07/02/2015 11:54 GMT+7

​Bệnh “báo cáo đẹp”

LAN ANH
LAN ANH

TT - Những câu chuyện kiểu thực tế một đằng, báo cáo một nẻo không phải xa lạ trong ngành y tế.

Các bệnh nhi phải nằm ghép giường tại Bệnh viện Nhi T.Ư - Ảnh: Thùy Anh

Tuần trước, ngay sau khi giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương Lê Thanh Hải thông báo bệnh viện này bốn tháng nay không còn nằm ghép thì phóng viên VOV đã cho ông Hải biết mới ngày 12-1, con chị vào Bệnh viện Nhi trung ương và phải nằm ghép ba cháu/giường.

Muốn được nằm giường riêng, gia đình phải thuê loại giường dịch vụ 660.000 đồng, trong đó có 60.000 đồng/ngày là tiền điện nước cha mẹ bệnh nhi dùng khi... trông con nằm viện.

Tại Bệnh viện Việt Đức, giám đốc bệnh viện này cho biết từ lâu lắm rồi bệnh viện không còn nằm ghép. Quá đẹp. Có điều thực tế thì không thật sự đẹp như vậy, bởi không nằm ghép là vì ra ngoài hành lang mà nằm hoặc nằm cáng!

Những câu chuyện kiểu thực tế một đằng, báo cáo một nẻo không phải xa lạ trong ngành y tế.

Là ngành dịch vụ gắn với người dân, người dân nhận dịch vụ, người dân giám sát, kiểm tra và phản hồi chất lượng hằng ngày khiến ngành y tế lúc nào cũng nóng. Và với những người làm ngành y, áp lực làm giảm sức nóng ấy cũng đang khiến họ trở nên nôn nóng.

Mới nhất, ngày 4 và 5-2, khi các tỉnh thành xử phạt rất nhiều vụ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì tại một hội nghị trực tuyến lần đầu tiên có sự tham gia của 650 điểm cầu từ y tế tuyến huyện đến trung ương, các báo cáo về an toàn thực phẩm đánh giá tình hình hiện nay là hết sức an toàn, gần như mỹ mãn, không còn gì phải lo.

Thực tế một đằng, báo cáo một nẻo càng khiến những báo cáo quá đẹp về tình hình an toàn thực phẩm trở nên khó tin.

Trong thời buổi báo chí công dân như hiện nay, mỗi người dân với một chiếc điện thoại di động loại thông thường cũng có thể quay clip, tự công bố trên Internet để phản ảnh những bức xúc của mình. Trong đó có vô vàn vụ bức xúc liên quan đến lĩnh vực y tế, vệ sinh thực phẩm.

Bệnh làm đẹp báo cáo đã khiến một quan chức ngành y tế đặt câu hỏi “các báo cáo đều đẹp mà làm sao người dân vẫn không tin thực phẩm an toàn?”.

Lần đầu tiên sau nhiều năm người dân buộc phải chấp nhận giường ghép, quyền cơ bản mỗi người bệnh một giường cũng không được thực hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát động bệnh viện, trước hết là 38 bệnh viện tuyến trung ương cam kết không nằm ghép.

Nói như ông Nguyễn Văn Tiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đây là một biện pháp quản lý nhà nước mạnh tay.

Trong vấn đề thực phẩm, riêng tỉnh Nghệ An dịp tết này cũng có đến hàng trăm đoàn thanh tra, kiểm tra thực phẩm. Sắp tới Hà Nội và TP.HCM sẽ thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, có thể xử phạt tại chỗ nếu phát hiện vi phạm.

Công cụ nhiều, làm mạnh tay, mong muốn thực phẩm sạch, bệnh viện không nằm ghép là mơ ước của mọi người dân chứ không chỉ riêng ngành y tế, nhưng nó phải được đặt ra trong điều kiện có cơ sở để thực hiện, chứ không phải có thêm thanh tra chuyên ngành để thêm một lực lượng làm khó người kinh doanh nhỏ, trong khi tình hình an toàn thực phẩm vẫn như thế.

Không phải cam kết không nằm giường ghép bằng việc đưa bệnh nhân ra ngoại trú nhiều hơn, hay cho nằm cáng, nằm hành lang.

Một năm mới đang đến, mong rằng những báo cáo đẹp trong năm mới của ngành y tế là những báo cáo thực chất hơn, người dân đỡ khổ hơn, không thêm âu lo, bức xúc vì câu chuyện trái ngược giữa thực tế và báo cáo.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên