Một nhà đầu tư quan sát diễn biến thị trường chiều 24-5tại sàn giao dịch BSC quận 1 - Ảnh: TRẤN KIÊN
Mở đầu phiên giao dịch buổi sáng, VN Index đã bức phá lên 1.000 điểm và nhanh chóng suy giảm sau khi chứng kiến một đợt bán ra chốt lời trên 1 triệu cổ phiếu của nhà đầu tư.
Đầu phiên chiều, VN Index tiếp tục giảm mạnh về 970 điểm, có lúc thị trường mất đến 13 điểm.
Tuy nhiên, lực mua bắt đáy hơn 2,2 triệu cổ phiếu vào phút chót đã kéo chỉ số này về lại 990 điểm để kết thúc phiên đạt 986 điểm, giảm ba điểm so với phiên giao dịch ngày hôm trước.
Chỉ số VN30 giảm đến 8 điểm, với 24 mã đỏ trên 5 mã xanh. Đây được cho là tác nhân chính làm thị trường chứng khoán suy giảm hôm nay, 24-5.
Ngành ngân hàng và khai khoáng có các mã VN30 trụ cột suy giảm lần lượt là 1, 88% và 1,54%.
Có 10 trong tổng số 12 mã ngân hàng niêm yết trên hai sàn HoSE và HNX "đỏ lửa", trừ mã EIB của Eximbank tăng nhẹ và mã NVB của Ngân hàng TMCP Quốc dân đứng giá
Giảm mạnh nhất là HDB của Ngân hàng HDBank, mất 2.200 đồng trong phiên suy giảm thứ ba liên tiếp, còn 35.500 đồng/cổ phiếu
Mã VCB của Ngân hàng Vietcombank giảm 1.200 đồng, còn 53.300 đồng/cổ phiếu trong khi mã BID của Ngân hàng BIDV giảm 800 đồng, còn 29.650 đồng/cổ phiếu.
Mã GAS của PVGas giảm nhẹ 100 đồng, còn 113.200 đồng/cổ phiếu. Tương tự, mã PLX của Petrolimex cũng giảm nhẹ 300 đồng, còn 63.000 đồng/cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, ba mã cổ phiếu đứng trong top 3 về vốn hóa thị trường trên sàn HoSE là VIC (Tập đoàn Vingroup), VHM (Vinhomes) và cổ phiếu VNM của Vinamilk giữ được đà tăng trưởng, chống đỡ sự lao dốc của thị trường hôm nay.
Mã VIC của Tập đoàn Vingroup "đỏ lửa" từ đầu phiên sáng đến giữa phiên chiều và bất ngờ chuyển "xanh" vào cuối phiên khi tăng 1.100 đồng, lên 104.100 đồng/cổ phiếu.
Mã VHM của Vinhomes tăng mạnh 4.200 đồng, lên 114.500 đồng/cổ phiếu, gần bằng với giá giao dịch thỏa thuận trong phiên đạt kỷ lục 1,35 tỉ USD ngày 18-5.
Bên cạnh đó, mã VRE của Vincom Retail thuộc công ty mẹ là Tập đoàn Vingroup cũng tăng nhẹ 100 đồng, lên 43.600 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên nhờ đợt khớp lệnh ATC.
Có thể nói, bộ ba mã cổ phiếu Vingroup đã lội ngược dòng ngoạn mục trong phiên suy giảm của thị trường, bất chấp lực khối ngoại bán ròng gấp đôi tính trên mỗi mã.
Trong khi đó, mã VNM của Vinamilk tăng 700 đồng, lên 168.000 đồng/cổ phiếu nhờ vào lực mua gấp 6 lần của khối ngoại.
Trái ngược với phiên 23-5, phiên giao dịch hôm nay chứng khiến thanh khoản toàn thị trường thấp đột ngột, chỉ đạt trên 4.000 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận