Tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) những trường hợp có thân nhiệt cao và khi khai báo y tế có biểu hiện của bệnh sẽ được đưa vào phòng khám sốt để khám chuyên sâu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Những ngày giữa tháng 3-2020, chị N.T.P.T. ở Hà Nội chuẩn bị trở lại Trung Quốc làm việc, trước đó chị đã trì hoãn vì dịch bệnh nên không thể trì hoãn thêm. Để được phép nhập cảnh, phía Trung Quốc yêu cầu chị T. có giấy chứng nhận không nhiễm virus corona chủng mới.
Chị đi hỏi ở nhiều nơi thì đều nhận được câu trả lời: chỉ người có nguy cơ mới được xét nghiệm và xét nghiệm này (khoảng 2 triệu đồng/xét nghiệm nếu thực hiện tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) do ngân sách chi trả.
Tuy nhiên nhu cầu xét nghiệm để đi làm việc, đi học là có thực, và nếu thực hiện theo nhu cầu của khách hàng thì coi như dịch vụ, người có nhu cầu sẽ chi trả phí, thế nhưng mãi gần đây khi số cơ sở xét nghiệm COVID-19 được Bộ Y tế cho phép tăng lên đến gần 40 cơ sở thì những người có nhu cầu chính đáng mới có thể chi trả và được xét nghiệm.
Mở rộng xét nghiệm tới đâu?
Trả lời báo chí gần đây, Bộ Y tế cho biết hiện Việt Nam không thiếu sinh phẩm xét nghiệm. "Bộ Y tế vừa nhận 200.000 bộ xét nghiệm nhanh nhập khẩu từ Hàn Quốc, số này sẽ được dành test sàng lọc cho người ở khu cách ly, người có liên quan Bệnh viện Bạch Mai, người đang cách ly tại nhà" - ông Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết.
Ngoài ra trong tuần cuối tháng 3 và tuần đầu của tháng 4, Bộ Y tế đã nhận 200.000 test Realtime PCR, đây là loại test có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao, đang được sử dụng tại nhiều phòng xét nghiệm khắp Việt Nam.
Với số bộ xét nghiệm nhanh, Hà Nội là địa phương đầu tiên sử dụng để sàng lọc trong nhóm hơn 16.000 người đã đi khám chữa bệnh, thăm ốm, đi đám tang tại Bệnh viện Bạch Mai từ 12-3 nhưng cho đến nay chưa phát hiện ca bệnh nào bằng test nhanh. Tất cả các trường hợp dương tính đều là dương tính giả sau khi được kiểm tra lại.
Tới đây, việc xét nghiệm sẽ tiếp tục mở rộng, có thể điều tra cắt ngang tại một phường, một xã có nguy cơ để đánh giá mầm bệnh ngoài cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo Việt Nam nên triển khai xét nghiệm ở đối tượng có yếu tố dịch tễ, từng ở ổ dịch, ở vùng dịch nước ngoài về, có ho, sốt...
Bên cạnh đó, với số lượng phòng xét nghiệm được phép xét nghiệm COVID-19 đã tăng lên, có thể mở rộng dịch vụ xét nghiệm theo yêu cầu cho người dân mà không làm tăng thêm chi phí ngân sách.
Sàng lọc bệnh nhân ngay tại cổng chính Bệnh viện Phụ sản trung ương, người bệnh và người nhà đến đây được trang bị tấm chắn giọt bắn để phòng bệnh - Ảnh: VIỆT DŨNG
Hai bệnh viện xét nghiệm theo yêu cầu
Hiện nay trên địa bàn TP.HCM ngoài 5 đơn vị công lập gồm Viện Pasteur, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện FV là đơn vị y tế tư nhân đầu tiên được thực hiện xét nghiệm virus corona.
Trong đó, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện FV đã triển khai dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu.
Trước đó, Chính phủ và Bộ Y tế đang phải thực hiện xét nghiệm miễn phí cho toàn bộ đối tượng buộc phải xét nghiệm: người có yếu tố dịch tễ (đến từ vùng dịch, có tiếp xúc với người bị nhiễm hoặc người nghi ngờ bị mắc COVID-19), người có các triệu chứng nghi ngờ. Người dân không thuộc diện phải xét nghiệm bắt buộc, dù có nhu cầu xét nghiệm tự nguyện cũng không được đáp ứng.
Bác sĩ Jean-Marcel Guillon, tổng giám đốc Bệnh viện FV, cho biết theo quyết định của Bộ Y tế, từ ngày 3-4 Bệnh viện FV được làm xét nghiệm phục vụ cho đối tượng là người dân tự nguyện muốn được xét nghiệm virus corona. Chi phí một lần xét nghiệm tại bệnh viện là 3 triệu đồng.
Để an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến FV trong thời gian dịch bệnh, FV có một quy trình sàng lọc phân loại đối tượng phải xét nghiệm bắt buộc (có yếu tố dịch tễ và triệu chứng) để cách ly theo quy định. Người thuộc diện xét nghiệm bắt buộc, Bệnh viện FV thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM để tổ chức đưa đi xét nghiệm tại các đơn vị xét nghiệm miễn phí.
Trường hợp người dân chọn xét nghiệm tại Bệnh viện FV thì phải trả phí xét nghiệm theo yêu cầu.
Theo bác sĩ Jean-Marcel Guillon, từ khi được phép thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu (ngày 3-4) đến nay, mỗi ngày Bệnh viện FV thực hiện hàng chục ca xét nghiệm và chưa phát hiện ca nào dương tính.
Đối với các trường hợp có nghi ngờ thì không chỉ xét nghiệm một lần. Bệnh nhân sẽ phải được cách ly cho đến khi khẳng định không nhiễm bệnh. Quy trình có thể phải chụp cả CT phổi, phải được xét nghiệm thêm lần 2, lần 3.
Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất - cho biết ngoài thực hiện xét nghiệm virus corona cho những bệnh nhân do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chuyển đến (miễn phí), Bệnh viện Thống Nhất đã triển khai xét nghiệm có thu phí cho những người bệnh có triệu chứng và lo lắng bị nhiễm COVID-19, từ ngày 6-4.
Tuy nhiên, không phải người bệnh nào muốn cũng được thực hiện xét nghiệm mà phải qua quy trình khám bệnh. Khi khám bệnh, bác sĩ thấy người bệnh có triệu chứng sốt, viêm đường hô hấp, có tiếp xúc với người nước ngoài, gần khu vực sinh sống có người nhiễm COVID-19 thì mới được thực hiện xét nghiệm.
Đến nay, Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện xét nghiệm cho 15 ca nghi ngờ (F2) và đều cho kết quả âm tính.
TP.HCM nâng cấp quy trình sàng lọc
Sáng 7-4, người dân đến khám tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) được sàng lọc, khai báo tiền sử dịch tễ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện TP chưa thể thực hiện xét nghiệm diện rộng do chưa đủ số lượng bộ xét nghiệm đạt chuẩn cần thiết. Để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, các cơ sở y tế đã triển khai quy trình sàng lọc ngay từ đầu vào.
Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, mọi người đến đều được bảo vệ hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, sau đó tiến hành đo thân nhiệt và khai báo y tế điện tử trong trật tự và giữ khoảng cách 2m.
Nếu không có yếu tố dịch tễ và triệu chứng nghi ngờ, người bệnh và thân nhân được nhân viên y tế dán lên áo logo với dòng chữ: "Đã kiểm tra thân nhiệt. Đã sàng lọc" để di chuyển tiếp đến các khoa, phòng. Người nào có yếu tố dịch tễ hoặc có triệu chứng nghi ngờ sẽ được đưa đến phòng khám dã chiến đặt ngay trong khuôn viên bệnh viện.
"Việc sàng lọc là để bảo vệ cơ sở y tế - nơi có nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý đang điều trị. Nếu không tổ chức sàng lọc tốt thì có thể xuất hiện ca dương tính trong khu vực bệnh viện. Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là một cảnh báo cho tất cả các cơ sở y tế còn lại nâng cấp việc sàng lọc" - ThS.BS Âu Thanh Tùng nói.
Tương tự, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM cũng tiến hành đo thân nhiệt và khai báo y tế (bằng giấy) tại cổng đối với tất cả mọi người đến hiến máu hoặc liên hệ công tác. Tại tầng trệt bệnh viện, người hiến máu sẽ được đo huyết áp và điền thông tin vào mẫu giấy hiến máu. Trước đây, những việc này sẽ được thực hiện tại khoa tiếp nhận máu, tuy nhiên để gia tăng khoảng cách, bệnh viện bố trí bàn đo huyết áp và hiến máu tại hai tầng riêng biệt. (XUÂN MAI)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận