13/02/2022 09:07 GMT+7

'Bờ vai' của trẻ mồ côi

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Trong gian sảnh ở ngay trụ sở Công ty thương mại Quảng Trị (TP Đông Hà, Quảng Trị) có một tấm bảng lớn gắn 57 bức ảnh của 57 đứa trẻ kèm thông tin hoàn cảnh mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai.

Bờ vai của trẻ mồ côi - Ảnh 1.

Tấm bảng in hình ảnh và thông tin của 57 trẻ mồ côi được quỹ “Cho con” nhận nuôi 2 năm qua - Ảnh: Q.NAM

Nhưng trong mỗi bức ảnh lại luôn có những người lớn đứng kèm kề bên.

Đó là những người đang làm việc tại Công ty thương mại Quảng Trị. Hai năm qua, những người này đã làm cha mẹ, làm anh chị cho những đứa trẻ mồ côi này bước qua những ngày tháng chông chênh nhất.

Tìm trẻ mồ côi

Mai Hoàng Minh Khoa (4 tuổi, trú phường 2, TP Đông Hà) là một trong những người được xếp ở hàng đầu tiên trên tấm bảng này. Trong hình, Khoa đen nhẻm, gầy rộc và ánh mắt buồn rười rượi vì đã mất cha từ quá sớm. Khoa mồ côi cha từ đầu năm 2019, khi mới 5 tháng tuổi.

Câu chuyện về cái chết của cha Khoa đã gây chấn động dư luận TP Đông Hà vào thời điểm đó. Trên đường đi làm về ngang ngã tư, cha Khoa phát hiện một thanh niên trẻ đi xe máy điện vượt đèn vàng nên đã lên tiếng nhắc nhở. Thanh niên này không nhận lỗi mà còn cự cãi, sau đó đã rút dao mang theo trong người ra tấn công. Khoa mất cha...

"Cha của Khoa đã chết vì làm một việc giúp xã hội trở nên tốt đẹp, nên chúng tôi tự thấy có trách nhiệm phải giúp lại Khoa" - ông Hồ Xuân Hiếu, giám đốc Công ty thương mại Quảng Trị, kể lại chuyện không chỉ ông mà nhiều người trong công ty từng đau đáu. 

Đến đầu năm 2020, ông Hiếu bắt đầu một hành trình yêu thương của riêng công ty mình bằng cách lập ra một quỹ riêng để hỗ trợ những đứa trẻ mồ côi và đặt tên là quỹ "Cho con".

Ông bắt đầu "lắng nghe" những tiếng bi thương từ những mảnh đời chơi vơi khắp Quảng Trị để tìm đến nhận nuôi, và Khoa là trẻ đầu tiên. Sau khi cha Khoa qua đời, mẹ Khoa - với đồng lương còm cõi từ công việc giáo viên mầm non tư thục - cũng vô cùng chật vật nuôi con. 

Khoa trở thành con nuôi của công ty khi một tuổi rưỡi được hỗ trợ đều đặn mỗi tháng 500.000 đồng cho đến khi tròn 18 tuổi. Dòng cuối cùng trên tấm ảnh của Khoa ở tấm bảng đặt ở sảnh công ty cũng ghi rõ thời hạn sẽ tạm kết thúc hành trình yêu thương này là vào tháng 11-2036.

Ở góc dưới cùng của tấm bảng in hình ảnh của 57 đứa con nuôi có một ô trống. Trên ô này là dòng chữ "Hành trình vẫn tiếp tục". Ông Hiếu nói cánh cửa của quỹ này vẫn mở ra để đón thêm những trẻ mồ côi khác.

Bờ vai của trẻ mồ côi - Ảnh 2.

Ông Hồ Xuân Hiếu - người sáng lập quỹ “Cho con” - vẫn thường đến tận nhà nắm tình hình của những đứa con nuôi mà quỹ này đang nhận nuôi đến năm 18 tuổi - Ảnh: Q.NAM

Giúp trẻ mồ côi đứng vững giữa đời

Ông Hiếu nói rằng ai sinh ra cũng đều có cha có mẹ, vì lý do gì đó mà các đấng sinh thành không còn thì là tận cùng của khổ đau. Ông hiểu nhu cầu tối thiểu của một con người là tồn tại, nhất là những đứa trẻ, trong khi với những đứa trẻ không cha mẹ thì ngay cả nhu cầu này cũng rất khó để được đáp ứng. 

Đó là lý do ông quyết định mức hỗ trợ tối thiểu mỗi tháng 500.000 đồng/tháng cho mỗi trẻ được nhận nuôi. Tấm bảng lớn in hình những đứa trẻ mồ côi đặt giữa sảnh công ty cũng là cách để ông nhắc nhở chính mình và các nhân viên về trách nhiệm phải cố gắng để lo lắng cho các em mỗi ngày.

"Chúng tôi không đặt nặng điều kiện phải học giỏi mới được xét nhận nuôi. Vì trẻ mồ côi đã thiệt thòi rồi, phải sống trước đã rồi mới nói chuyện học. Nếu học giỏi nữa thì sẽ được khuyến khích bằng các phần thưởng riêng", ông Hiếu chia sẻ.

Để giúp những đứa trẻ mồ côi vượt qua giai đoạn chông chênh khi mất cha mẹ, quỹ này còn cử người dìu dắt từng em. Nếu không có người cùng công ty ở gần thì công ty sẽ phối hợp cùng đoàn thanh niên các địa phương ở gần.

Trần Quốc Bảo, học sinh lớp 9, trú thôn Mộc Đức, xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ), là người có hoàn cảnh đặc biệt nhất trong số những trẻ đang được nhận nuôi. 6 năm trước, khi Bảo đang học lớp 3, một biến cố lớn đã ập đến gia đình này. 

Cha và mẹ Bảo qua đời cùng một ngày vì mâu thuẫn của người lớn, để lại Bảo cùng một đứa em trai. Hai anh em Bảo sau đó "ở ké" tại nhà chú và bác ruột, nhưng cuộc sống khó khăn của những gia đình này khiến tương lai của những đứa trẻ trở nên mờ mịt.

Bảo được một cựu giáo viên giới thiệu và được quỹ "Cho con" nhận nuôi từ đầu năm 2021. Ngoài việc hỗ trợ mức tiền giúp Bảo đủ trang trải chi phí ăn học tối thiểu hằng tháng, công ty này còn cử một đoàn viên trẻ là nhân viên công ty kề cận dìu dắt. Người được giao trách nhiệm này là anh Hoàng Kim Trọng.

Anh Trọng được chọn vì ở gần nhà Bảo. Biết Bảo rơi vào hoàn cảnh éo le về tinh thần khi cha mẹ cùng mất, anh Trọng đã lui tới thường xuyên và dần dà như trở nên người anh trai của Bảo. "Bảo mang tâm hồn dễ tổn thương vì những biến cố của gia đình. Mình ở gần, hiểu hoàn cảnh của Bảo nên cũng cố gắng chia sẻ cho em khuây khỏa", anh Trọng kể.

Điều đáng vui nhất mà ngay cả ông Hiếu cũng không ngờ được: sau khoảng một năm từ khi bắt đầu hành trình thì quỹ "Cho con" đã không còn là quỹ của riêng công ty ông nữa mà đã trở thành quỹ chung của cả cộng đồng. 

Từ thông tin được quỹ đưa lên mạng xã hội, nhiều người ở cả TP.HCM, Hà Nội biết tin cũng xin góp tiền cùng nuôi trẻ mồ côi. "Càng nhiều người chung tay thì sẽ có thêm nhiều đứa trẻ mồ côi được hỗ trợ, thêm nhiều mảnh đời bớt chông chênh", ông Hiếu nói.

Xem "Cho con" như con

Về cái tên quỹ được đặt là "Cho con", ông Hiếu nói đơn giản là công ty coi các cháu như con của mình.

Thậm chí những đứa trẻ mồ côi khi được nhận nuôi nếu đi học mà đạt được thành tích khá giỏi mỗi năm thì cũng sẽ được hưởng các chính sách thưởng như con của cán bộ công nhân viên trong công ty.

Trước khi thành lập quỹ "Cho con" để hỗ trợ nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, Công ty thương mại Quảng Trị còn thành lập ngân hàng máu sống của riêng công ty.

Toàn bộ gần 500 cán bộ, công nhân viên của công ty đã đi xét nghiệm để xác định nhóm máu. Số điện thoại của từng người đã được đăng ký trực tiếp cho các bệnh viện để sẵn sàng lên đường cứu người ngay khi cần.

Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Bờ vai còn lại gắng vun đầy Tết của những học trò mồ côi vì đại dịch: Bờ vai còn lại gắng vun đầy

TTO - Nuốt nước mắt vào trong, Hoàng Nhi kiên cường, điềm tĩnh, thay cha đỡ đần mẹ và em. Còn chị Bích tự nhủ: ‘Tụi nhỏ đã mất cha, thiếu mất một phần tình thương, nên mình làm được gì thì ráng làm, lo cho các con có Tết no đủ như chúng bạn’.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên