Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - tại lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận của đơn vị sáng 16-3. Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP.HCM, cùng nhiều chuyên gia hàng đầu về ghép tạng ở Việt Nam.
Các ca ghép tạng tỉ lệ thành công cao
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết ngày 28 và 29-12-1992 (sau ca ghép tạng đầu tiên của cả nước ít tháng), với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, bệnh viện đã ghép thận thành công cho 2 trường hợp đầu tiên.
Và từ dấu mốc này góp phần đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của chuyên ngành ghép thận và ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Số lượng ghép ngày càng tăng, sau 30 năm bệnh viện đã ghép trên 1.100 trường hợp với tỉ lệ thành công cao, tương đương với các nước trên thế giới.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là đơn vị tiên phong triển khai các giải pháp mở rộng nguồn thận hiến như ghép thận từ người cho chết não (2008); từ người cho tim ngừng đập (2015), ghép đổi chéo người cho (2017) và ghép không tương hợp nhóm máu ABO (2021)...
Và để phát triển nguồn thận ghép, tạo sự công bằng trong ghép tạng, từ năm 2014 Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người. Trong đó phát triển Đơn vị ghép thận trở thành một trong những trung tâm ghép thận hàng đầu của cả nước.
Bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng điều trị như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot trong lấy thận, ghép thận đón đầu (trước đây chạy thận nhân tạo), ghép ở các đối tượng có nguy cơ miễn dịch cao... Đồng thời, xây dựng các quy trình trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân sau ghép.
Song song với việc đào tạo xây dựng đội ngũ kế thừa, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng hợp tác với nhiều trung tâm ghép tạng trên thế giới, đồng thời hỗ trợ hơn 10 trung tâm trong nước phát triển về ghép thận.
Tạng hiến - món quà vô giá
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ để có được các ca ghép tạng thành công như ngày hôm nay không thể thiếu người đăng ký hiến tạng. Ông gửi lời cảm ơn và tri ân tới những người đã hiến một phần mô, bộ phận cơ thể của mình và những người sẽ hiến một bộ phận cơ thể của mình cứu sống nhiều người khác.
"Từ ca ghép tạng đầu tiên năm 1992 tại Học viện Quân y (Hà Nội), ghép tạng đã trở thành kỹ thuật thường quy. Hiến tạng là món quà vô giá, không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn mở ra sự hồi sinh cho hàng ngàn người bệnh đứng bên bờ vực của cái chết" - ông Thuấn nhấn mạnh.
Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định kỹ thuật hiến ghép tạng là điều hết sức cần thiết cho xã hội. Và đây được xem là nguồn tài sản vô giá, chính là sự kết nối của các cuộc đời qua đời do chết não với những đời người ở lại.
Với các kết quả mang lại, ông Nguyễn Tri Thức cho rằng: "Người bệnh có thể trở lại cuộc sống đời thường và tiếp tục cống hiến cho gia đình, xã hội. Chính vì vậy, ghép thận được đánh giá là một trong mười thành tựu vĩ đại của nhân loại ở thế kỷ 20".
Số người đăng ký hiến tạng tăng
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết nếu như năm 2014 chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng thì đến năm 2022 có đến 62.555 người đăng ký. Trong đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy có số người đăng ký hiến tạng cao nhất, chiếm khoảng 50%. Hiện nay trên thế giới mỗi năm có 40.000 ca cấy ghép các bộ phận cơ thể người và có khoảng 460.000 người đang sống nhờ một hoặc vài bộ phận của người khác.
Tại buổi lễ có 17 cá nhân là giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ được UBND TP.HCM vinh danh, trao tặng bằng khen với công lao đặt nền móng cho sự nghiệp ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận