03/03/2019 08:55 GMT+7

Bộ Y tế phản bác hai công văn 'không phù hợp' của BHXH Việt Nam

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Hai công văn số 4996 và 5219 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành triển khai nghị định 146 của Chính phủ vừa bị Bộ Y tế phản bác là “không phù hợp”.

Bộ Y tế phản bác hai công văn không phù hợp của BHXH Việt Nam - Ảnh 1.

Người dân khám bệnh tại cơ sở y tế bằng thẻ BHYT - Ảnh: T.L.

Công văn của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký đề nghị BHXH VN rà soát hai công văn 4996 và 5219 vì có nhiều nội dung "không phù hợp" các quy định hiện hành, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Cụ thể hướng dẫn của BHXH VN chỉ ghi trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến là "tự đi khám, chữa bệnh không phải là nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT".

Cho rằng hướng dẫn này không đầy đủ, Bộ Y tế chỉ ra còn thiếu các trường hợp như cấp cứu, đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn hoặc tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh… theo quy định tại khoản 3 điều 14, 15 của Nghị định 146.

Về việc đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh ghi đầy đủ lý do điều kiện chuyển tuyến, Bộ Y tế cho rằng "không cần thiết" và không đúng theo nội dung của giấy chuyển tuyến. 

Ngoài ra việc yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu trên cổng tiếp nhận của hệ thống thông tin giám định điện tử để xác định người bệnh đã được hưởng BHYT đúng tuyến hay trái tuyến là "không phù hợp với thực tiễn, làm phát sinh thủ tục hành chính gây khó khăn cho cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh".

Bộ Y tế cho rằng việc BHXH VN chỉ chấp nhận trường hợp hẹn khám lại là "trước đó đã được chuyển đúng tuyến" và ngoài trường hợp nêu trên người bệnh chỉ được hưởng mức thanh toán từ 40 - 70% tùy tuyến huyện, tỉnh, trung ương là không phù hợp.

Lý do được đưa ra là nội dung hướng dẫn của BHXH VN gồm cả điều khoản đã hết hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời hướng dẫn này hạn chế quyền lợi của người bệnh đối với các trường hợp được quy định tại khoản 4 điều 22 Luật BHYT và khoản 3 điều 14 Nghị định 146.

Đối với hướng dẫn "quỹ BHYT không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh mà người bệnh yêu cầu cơ sở thực hiện" - Bộ Y tế đưa ra 3 cơ sở pháp lý gồm điều 23, khoản 1 điều 22 và khoản 1 điều 20 Nghị định 85 của Chính phủ để khẳng định là không thuộc thẩm quyền của cơ quan tổ chức thực hiện và không đúng với Luật BHYT, các văn bản liên quan.

Cuối cùng, Bộ Y tế cho rằng hướng dẫn của BHXH VN dừng thanh toán chi phí trong trường hợp chuyển người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm để thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để chờ Bộ Y tế hướng dẫn là không phù hợp. Lý do các trường hợp nêu trên đều đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể trong các văn bản hiện hành.

Khẳng định để tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT, đồng thời hạn chế đầu tư tư trang thiết bị không cần thiết - Bộ Y tế đề nghị BHXH VN kiểm tra rà soát lại hai công văn số 4996 và 5219 hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành. 

Mục đích đảm bảo đúng quy định của Luật BHYT, Luật khám chữa bệnh và các nghị định, thông tư hiện hành.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên