa nói ông quý Tuổi Trẻ phản ánh sâu sắc đời sống người dân và lan tỏa được cảm xúc đến bạn đọc. Chính ông mỗi khi cầm bút viết báo cũng đều bắt nguồn từ cảm xúc thực tế, dù đó là những bài báo mang thông điệp lớn như góp ý với chính quyền, chính sách vĩ mô... Ông kể trước khi viết bài “Sau cơn mưa” góp ý thẳng thắn với chính quyền Hà Nội, chính ông cũng kẹt giữa biển nước thủ đô và tận mắt thấy cảnh lạnh tê tái, vất vả của người dân trong cơn lụt cuối năm 2008. Đang tâm sự, TS Nghĩa chợt bật cười khi nghe tôi hỏi ông viết báo từ khi nào. “Hồi học nước ngoài tôi thụ giáo một thầy “máu mê” báo chí. Ông cứ đưa tôi 10 trang bắt tôi rút còn một mà vẫn giữ nội dung nên tôi quen dần viết báo”. Và bài đầu tiên ông viết về những điểm không rõ ràng của doanh nghiệp nhà nước đã đăng trên Tuổi Trẻ.
Phóng to |
Những bài báo đầy tâm huyết và trách nhiệm góp phần tạo nên bản sắc Tuổi Trẻ - Ảnh: TH.Đ |
Viết để đóng góp cho đất nước
Phóng to |
Dù đã viết nhiều trên Tuổi Trẻ, TS Điện vẫn nhớ bài báo đầu tiên về chuyện cấm xe ba gác. Ông tâm sự mình sinh ra trong một gia đình nhà nghèo ở miền Tây Nam bộ, từng sống trong khu ổ chuột nên cảm nhận rõ sự mong manh của thân phận nghèo. Từ trải nghiệm thực tế này, ông viết lệnh cấm xe ba gác là đúng nhưng hơi lạnh lùng trong việc chuẩn bị thực thi. Ông góp ý rằng có một bộ phận người mới hôm trước còn chăm chỉ kiếm sống hợp pháp, nếu việc mưu sinh đó giờ không còn phù hợp các tiêu chí mới của xã hội thì họ phải ngưng, nhưng họ có quyền đòi hỏi được bồi thường thỏa đáng và được tạo điều kiện thuận lợi xây dựng cuộc sống mới. Theo ông, luật đúng về lý thuyết sẽ phản tác dụng nếu thi hành máy móc, vô cảm.
Hầu hết bài báo của TS Điện được viết trên chiếc bàn nhỏ của một giảng viên đại học, nhưng từng đề tài đều bắt nguồn từ những búc xúc trong thực tế xã hội. “Ngộ nhận chuẩn mực” là bài ông tâm huyết đăng trên Tuổi Trẻ ngày 5-5-2008. Chuyện một chủ tịch UBND tỉnh lập quỹ các nguồn biếu xén để chi từ thiện được ông thẳng thắn góp ý là không đúng cả trên luật lẫn đạo đức xã hội. Ông kết luận: “Tiền ăn cắp là tiền dơ bẩn. Không ai, kể cả quyền lực công, khi tiếp nhận một tài sản mà không phải là vật vô chủ có thể xóa đi lịch sử pháp lý, đạo đức của nó, rồi cùng với nó bắt đầu cuộc sống mới”. Ông kể đã giật mình rồi bức xúc viết bài báo này. Tại sao người ta lại quen nghĩ cứ sung công tài sản phi pháp là xong? Sung công hàng lậu, hàng ăn cắp (trừ ăn cắp công quỹ), vô hình trung người ta đã thế vai kẻ buôn lậu, ăn cắp...
Là ngòi bút thường xuyên trên Tuổi Trẻ gần đây và viết nhiều về người nghèo, TS Điện chân tình chia sẻ mơ ước tương lai người nghèo VN được ấm no, hạnh phúc hơn. Tâm sự với tôi, ông khẳng định mình đồng cảm và đồng chính kiến với Tuổi Trẻ. Ông tin báo dấn thân cho hoài bão về một xã hội thượng tôn luật pháp và kiên định trong việc bảo vệ công lý và đạo lý. Theo ông, cùng với công việc chuyên môn ở trường học, viết báo đã góp phần giúp ông gắn bó thêm với thời cuộc đất nước và sống có ích, có trách nhiệm hơn với xã hội.
___________________
Những bài báo từ mảnh ruộng dân cày
Phóng to |
Ông Nguyễn Minh Nhị: “Bài viết của tôi xuất phát từ nỗi niềm trên ruộng cày” - Ảnh: Quốc Việt |
Chiều muộn, bàn làm việc của ông vẫn lộn xộn đống báo. Ông cười khà khà nói đọc nhiều báo là thói quen từ khi còn đương chức. “Báo chí là kênh quan trọng để lắng nghe tiếng dân, lòng dân”. Bạn đọc Tuổi Trẻ đã quen tên Nguyễn Minh Nhị. Hầu hết bài báo ông viết đều gắn với nỗi niềm nông dân và những suy tư thoát nghèo trên ruộng cày. Mới ngày 31-5, ông viết bài “Giỗ đầu chú Sáu Dân - Võ Văn Kiệt: Ông là vốn quý của đời”. Sau lời tưởng nhớ vị lãnh đạo, bạn đọc lại thấy ngòi bút Nguyễn Minh Nhị gắn bó kỷ niệm với nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Chính từ sự đau đáu với người dân này mà ông đã tìm thấy được sự đồng cảm với vị lãnh đạo đáng kính.
Không viết dày nhưng ông Nhị đã viết từ rất lâu trong những năm kháng chiến. Ông có hai kỷ niệm khó quên về việc cầm bút. Hồi chiến tranh, ông đã viết một bài báo sòng phẳng với kẻ thù để cứu đồng đội bị án tử hình. Ông viết rằng sẽ có tù nhân bên kia phải trả giá khi án này được thực hiện. Kỷ niệm thứ hai là chính bài báo ông viết trong hồ sơ “Đêm trước đổi mới” của Tuổi Trẻ. Bài báo được ông viết bằng trải nghiệm thực tế của chính mình. “Hồi đó, nhiều người dân lên khóc với tôi và tôi cũng chảy nước mắt với họ. Mình thực hiện cải tạo ruộng đất nhưng mình làm sai quá. Nhiều đêm tôi không thể ngủ được khi gặp những người dân đã không nhận ruộng đất do mình lấy lại của người khác để giao cho họ”. Ông kể không phải suy tư, đắn đo nhiều khi viết bài này vì nó tự chảy tràn ra từ trong đầu và trong tim mình.
Là quan chức nhưng ông Nhị cũng hay... khóc! Nhiều lần ông đã không cầm được nước mắt khi đọc những bài báo về Hoàng Sa, Trường Sa, nhà tù Guyana, Hà thành đầu độc... trên Tuổi Trẻ. Thậm chí ông còn lưu lại những trang báo nhòe nước mắt này. Nhưng rồi ông lại vui nhanh như khi tôi hỏi “Có vẻ giờ ông viết dữ hơn hồi còn làm việc?”. Ông bật cười khà khà: “Lúc còn làm việc tôi cũng nói dữ lắm nhưng được mấy ai nghe, giờ tôi phải tiếp tục viết thôi”. Và tôi hiểu đó là tấm lòng muốn tiếp tục đóng góp cho đất nước của ông cán bộ về hưu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận