Chứng nhận tiêu chuẩn điều trị suy tim này là một tiêu chuẩn khắt khe của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) trong việc nâng cao chất lượng điều trị suy tim tốt nhất đến người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - khẳng định để đạt được chứng nhận này, đơn vị phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe gồm đảm bảo phần trăm người bệnh suy tim tuân thủ thuốc điều trị, thực hiện cận lâm sàng, đánh giá theo dõi sau xuất viện, thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe.
"Các tiêu chí này phải đạt được đối với ít nhất 85% bệnh nhân suy tim và phải duy trì kết quả này trong ít nhất 90 ngày liên tục.
Nếu kết quả này tiếp tục được duy trì đến 12 tháng sẽ được chứng nhận bạc" - bác sĩ Hải nói.
Bác sĩ Phạm Trương Mỹ Dung - phó trưởng khoa nội tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết suy tim là hậu quả sau cùng trong chuỗi bệnh lý tim mạch, từ những bệnh thường gặp như tăng huyết áp, đái tháo đường cho đến những bệnh phức tạp như nhồi máu cơ tim với tỉ lệ mắc từ 1-2% dân số.
Tại Việt Nam chưa có thống kê về suy tim trong dân số. Tuy nhiên, với mức độ già hóa dân số, số lượng người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính ngày càng tăng dần... có thể tỉ lệ mắc suy tim càng tăng hơn trong thời gian tới.
"Trên thực tế điều trị người bệnh suy tim gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khó đạt được liều đích (liều thuốc được chứng minh giảm tử vong nhiều nhất) trong quá trình điều trị. Ngay cả ở các nước phát triển, số lượng người bệnh suy tim đạt được liều đích cũng chỉ khoảng 8 - 22%" - bác sĩ Dung nói.
Chương trình chăm sóc bệnh nhân suy tim, theo bác sĩ Dung, là một quá trình lâu dài, liên tục và toàn diện.
Do đó, việc hình thành đơn vị suy tim là một điều không thể thiếu để đảm bảo chất lượng điều trị bệnh nhân.
Năm 2021 khoa tham gia dự án điều trị suy tim theo chuẩn AHA với mục đích đảm bảo việc điều trị, chăm sóc và giáo dục bệnh nhân suy tim một cách toàn diện, giúp bệnh nhân tiếp cận đầy đủ và toàn diện các tiến bộ y khoa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận