20/04/2023 12:59 GMT+7

Bị 'bỏ quên', ba hiệp hội kiến nghị bổ sung đất chăn nuôi vào Luật Đất đai sửa đổi

Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam cùng kiến nghị gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Bị bỏ quên, ba hiệp hội kiến nghị bổ sung đất chăn nuôi vào Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 1.

Các hội, hiệp hội kiến nghị bổ sung quỹ đất chăn nuôi trong Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh: C.TUỆ

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam vừa đồng loạt ký vào văn bản gửi bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị về quỹ đất và đánh giá tác động môi trường trong chăn nuôi.

Thêm đất cho chăn nuôi vào Luật Đất đai 

Lý do của kiến nghị này, theo đại diện ba hiệp hội, hiện nay giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đang chiếm khoảng 24% trong toàn bộ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi lại không có quỹ đất rõ ràng cho chăn nuôi.

Theo kết quả điều tra thống kê năm 2020, tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước là gần 28 triệu ha, trong đó đất trồng trọt 11 triệu ha, đất lâm nghiệp 15 triệu ha, đất nuôi trồng thủy sản gần 800.000ha, đất làm muối 15.500ha và đất nông nghiệp khác 58.000ha.

Trong khi các nước trên thế giới đều dành một tỉ trọng rất lớn đất cho chăn nuôi, nhất là các nước châu Âu, thường đất đồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi luôn chiếm từ 50-70% diện tích đất nông nghiệp. Cá biệt như Ireland có tới trên 90% diện tích đất nông nghiệp là đồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi...

Bên cạnh đó, quỹ đất cho nhu cầu di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi là rất lớn.

Lấy ví dụ từ tỉnh Đồng Nai, số cơ sở chăn nuôi phải di dời của tỉnh này tính đến ngày 1-1-2025 là 3.006 cơ sở.

Nếu tính mức tối thiểu diện tích trung bình cho 1 cơ sở chăn nuôi trang trại nhỏ và vừa hiện nay dao động từ 1-5 ha, thì Đồng Nai phải cần từ 3.000 - 15.000ha đất lõi để xây dựng chuồng trại.

"Hiện nay, tỉnh Đồng Nai và các cơ sở chăn nuôi buộc phải di dời đang gặp khó khăn lớn nhất đó là đất đai và mặt bằng phải đáp ứng được với yêu cầu đủ điều kiện chăn nuôi.

Như vậy, nếu tính đủ nhu cầu đất đai cho việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm chăn nuôi trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025 sẽ cần đến hàng trăm ngàn ha" - văn bản nêu rõ.

Do vậy, đại diện ba hiệp hội kiến nghị cần đưa vào phần giải thích từ ngữ của Luật Đất đai khái niệm làm rõ đất cho chăn nuôi tập trung để các địa phương áp dụng trong quy hoạch, vì chăn nuôi tập trung có tính đặc thù cao: "Là đất nông nghiệp, có thể xây dựng được chuồng trại lâu dài, đảm bảo yêu cầu vệ sinh phòng bệnh cho con người, vật nuôi và môi trường sinh thái...".

Kiến nghị của các hội, hiệp hội ngành chăn nuôi cũng nhấn mạnh, nếu không có quy định rõ trong luật thì không bao giờ chúng ta có được ngành chăn nuôi phát triển bền vững và người chăn nuôi thì lúc nào cũng nơm nớp, không dám đầu tư.

Các hội, hiệp hội cũng đề nghị bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, thực sự phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn Việt Nam.

10.000 cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai sẽ bị kiểm tra về môi trường10.000 cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai sẽ bị kiểm tra về môi trường

Ngày 17-4, UBND tỉnh Đồng Nai cho hay sẽ tiến hành đợt tổng kiểm tra môi trường đối với gần 10.000 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên