07/03/2022 09:57 GMT+7

Bốn đứa trẻ mồ côi ở thung lũng Mang Châu

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Mẹ ung thư qua đời vào tháng 8-2021, chỉ 3 tháng sau ba cũng về với Yàng, bốn đứa trẻ bỗng chốc mồ côi trong căn nhà trống hoác. Chúng ngẩn ngơ nhìn núi rồi buồn bã nhìn nhau. Trong cái lạnh sơn cước, các em không còn hơi ấm mẹ cha.

Bốn đứa trẻ mồ côi ở thung lũng Mang Châu - Ảnh 1.

Bốn đứa trẻ co ro trong cái lạnh, phải hơ tay bên bếp lửa - Ảnh: TRẦN MAI

Thả con dốc, rồi lại leo dốc ngoằn ngoèo vào thung lũng Mang Châu được bao bọc bởi các ngọn núi, chúng tôi đến làng Sơn Bua (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi), nơi bốn đứa trẻ mồ côi đang sống. 

Thung lũng mờ sương, rét buốt chưa kịp tan, bốn đứa trẻ đang co ro trong bếp lửa, đôi mắt lo sợ khi thấy người lạ.

Không còn cha mẹ thì còn các bác các chú, không ai bỏ các con đâu.

Ông Đinh Quang Ven

Ba mẹ về với Yàng rồi

Cháu Đinh Thị Hải là chị cả, dù 17 tuổi nhưng thân hình nhỏ thó chẳng khác nào học sinh lớp 5 dưới xuôi, bước ra trước cửa lễ phép hỏi: "Dạ, chú tìm ai?". Rồi cô bé đảo mắt trông chừng 3 đứa em ngơ ngác của mình. 

Từ ngày ba mẹ qua đời, Hải bỗng lớn hơn và có trách nhiệm che chở cho em. Từ một đứa trẻ rụt rè, trọng trách đã giúp Hải trưởng thành. Lúc này ông Đinh Văn Tôn, bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua, bước đến nói một tràng tiếng Ca Dong và đôi mắt Hải cũng thôi đề phòng.

Kể về cuộc sống của mình, Hải bảo rằng "có gì ăn nấy". Ngoài giờ học, bốn chị em đứa vào rừng, đứa ra đồng hái rau bắt ốc. Chúng có ý thức về cuộc đời của mình sau biến cố xảy ra. 

Chính ông Tôn cũng cho rằng so với những đứa trẻ Ca Dong cùng trang lứa, chị em Hải lớn hơn rất nhiều. "Đứa nào cũng có ý thức, thay vì đi chơi với bạn thì đi tìm cái ăn. Mấy hôm tôi đến thăm, thấy cả bốn luộc mớ rau rừng chấm muối ăn ngon lành. Thương đứt ruột mà cũng không biết giúp gì, chỉ mua cho thùng mì, bịch gạo và mớ trứng gà", ông Tôn nói.

Bốn chị em, chẳng ai có lấy niềm vui trên khuôn mặt, đôi mắt cụp xuống đầy tâm trạng khiến người đối diện cảm nhận được nỗi đau. Em Đinh Văn Hảy (15 tuổi) nói rằng: "Ba mẹ bỏ bọn con về với Yàng rồi". 

Rồi cậu kể rằng anh Đinh Văn Phước (cha) bị đau nhiều năm, bệnh tình nặng dần qua các lần cúng tế theo phong tục của người Ca Dong. Chịu không nổi cơn đau hành hạ, anh Phước đến bệnh xá khám rồi xuôi về TP Quảng Ngãi chẩn bệnh, anh bị ung thư gan. Không có tiền, anh Phước trở về nhà bám víu vào lá rừng. 

Đến Tết năm 2021, anh không đi được nữa mà nằm liệt tại nhà. Vợ anh, chị Đinh Thị Diên, bám rẫy làm thuê chăm chồng, nuôi con. Trong một lần lột vỏ keo, cơn đau tìm đến khiến chị ngất lịm. Chị đi khám, kết quả cũng bị ung thư. Chưa đầy 1 tháng sau, chị qua đời.

Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi trong lòng những đứa trẻ thì 3 tháng sau người cha cũng qua đời. Lúc đó, bốn chị em ôm nhau khóc, chúng chẳng thể đối diện với thực tại. Người thân, người làng thay chúng làm đám tang cho cha. 

Theo phong tục của người Ca Dong, sau khi chôn cất xong, người sống sẽ không lui tới mộ thăm. Thế là mỗi lần nhớ cha mẹ, cả bốn lại ra cửa nhìn về phía rừng Kà Rần (rừng ma - khu vực chôn cất người chết theo phong tục).

Đang trò chuyện, cháu Đinh Văn Hương (10 tuổi, em út) than đói, Hải vội lấy đưa Hương cái bánh ngọt thầy cô cho hôm sau Tết. Cậu bé vừa ăn vừa ngây ngô hỏi chị bằng tiếng Ca Dong: "Sao ba mẹ không về nữa. Ba mẹ không nhớ em à". Hải đáp lại bằng đôi mắt u buồn, cùng một tràng tiếng Ca Dong. "Ba mẹ không về nữa đâu, em đừng có hỏi nữa", ông Tôn phiên dịch. 

Tập tục của người Ca Dong là khi chết không để lại bất cứ thứ gì, kể cả di ảnh, thế là mỗi khi em nói nhớ cha mẹ, Hải chỉ biết vẽ bừa lên nền đất 6 khuôn mặt không tròn và nói với em đó là gia đình mình.

Bốn đứa trẻ mồ côi ở thung lũng Mang Châu - Ảnh 3.

Ông Đinh Quang Ven, phó bí thư Huyện ủy Sơn Tây, dẫn hai con đến thăm các trẻ mồ côi và động viên các cháu cố gắng học tập - Ảnh: T.MAI

Cố bước qua u tối

Thung Lũng Mang Châu mùa này, những khóm núi bốc lên làn sương mờ, vờn qua triền đồi càng khiến cái rét thêm buốt giá. 

Cháu Đinh Thị Ly (13 tuổi) lấy chiếc chăn quấn tròn cơ thể, Hương thấy thế rúc vào, chúng nói gì đó bằng ngôn ngữ của đồng bào mình rồi rủ nhau xuyên qua những thửa ruộng bậc thang. "Hai đứa đi bắt ốc đó chú", Hải nói.

Hữu duyên thế nào, lúc này ông Đinh Quang Ven, phó bí thư Huyện ủy Sơn Tây, cùng hai người con và thầy cô giáo Trường THPT bán trú Đinh Tiên Hoàng đến thăm nhà. Thế là Ly và Hương quay trở về. Khuôn mặt cả hai vui thấy rõ khi nhận được rất nhiều quà, thực phẩm. 

Ông Ven bảo hai con mình lì xì cho bạn, rồi ông Ven nói với con mình nhìn bạn khổ cực vậy mà còn cố gắng, bản thân các con cũng phải cố gắng hơn. Rồi ông lại tâm tình với bốn chị em rằng: "Con chú cũng là người Ca Dong mình, nay học đại học năm hai rồi. Các cháu cũng phải cố gắng lên, chỉ có học mới thoát cảnh này được".

Ông Ven hứa với bọn trẻ sẽ cùng với người thân, thầy cô và chính quyền các cấp chăm lo ăn uống, sách vở học tập... cho các cháu. Bằng chứng là sau khi ba mẹ qua đời, địa phương đã xây dựng căn nhà đại đoàn kết thay thế căn nhà dột nát trước kia. 

Ông mong cả bốn tiếp tục đến trường, thoát khỏi núi rừng đang vây lấy cuộc đời các em. "Không còn cha mẹ thì còn các bác các chú, không ai bỏ các con đâu", ông Ven nói. Những lời tâm tình ấy ít nhiều khiến chị em Hải cảm thấy vui.

Thầy Phạm Văn Thông, phó hiệu trưởng Trường THPT bán trú Đinh Tiên Hoàng, nói với ông Ven rằng dù gia đình gặp biến cố và nghèo nhất xã nhưng Hải luôn chăm học, học kỳ 1 vừa rồi đạt học sinh tiên tiến. 

Thầy Thông cũng đã tìm hiểu từ trường cấp I và cấp II, Hải đều ngoan ngoãn học giỏi. Không chỉ Hải, các em Hảy, Ly, Hương cũng được đánh giá có học lực tốt và chăm chỉ. "Bọn trẻ đều có tương lai cả, chỉ cần quan tâm chăm lo cho chúng thật tốt. Cũng mong là có thêm sự giúp đỡ dành cho các cháu bởi bước đường sau này còn dài lắm", thầy Thông nói.

Sơn Tây là huyện nghèo nhất nước, xóa đói giảm nghèo và phổ cập tiểu học vẫn là mục tiêu trong những năm đến. Ở cái huyện có cái tên thơ mộng "Xứ ngàn cau" này, tình trạng rơi rụng học trò qua mỗi cấp học vẫn là vấn đề nóng. 

Mỗi mùa tựu trường, thầy cô phải vượt đèo, lội suối vào làng vận động. Thế nên, việc cả bốn chị em mồ côi vẫn yêu trường lớp, tự giác đi học và học bài mà không cần ai nhắc nhở cũng là "điểm cộng" trong niềm hy vọng của thầy cô.

Hải và Hảy đã ý thức được đầy đủ mình mồ côi, nhận được niềm động viên của người lớn như tiếp thêm sức mạnh. Hảy bảo rằng các thầy cô ở trường thương yêu và quan tâm mình rất nhiều. "Cháu muốn học nghề nông lâm để trồng cam, bưởi như các cô chú ở làng thanh niên lập nghiệp", Hảy chia sẻ. 

Còn Hải yêu thích môn học tiếng Anh nhất, ước mơ của cô bé sẽ trở thành giáo viên tiếng Anh để giảng dạy tại chính mảnh đất nghèo khó này. 

Dĩ nhiên, với những đứa trẻ chưa từng một lần xuống TP Quảng Ngãi, nơi xa nhất từng đặt chân đến chỉ là trung tâm huyện cách làng tầm 16km, thì ước mơ của chúng được hun đúc rất đơn giản từ những "thần tượng" ở quanh mình. Nhưng để đạt được ước mơ, các em phải nỗ lực thật nhiều.

Bốn đứa trẻ chơ vơ dưới thung lũng Mang Châu vẫn chưa thoát khỏi nỗi đau mồ côi. Chúng vẫn nhìn về phía rừng Kà Rần, vẫn vẽ nguệch ngoạc 6 khuôn mặt trên nền đất để hình dung về một gia đình mỗi khi nhớ cha mẹ. Nhưng với nỗ lực trong học tập, tất cả đều tin vào tương lai.

Hải đại diện các em cảm ơn những phần quà của mọi người mang đến, cô bé hứa sẽ chăm sóc các em và tiếp tục đến trường. "Con không biết nói gì cả, con chỉ biết cảm ơn và hứa sẽ cố gắng nhiều hơn", Hải nói.

'Bờ vai' của trẻ mồ côi

TTO - Trong gian sảnh ở ngay trụ sở Công ty thương mại Quảng Trị (TP Đông Hà, Quảng Trị) có một tấm bảng lớn gắn 57 bức ảnh của 57 đứa trẻ kèm thông tin hoàn cảnh mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên