Khi mất mát một người thân, tất cả tình cảm, sự gần gũi của các em sẽ đổ dồn vào người thân còn lại. Dù có nặng nhọc, đuối sức hay thiếu thốn, bờ vai ở lại vẫn gói ghém, chắp nhặt, cùng bọn trẻ đón một mùa Tết đặc biệt trong đời, mùa "Tết mồ côi" đầu tiên...

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Bờ vai còn lại gắng vun đầy - Ảnh 1.

Ngôi nhà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở phường phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức (TP.HCM) là nơi cư ngụ của cháu Nguyễn Thị Tuyết Nhi (sinh năm 2015) cùng mẹ, 2 đứa em gái nhỏ và bà ngoại đã 65 tuổi. Nhà cũ, chật hẹp, phần lớn không gian nhà và trước cửa đã dành cho những món đồ cũ được tân trang để bán lại.

Đến thăm Nhi vào một chiều cuối năm, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Kim Thắm (mẹ của Nhi) tay chân lấm lem các màu sơn, đang tranh thủ tô vẽ cho những chiếc tủ sắt cũ một màu áo mới trước khi bán đi. Người phụ nữ dáng gầy gò, hiện giờ đã thay chồng, gánh vác gia đình nhỏ, gánh luôn cái nghề "tân trang đồ cũ" của chồng.

Khiêng bộ ghế gỗ cũ ra xe, bán lại cho bác chạy xe ôm đầu đường với giá chỉ lời được vài chục nghìn đồng, chị Thắm tươi cười bảo không chỉ bán vì tiền mà còn bán vì tình làng nghĩa xóm.

"Một năm qua ai cũng khó khăn, chú chạy xe ôm truyền thống hầu như không có thu nhập, chắt góp lắm mới dám đặt mua bộ ghế đón tết, nên mình bán rẻ, lời ít một chút nhưng để xóm giềng vui tết trọn vẹn hơn", chị Thắm chia sẻ.

Nói xong, chị vào thay quần áo cho tụi trẻ, cầm bó hoa ly và trái cây mua sẵn từ sáng, chở những thiên thần nhỏ sang nhà nội dọn bàn thờ, thắp hương cho cha. Chị Thắm cho biết vì ở chung nhà với ngoại, nhà có thờ một đứa cháu nên không thể đặt bàn thờ cha tụi nhỏ tại đây. Mặt khác, chị sợ bản thân không cầm lòng sẽ khóc và yếu đuối khi thấy di ảnh chồng.

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Bờ vai còn lại gắng vun đầy - Ảnh 2.

Cha mất vì COVID-19 vào giữa tháng 7, lúc đó mẹ cũng nhiễm bệnh phải đi cách ly, Tuyết Nhi và các em vẫn còn quá nhỏ để nhận thức được mất mát mà gia đình mình trải qua, các em chỉ biết "cha chết rồi, cha đi xa không về nữa".

Sau khi phụ mẹ bày biện trái cây ra dĩa, Tuyết Nhi cùng các em thắp hương cho cha. Nhi đứng chắp tay, miệng lí nhí gì đó một hồi lâu. Nghe hỏi đã nói gì với cha, Nhi hồn nhiên trả lời: "Cha hứa chở con đi xem pháo hoa mà cha chết mất tiêu". "Thế con có giận cha không?" - chúng tôi hỏi. "Cha chết rồi, con không giận gì cha nữa, giờ tụi con còn mẹ, mẹ sẽ thay cha chở tụi con đi", Nhi nói xong hí hửng chạy lại chỗ mẹ nhận bao lì xì.

Tích góp số tiền bán đồ mấy hôm nay, chị Thắm ghé lại một cửa hàng quần áo, chọn mua đồ tết cho 3 cô công chúa. Các em vui mừng vỗ tay, cầm nắm các món đồ trang trí tết. Ngoài trời mưa bắt đầu nhỏ hạt, chị Thắm đùa rằng, chắc cha của tụi nhỏ đang khóc, "mùa tết này không có anh, nhưng em vẫn cố gắng để các con được đủ đầy" - chị Thắm tâm tình.

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Bờ vai còn lại gắng vun đầy - Ảnh 3.

"Con chào cô, cô đậu xe ở phía này nè", chúng tôi vừa đến trước cửa nhà, một cô bé lanh lợi, khuôn mặt to tròn trong bộ đồ học sinh bước ra chào hỏi. Đó là cháu Trần Thảo Vy (sinh năm 2015) sống cùng cha trong căn trọ nhỏ tại phường Linh Đông, TP Thủ Đức.

Mẹ Vy mất do COVID-19 gần 6 tháng qua, anh Trần Thanh Mẫn phải nghỉ việc thời gian dài, "gà trống nuôi con". Anh cho biết do Vy còn quá nhỏ, học online cần có người kèm nên hầu như từ ngày vợ mất anh chỉ ở nhà, lo việc ăn uống, học hành cho con.

"Cháu còn bà ngoại và các cô chú nhưng nhất quyết ở với mình dù có chịu khổ, nên phải thay vợ gắng sức lo cho con. Rất may khi con hiểu chuyện và trưởng thành hơn so với bạn bè cùng tuổi, nên thay vì mình là chỗ dựa cho con thì đôi lúc con gái cũng chính là động lực sống và niềm vui cho mình", anh Mẫn chia sẻ.


Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Bờ vai còn lại gắng vun đầy - Ảnh 4.

Diện tích phòng khá nhỏ, nhưng đồ đạc được sắp xếp rất gọn gàng, bàn thờ người vợ được đặt trên cao cùng mâm trái cây tươi mới. Hai cha con đã cùng nhau dọn dẹp những ngày qua, chuẩn bị cho mùa tết sắp tới dù thiếu mất một thành viên.

Sáng sớm anh Mẫn thay đồ, buộc tóc cho con, chở đến ủy ban phường nhận quà tết. Về đến nhà cháu lại chạy ùa ra chơi cùng các bạn hàng xóm. Khi được hỏi sao lại không ở với ngoại mà chọn ở cùng cha, Vy ngây ngô trả lời "ở với cha vui hơn, cha nói chuyện với con, cha hay chọc lét cho con cười".

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Bờ vai còn lại gắng vun đầy - Ảnh 5.

Anh Mẫn cho biết mọi năm Tết đến thường chở 2 mẹ con về quê nội ở Hậu Giang, song năm nay không còn vợ, bé nhỏ quá không thể tự ngồi sau xe quãng đường xa nên 2 cha con quyết định đón tết ở TP. "Với người lớn như mình không còn háo hức gì ở ngày Tết nữa, nhưng cũng ráng vui vẻ lên để con có chỗ dựa tinh thần.

Năm nay không sắm đồ Tết vì mẹ cháu đã may sẵn 5 - 6 bộ trước khi mất, cháu nó cất kỹ ở trong tủ, nói Tết sẽ lấy mặc cho mẹ xem", anh Mẫn nói. Vy chạy lại câu cổ, ôm chầm lấy cha và thì thầm gì đó vào tai khi chúng tôi ngồi trò chuyện cùng anh Mẫn. Có lẽ với Vy, từ bây giờ cha là cả cuộc đời và tuổi thơ còn lại.

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Bờ vai còn lại gắng vun đầy - Ảnh 6.

Cách đó không xa, căn nhà cô bé Nguyễn Hoàng Nhi (sinh năm 2004) nằm ở chân cầu Bình Phước 2, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức luôn ồn ào, inh ỏi bởi tiếng xe tải, xe container chạy liên hồi. Dù chưa biết chúng tôi là ai, Hoàng Nhi vẫn niềm nở tiếp đón, trên tay là hai ly nước mời chúng tôi vào nhà. Đang học lớp 12, Hoàng Nhi đang ở giai đoạn khó khăn về những lựa chọn tương lai sắp tới, vậy mà COVID-19 lại cướp đi người cha - trụ cột của cả nhà - khiến tâm lý em bị ảnh hưởng không ít.

Chị Dương Ngọc Bích - mẹ của Hoàng Nhi - kể sau khi thất nghiệp vì dịch bệnh trong thời gian dài thì nay chị đang là công nhân cho một công ty gần nhà, với thời gian làm từ 7h30 sáng đến hơn 10h khuya mỗi ngày. "Tụi nhỏ đã mất cha, thiếu mất một phần tình thương, nên giờ mình còn làm được thì vẫn ráng làm, lo cho các con có tết no đủ như bạn bè", chị Bích xúc động chia sẻ.

Phần lớn thời gian đều ở công ty, nên mọi việc nhà từ dọn dẹp, chùi rửa vật dụng đón tết đến cúng cơm cho cha đều do một tay hai chị em Hoàng Nhi, Hoàng Vũ đảm đương. Sau khi dọn đồ cúng trên bàn thờ xuống, Nhi thắp nén hương cho cha rồi cùng em trai lau cửa kính trước nhà.

"Năm nào những ngày gần Tết cha cũng tháo khung sắt lau chùi rất kỹ mấy cánh cửa, tụi em chỉ phụ được chút rồi đứng giỡn với nhau thôi. Năm nay không có cha, không ai tháo được khung sắt, nhưng tụi em sẽ thay cha lau thật sạch, thật sáng để đón tết", Nhi tâm tình.

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Bờ vai còn lại gắng vun đầy - Ảnh 7.

Kể về những dự định sau khi thi tốt nghiệp cuối cấp, Nhi muốn học ngành kế toán theo mong mỏi của cha và cũng là ngành Nhi thích. "Ngày trước khi nhà không có tiền, em từng có ý định nghỉ học đi làm phụ cha mẹ, nhưng cha luôn bên cạnh động viên em không nên bỏ cuộc, giờ em phải cố gắng học tốt để cha có ở nơi đâu cũng thấy vui lòng", Nhi nói với đôi mắt ngấn lệ, quay nhìn ảnh cha.

Mồ côi cha trong thời điểm đủ nhận thức về sự mất mát, nhưng Hoàng Nhi vẫn kiên cường, điềm tĩnh, thay cha đỡ đần mẹ và em gái. Nhi đem hộp bánh mứt nhà đã chuẩn bị để đón Tết cho chúng tôi xem, tặng chúng tôi 2 thanh socola đỏ. Hộp mứt năm nay chắc chắn không "tròn vị" như trước, nhưng vẫn có nụ cười an nhiên, bởi với 2 em "cha luôn ở đâu đó, trong cuộc đời chúng em" - Nhi nhỏ giọng…

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Bờ vai còn lại gắng vun đầy - Ảnh 8.
Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Bờ vai còn lại gắng vun đầy - Ảnh 9.

DIỆU QUÍ - CẨM NƯƠNG
NGỌC PHƯỢNG
NGỌC THÀNH
KIM NHUNG
31/1/2022
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0