Thứ 6, ngày 19 tháng 8 năm 2022
Bộ Y tế nói gì về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế?
TTO - Bộ Y tế cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra; vì vậy một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm.

Dược sĩ sắp xếp cấp phát thuốc cho người bệnh tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày 17-6, Bộ Y tế đã có văn bản thông tin về thực trạng công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế hiện nay.
5 nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế
Theo Bộ Y tế, hiện đang có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra; do vậy một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
Bên cạnh đó, mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt là trong các năm 2020-2021 khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch.
Vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Thêm vào đó, việc thực hiện nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ quy định về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về tài chính, chưa thống nhất dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ.
Ngoài ra còn do tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra.
Cạnh đó, khó khăn còn nằm ở việc đàm phán giá một số loại thuốc mua sắm tập trung quốc gia, chậm có kết quả đấu thầu tập trung. Việc này khiến các cơ sở phải thực hiện tự mua sắm, tuy nhiên do không chủ động được thời gian và số lượng mua sắm nên dẫn đến chậm trễ.
"Lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu thiếu thuốc"
Bộ Y tế cam kết chủ động đôn đốc các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Bộ Y tế giao các đơn vị lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh.
Việc xây dựng và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại các đơn vị phải đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, có tính kế thừa và dự phòng hợp lý để tránh tình trạng bị động giữa các kỳ kế hoạch làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.
Các đơn vị xác định nhu cầu, dự báo chi tiết, hợp lý về danh mục, chủng loại, số lượng các loại trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao dự kiến cần mua trong năm kế hoạch.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế để cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Bộ Y tế nhấn mạnh lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
-
TTO - Sáng 19-8, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết ông Mai Nhữ Thắng - tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thanh Hóa - vừa bất ngờ có đơn xin chuyển công tác đến Ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa.
-
TTO - Đằng sau gương mặt dịu dàng là bản lĩnh kiên cường được tôi luyện nhiều năm, trung tá Lương Thị Trà Vinh đã sẵn sàng là nữ sĩ quan công an Việt Nam đầu tiên lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế.
-
TTO - Video quay nữ thủ tướng trẻ nhất Phần Lan Sanna Marin "quẩy" hết mình trong 1 buổi tiệc gây ra nhiều tranh cãi. Các ý kiến chỉ trích nữ chính trị gia cho rằng hành động này không phù hợp, trong khi những người ủng hộ nói bà có quyền tiệc tùng.
-
TTO - Ngày 19-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đơn vị này đang phối hợp lực lượng Biên phòng An Giang để điều tra, lấy thông tin nhóm 40 người tháo chạy khỏi casino Campuchia bằng cách vượt sông Bình Di.
-
TTO - Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu chủ tịch Công ty AIC - tiếp tục bị khởi tố để điều tra những nghi vấn móc ngoặc với một số cán bộ ngành y tế của tỉnh Quảng Ninh để 'thổi giá' thiết bị y tế.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận