15/04/2020 18:04 GMT+7

Bộ Y tế ủng hộ TP.HCM thực hiện ‘quy trình kép' loại trừ COVID-19

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Từ các trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố âm tính, sau đó dương tính hoặc dương tính sau 14 ngày cách ly, TP.HCM chủ động thực hiện một “quy trình kép” để sàng lọc triệt để nguồn bệnh.

Bộ Y tế ủng hộ TP.HCM thực hiện ‘quy trình kép loại trừ COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm đối với bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 - Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cung cấp

Theo giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, bệnh nhân ngoài việc cách ly tại nhà 14 ngày sau khi xuất viện hoặc cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế, các trường hợp do TP.HCM quản lý còn được làm xét nghiệm ngày thứ 5 và ngày thứ 14 trước khi "giải phóng" nhằm loại trừ các trường hợp vẫn có thể dương tính trở lại.

Và việc làm này đã được TP.HCM áp dụng thực hiện trong thời gian qua.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn một con số nghiên cứu ở Hồ Bắc (Trung Quốc) là có khoảng 14% số người bệnh dương tính trở lại, qua đó đánh giá "quy trình kép" phòng ngừa sự phát tán COVID-19 mà TP.HCM đang triển khai là rất tốt cho việc cách ly cộng đồng.

"Tôi hoàn toàn hoan nghênh việc làm này. Tuy vậy, cần tính đến việc nếu xét nghiệm thêm cho tất cả các bệnh nhân là vấn đề không dễ, bởi chỉ có thể thực hiện được với các cơ sở có tiềm năng như TP.HCM. Còn việc khuyến cáo thực hiện chung cho cả nước ở thời điểm này tôi thấy chưa cần thiết", Thứ trưởng Sơn nói.

Ủng hộ việc TP.HCM thận trọng trong việc thiết lập "quy trình kép" phòng ngừa sự phát tán COVID-19, ông Sơn nói hiện nay vấn đề quan trọng đối với tất cả các xét nghiệm để sàng lọc, xác định ca nhiễm COVID-19 đều phải sử dụng xét nghiệm bằng hệ thống máy RT-PCR (xét nghiệm tìm kháng nguyên).

Riêng xét nghiệm sàng lọc sử dụng test kháng thể chưa được khuyến cáo và có thể sau này sẽ được nghiên cứu sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân đã khỏi bệnh, hoặc các nhân viên y tế - vốn đã có kháng thể và gần như có yếu tố bảo vệ đối với con virus này.

"Xu hướng tương lai Bộ Y tế sẽ khuyến cáo vấn đề sử dụng các test kháng thể để xác định đáp ứng đối với cả người bệnh đã bị nhiễm COVID-19. Nếu có được kháng thể này thì có thể hoàn toàn yên tâm người bệnh có thể ra cộng đồng mà không lây nhiễm", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phân tích.

Âm tính rồi dương tính: Nhiều nguyên nhân

Phân tích việc gần đây có hiện tượng âm tính giả, dương tính giả hay trường hợp điển hình là bệnh nhân 22 (quốc tịch Anh) có kết quả dương tính sau khi 3 lần xét nghiệm âm tính, một chuyên gia truyền nhiễm ở TP.HCM (từng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19) khẳng định trên thực tế bất cứ một xét nghiệm nào cũng có tỉ lệ âm tính giả, dương tính giả

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến các trường hợp nêu trên, theo chuyên gia này, có thể đến từ kỹ thuật phết mũi họng chưa phù hợp; khâu bảo quản, vận chuyển, lưu mẫu không đúng kỹ thuật (có thể quá lâu); thực hiện phết họng ngay sau thời điểm người bệnh vừa sử dụng dung dịch sát khuẩn vùng hầu họng khiến tải lượng virus rất thấp.

Ngoài ra, có thể bệnh nhân có các ổ virus nằm sâu trong phổi bị tổn thương, nhưng khi lấy mẫu chỉ được phết dung dịch vùng hầu họng và sự khác biệt (không thống nhất) trong thực hiện kỹ thuật xét nghiệm ở các nơi…

Vì sao xét nghiệm ca nhiễm corona lúc dương tính, lúc âm tính? Vì sao xét nghiệm ca nhiễm corona lúc dương tính, lúc âm tính?

TTO - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết các phương pháp xét nghiệm chỉ đảm bảo chính xác 95%. Kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào thời điểm lấy bệnh phẩm, phương pháp và kỹ thuật lấy mẫu.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên