Người dùng Internet ở Mỹ quan tâm đến ông Trump gấp 5 lần hơn ông Biden (trái) - Ảnh: AFP
Nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ gồm ba nhà khoa học là GS Jacques Savoy và chuyên gia Loris Schmid (xử lý ngôn ngữ tự nhiên) tại Viện Khoa học máy tính thuộc Đại học Neuchâtel cùng TS khoa học chính trị Christoph Glauser - chuyên gia truyền thông tại Viện Nghiên cứu ứng dụng trong biện luận ở Bern.
Ông Trump dẫn đầu số lượng tìm kiếm
Theo báo Tribune de Genève (Thụy Sĩ), nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ đã phân tích các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội, qua đó nhận thấy người dùng Internet ở Mỹ bày tỏ thái độ quan tâm đến ông Trump cao gấp 5 lần so với ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden
Trong thông báo hôm 10-9, nhóm này nhận xét: "Ông Trump sử dụng các cảm xúc như sợ hãi và tức giận" trong khi "các tweet của ông Biden nhấn mạnh đến giá trị đạo đức và chỉ trích hành động của chính quyền của Tổng thống Trump trong đại dịch COVID-19".
TS Christoph Glauser ghi nhận bầu cử Mỹ hiện nay đã biến thành một cuộc trưng cầu ý dân về ủng hộ hay phản đối ông Trump. Ngoài ra, chiến dịch tranh cử của ông Biden không đạt yêu cầu như của bà Clinton 4 năm trước.
Ông Glauser lưu ý: "Sự hiện diện và khả năng hiển thị trên Internet cũng như thái độ tham gia tích cực là các yếu tố rất quan trọng để giành chiến thắng trong bầu cử".
Nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ cũng theo dõi mối quan tâm chính trị của người dùng Internet ở Mỹ bằng cách quan sát tần suất sử dụng các từ khóa liên quan đến việc làm, kinh tế, sức khỏe cộng đồng, COVID-19 hoặc giáo dục.
Họ đúc kết: "Trong hai tháng gần đây, người Mỹ quan tâm đặc biệt đến đại dịch CIVID-19, hoạt động kinh doanh và kinh tế nhưng ít quan tâm đến giáo dục".
So sánh với năm 2016, nhóm nghiên cứu nhận thấy ông Trump một lần nữa dẫn đầu số lượng tìm kiếm qua các công cụ tìm kiếm ở Mỹ. Họ ghi nhận: "Chiến dịch của ông Biden thực sự không tăng vọt trong suốt mùa hè năm 2020".
Trong khi đó, điều đáng ngạc nhiên là ông Trump vẫn thu hút chú ý của cộng đồng mạng ngay cả trong thời điểm nhạy cảm nhất khi phong trào ủng hộ người Mỹ da đen Black Lives Matter "quậy tưng".
Ông Trump được nhắc đến nhiều hơn với bình quân 37 tweet/ngày trong tháng 8-2020, so với 14 tweet/ngày nhắc đến ông Biden.
Phong trào Black Lives Matter biểu tình ở Portland (bang Oregon) trong tháng 8-2020 - Ảnh: AP
Nội dung các tweet nói lên điều gì?
Khác với chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump chia sẻ lại tweet thường xuyên hơn (35% số trường hợp).
Các tweet của Trump bao gồm nhiều tham chiếu hơn các tài khoản khác (4,4% so với 0,4% của Biden) và ít liên kết hơn (dùng cho video).
Trung bình, êkip của Trump lặp lại 10% số tweet đã đăng và tối đa 14 lần đối với tweet liên quan đến pháp luật và trật tự.
Nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ nhận xét: "Việc lặp đi lặp lại một tin nhắn, dù có nội dung sai hoặc gây nhầm lẫn, vẫn có thể giúp đạt được mục tiêu nhắm tới. Ví dụ bằng cách nhấn nhá chuyện báo New York Times đăng tin giả, nên chỉ 8% đảng viên Đảng Cộng hòa coi báo này là báo đáng tin cậy".
Kết quả phân tích tweet cho thấy ông Trump tập trung tấn công đối thủ Biden bằng những từ ngữ không mấy hay ho như "Biden ngủ gật" (đôi khi ông Trump viết là "Bidan") hoặc "cánh tả cực đoan".
Báo chí vẫn tiếp tục là mục tiêu thường xuyên của ông Trump.
Trong khi đó, ông Biden tỏ thái độ gần gũi bằng cách thường dùng các cách gọi như "người Mỹ", "người dân", "cử tri" hoặc đại từ "chúng ta" để thiết lập kết nối với người đọc.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ kết luận nếu chiến dịch tranh cử chỉ diễn ra trên Internet, ông Trump chắc chắn sẽ đắc cử.
Trong bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, kết quả thăm dò và báo chí đều cho rằng bà Hillary Clinton chiến thắng. Song qua nghiên cứu các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội như lần này, nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ đã từng dự báo trúng phóc ông Trump chiến thắng.
Để xem trong bầu cử Mỹ lần này họ dự báo đúng hay sai!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận