21/07/2023 13:47 GMT+7

Bóng đá nữ Việt Nam, 30 năm hành trình World Cup - Kỳ 3: Đoạt cúp ngay chuyến xuất ngoại đầu tiên

Đã tròn 26 năm tính từ hai cột mốc: chuyến xuất ngoại đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam vào tháng 7-1997 dự giải tiền SEA Games tại Malaysia, và hôm nay là đến New Zealand dự VCK World Cup.

Nồng nhiệt mừng đội bóng đá nữ Việt Nam đoạt cúp - Ảnh tư liệu

Nồng nhiệt mừng đội bóng đá nữ Việt Nam đoạt cúp - Ảnh tư liệu

Ông Mai Đức Chung bất ngờ bị "bắt" lên đội tuyển nữ

Có thể nói chuyến xuất ngoại đầu tiên là bước ngoặt quyết định để bóng đá nữ Việt Nam phát triển. Ngày ấy, nếu lần xuất ngoại đầu tiên không thành công, thật khó thuyết phục các nhà quản lý thể thao gật đầu cho bóng đá nữ phát triển.

Xung quanh chuyến xuất ngoại đầu tiên này, tôi may mắn là một trong số hiếm hoi của giới báo chí tháp tùng cùng đội. Và trong chuyến đi này, có nhiều câu chuyện đáng được ghi vào lịch sử bóng đá nữ Việt Nam.

Khi chủ nhà SEA Games 19 - 1997 là Indonesia công bố có môn bóng đá nữ (cũng là SEA Games đầu tiên môn bóng đá nữ được tổ chức ngoài Thái Lan) thì hai ông Tư Ngữ và Hoàng Vĩnh Giang quyết đi thuyết phục Tổng cục Thể dục thể thao cho đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam về việc cần phát triển bóng đá nữ.

Thậm chí ông Giang còn đưa ra nhiều dẫn chứng rằng có những môn rất lạ, rất mới nhưng với kiểu đi tắt đón đầu của ông với ông bạn Tư Ngữ ở Quận 1 - TP.HCM thì toàn là những mỏ vàng cho thể thao Việt Nam như aerobic, bơi nghệ thuật, nhảy cầu... và bây giờ là bóng đá nữ nếu cho các cầu thủ nữ một danh phận rõ ràng.

Công bằng mà nói thì hồi đấy chưa ai dám quyết cho bóng đá nữ là môn đấu chính thức được công nhận.

Trước sự quyết liệt của "bầu Giang" và "bầu Tư Ngữ" cũng là hai nhân vật có uy tín trong làng thể thao, những nhà lãnh đạo thể thao chấp nhận cho thí điểm lập đội bóng đá nữ đá giải tiền SEA Games 1997 tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Những cô gái vàng của thời kỳ đầu bóng đá nữ Việt Nam ra đấu trường quốc tế - Ảnh tư liệu

Những cô gái vàng của thời kỳ đầu bóng đá nữ Việt Nam ra đấu trường quốc tế - Ảnh tư liệu

Vì vậy nên lịch sử bóng đá nữ Việt Nam mới có sự kiện "vô tiền khoáng hậu" đó là một đội tuyển được thành lập khi chưa có câu lạc bộ chính thức và cũng chưa có giải vô địch quốc gia.

Nói đến đội tuyển cũng cần nhắc đến những chuyện tế nhị mà chỉ có người trong cuộc "bật mí" mới biết.

Ông Nguyễn Hữu Bàng, khi đấy là phó tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam được chỉ định là trưởng đoàn bóng đá nữ Việt Nam dự giải tiền SEA Games, kể lại: "Lần đầu lập đội tuyển nữ cũng là lần đầu mang chuông đi đấm xứ người, dù chỉ là cầu thủ của hai đội Hà Nội và Quận 1.

Tổng cộng hai đơn vị là 33 cầu thủ mà ban tổ chức thông báo mỗi đội chỉ được đăng ký 25 cầu thủ. Không HLV đội nào muốn loại bớt cầu thủ vì thương các cháu gắn bó cùng nhau. Bàn tới tính lui cuối cùng quyết định đi đủ 33 cầu thủ với 8 suất thừa ra sẽ đi bằng kinh phí tự túc.

Phần cầu thủ thế là xong nhưng ai là HLV trưởng mới phức tạp. Đưa ông Trần Văn Tuấn - HLV của Hà Nội - lên thì "quân" TP.HCM khó đá, mà lấy ông Trần Anh Tuấn - HLV của Quận 1 - thì khó đảm bảo cầu thủ Hà Nội phục.

Bàn tính mãi cuối cùng mới đề nghị ông Mai Đức Chung ở bộ môn bóng đá của Tổng cục Thể dục thể thao làm HLV trưởng đội nữ lần đầu thành lập và thi đấu nước ngoài.

Ban đầu ông Chung giãy nảy nói đâu biết gì về bóng đá nữ, nhưng sau khi được thuyết phục rằng đây là giải đầu tiên cũng là tiền đề để môn bóng đá nữ được ra mắt và chính thức công nhận thì ông Chung nhận lời.

Ngày lên đường ngồi cạnh ông Chung, tôi hỏi nhỏ: "Anh thuộc tên hết các em, các cháu chưa và làm đội nữ có gì khác với nam?".

Ông Chung thú thật: "Ngày đầu tập trung còn phải nhờ "nhắc tuồng" nhưng chỉ sau vài ngày ra sân với các cháu là nhớ hết thôi. Mọi cái lạ lẫm phải nhờ hai HLV của Hà Nội và Quận 1 nhiều lắm.

Cũng có nhiều cái lạ lắm. Mình xem sổ tay hai HLV mới biết làm nữ nhiều chuyện phức tạp ngoài chuyên môn lắm, đó là chưa kể tối kỵ nói nặng mà mình làm nam thì la hét quen rồi...".

Tuyển nữ được chúc mừng sau chiến thắng rực rỡ đầu tiên - Ảnh tư liệu

Tuyển nữ được chúc mừng sau chiến thắng rực rỡ đầu tiên - Ảnh tư liệu

Khởi điểm cho World Cup 2023 từ đội tuyển "ghép" 1997

Ngày đầu đến Kuala Lumpur, Malaysia, được ban tổ chức bố trí ở khách sạn Olympic cùng với các đội. Những Lưu Ngọc Mai, Kim Hồng, Mỹ Oanh, Hiền Lương, Minh Nguyệt, Thúy Nga... ngơ ngác trước sự tiếp đón chu đáo của phía bạn.

Ban tổ chức cử hướng dẫn đoàn là một thành viên nói rất sõi tiếng Việt đến bắt tay chào từng người và đưa về khách sạn ngay thủ phủ của AFC cách sân Merdeka chỉ vài trăm mét.

Tất nhiên phía cầu thủ, ban tổ chức chỉ bố trí có 25 suất nhưng anh hướng dẫn viên đếm đi đếm lại và ngạc nhiên với những thành viên dôi ra ngoài số lượng đăng ký theo quy định ban tổ chức.

Trưởng đoàn Nguyễn Hữu Bàng không giấu giếm, chia sẻ về hoàn cảnh của một đội tuyển lần đầu được thành lập vội vàng với những khó khăn, đặc thù riêng.

Với sự giúp đỡ của anh hướng dẫn đoàn, một nhóm cầu thủ được bố trí ở khách sạn China Town cách đấy vài trăm mét, nhưng sang hôm sau trong buổi tập đầu, đã nghe những tiếng thút thít của các cầu thủ không được ở chung với đoàn.

Trưởng đoàn Nguyễn Hữu Bàng lập tức tổ chức họp nhanh và điện thoại về báo cáo trước khi xứ lý tình huống khó: kéo hết các thành viên phải ở khách sạn ngoài về ở cùng với đoàn và sắp xếp các cầu thủ nhỏ con sẽ hy sinh cho các bạn ở cùng và sinh hoạt cùng.

Không bình đẳng được khi ra sân thì bình đẳng trong sinh hoạt và tiếng cười rộn rã trở lại với đoàn đông nhất giải và vui nhộn nhất giải.

Đội bóng đá nữ trên đường ra đấu trường quốc tế - Ảnh tư liệu

Đội bóng đá nữ trên đường ra đấu trường quốc tế - Ảnh tư liệu

Thi đấu sân Merdeka vào những ngày mưa nhưng sự hứng khởi của nhiều cầu thủ thể hiện rõ nét bởi lần đầu họ được mặc chiếc áo đội tuyển Việt Nam, lại được đá trên cái sân mà cha ông từng mang những chiến công hiển hách hồi dự Merdeka và vô địch tại đấy.

HLV Trần Anh Tuấn nói với các cầu thủ về ký ức Merdeka 1996: "Hồi đấy các bác Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Thới Vinh, Phạm Văn Rạng... từng ăn tập trên sân Tao Đàn khi còn gọi là sân Vườn ông Thượng và đá giải Merdeka trên sân này, đoạt chức vô địch.

Nay thì nhiều em cũng có những kỷ niệm ăn tập ở sân Tao Đàn và đến đây đá giải quốc tế với hy vọng lập lại thành tích của các bác, các chú ngày xưa...".

Và đúng như mong muốn được tiếp nối với cha ông, giải đấu đấy cũng là chuyến du đấu đầu tiên, đội nữ Việt Nam đã mang về chiếc cúp vàng tiền SEA Games nhận từ tay công chúa Malaysia.

Dù chỉ là giải tập huấn bốn đội gồm Việt Nam, chủ nhà Malaysia và Myanmar, Singapore nhưng với những chiến thắng đậm và thắng tuyệt đối đặc biệt trong trận chung kết thắng Myanmar 3-1 chính là những khoảnh khắc đáng nhớ để các tuyển thủ nữ trở về trong vinh quang.

Từ giải đấu đấy, từ chiếc cúp đấy, họ đã thuyết phục được những nhà lãnh đạo còn lấn cấn về môn đấu mà chị em đam mê nhưng chưa được công nhận.

Cũng năm 1997 đấy, đoàn thể thao SEA Games Việt Nam lần đầu có môn bóng đá nữ và từ đó đến nay luôn khẳng định vị thế của mình với những bước tiến vượt bậc, đứng đầu Đông Nam Á và dành vé tham dự World Cup...

Nhắc lại chuyến xuất ngoại đầu tiên nhân chuyến dự World Cup đầu tiên, không chỉ ôn cố tri tân mà còn mong mỏi chuyến xuất ngoại đến New Zealand cũng sẽ gặt hái nhiều thành công như chuyến lần đầu.

***********

Vài năm qua, tuyển bóng đá nữ Việt Nam chinh chiến quốc tế với ban huấn luyện lý tưởng. HLV trưởng là người thầy đức cao vọng trọng Mai Đức Chung, cùng trợ lý là các cựu danh thủ như Kim Chi, Kim Hồng, Minh Nguyệt và cả một HLV thể lực từ Pháp.

Kỳ tới: Người thầy đặc biệt của bóng đá nữ

Bóng đá nữ Việt Nam, 30 năm hành trình World Cup - Kỳ 1: Huỳnh Như, thủ quân thế hệ vàngBóng đá nữ Việt Nam, 30 năm hành trình World Cup - Kỳ 1: Huỳnh Như, thủ quân thế hệ vàng

Ngay khi chúng tôi hỏi thăm tài xế xem có biết nhà Huỳnh Như hay không, bầu không khí trong xe trở nên chộn rộn hẳn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên