08/02/2019 09:55 GMT+7

Bộ Ngoại giao Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ cho thấy khả năng hướng đến hòa bình và thịnh vượng

TÚ ANH
TÚ ANH

TTO - Bộ Ngoại giao Mỹ vừa họp báo giải thích lý do chọn Việt Nam làm địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước là một trong những lý do chính.

Bộ Ngoại giao Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ cho thấy khả năng hướng đến hòa bình và thịnh vượng - Ảnh 1.

Trẻ em Triều Tiên vui chơi dịp tết Nguyên đán ở thủ đô Bình Nhưỡng ngày 6-2 - Ảnh: REUTERS

Tại cuộc họp báo ngày 7-2 ở Washington, theo hãng tin Reuters, ông Robert Palladino - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết sự lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức thượng đỉnh lần thứ hai cho thấy khả năng các bên có thể vượt qua xung đột và chia rẽ để hướng đến mối quan hệ đối tác thịnh vượng.

Ông Palladino dẫn chứng rằng lịch sử quan hệ Mỹ - Việt đã "phản ánh khả năng đạt đến hòa bình và thịnh vượng".

"Chúng tôi đã chuyển từ xung đột và chia rẽ trong quá khứ thành mối quan hệ hợp tác thịnh vượng mà chúng tôi đang tận hưởng đến ngày hôm nay", ông Palladino nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận ông Stephen Biegun - Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên đang ở thủ đô Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần hai sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28- 2 tại Việt Nam.

Các thương thảo tại thủ đô của Triều Tiên cũng nhằm đánh giá những tiến bộ sau cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore vào tháng 6-2018.

Những vấn đề được xem xét bao gồm tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên, sự chuyển hóa trong mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên và xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Ông Palladino cũng nhắc lại rằng việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt mà Triều Tiên đang mong muốn sẽ chỉ có được sau các bước thực thi phi hạt nhân hóa.

Vị đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ không đưa ra chi tiết thêm về các cuộc đàm phán của Đặc phái viên Biegun tại Bình Nhưỡng và cũng cho biết ông Biegun sẽ ở đó bao lâu.

Trong khi đó truyền thông Hàn Quốc cũng xác nhận chưa có thông báo chính thức về nội dung chi tiết và tình hình đàm phán giữa Đặc phái viên Biegun với Đặc phái viên phụ trách quan hệ với Mỹ thuộc Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, ông Kim Hyok Chol.

Có nhận định cho rằng cuộc đàm phán có thể kéo dài vài ngày nữa. Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cho biết ở thời điểm hiện tại khó đoán định thời điểm kết thúc cuộc đàm phán này.

Tuy nhiên, theo quan chức này, ông Biegun hứa sẽ thông báo vắn tắt cho Chính phủ Hàn Quốc về kết quả đàm phán. Nhiều khả năng ông Biegun sẽ gặp lại Trưởng đoàn Hàn Quốc tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên Lee Do Hoon vào ngày hôm nay 8-2 hoặc cuối tuần này.

Washington và Bình Nhưỡng được cho là đang đưa ra các yêu cầu của mỗi bên, nỗ lực để đạt một "thỏa thuận lớn" tại cuộc gặp sắp tới.

Giới phân tích nhận định phía Triều Tiên có thể sẽ đưa ra đề xuất phá dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyun ở tỉnh Bắc Pyongan, cho phép cộng đồng quốc tế tới thanh sát, giải trừ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Trong khi đó, Mỹ có khả năng sẽ đề xuất các bước đi như mở cửa văn phòng liên lạc giữa hai bên, nối lại viện trợ nhân đạo hay tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).

Đại sứ Mỹ đọc thơ Nguyễn Trãi chúc Tết người Việt Đại sứ Mỹ đọc thơ Nguyễn Trãi chúc Tết người Việt Mỹ nhờ Nga hỗ trợ chuẩn bị kế hoạch thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 Mỹ nhờ Nga hỗ trợ chuẩn bị kế hoạch thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 Ông Kim Jong Un: 'Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ được thế giới hoan nghênh' Ông Kim Jong Un: "Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ được thế giới hoan nghênh"
TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0