Ông Trump tuyên bố sẽ kéo dài lệnh cấm khoan dầu ngoài khơi Florida, Georgia và Nam Carolina trong vận động tranh cử tại Jupiter (bang Florida) ngày 8-9 - Ảnh: AP
Các nhà quan sát chính trị Mỹ và các công ty thăm dò dư luận đang toát mồ hôi lạnh với chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hiện nay theo đánh giá của kênh truyền hình TV5 (Pháp).
Theo TV5, có hai hiện tượng cho thấy "chưa biết mèo nào cắn mỉu nào" giữa ứng cử viên Donald Trump 74 tuổi (Đảng Cộng hòa) và ứng cử viên Joe Biden 77 tuổi (Đảng Dân chủ).
Tác động cử tri qua nền tảng Internet
Đầu tiên là kinh nghiệm tai hại từ cuộc bầu cử tổng thống bốn năm về trước khi các nhà phân tích chính trị, các hãng thăm dò và giới truyền thông đều đánh giá sai hoàn toàn về kết quả bầu cử.
Ứng cử viên Trump tưởng đã thua vì thái độ "sáng nắng chiều mưa", rốt cuộc lại nhận lãnh vòng nguyệt quế.
Tình hình bây giờ chẳng khác xưa. Kết quả thăm dò cho thấy ông Biden đang ở thế thượng phong vì ông Trump bị mất điểm trong cách thức quản lý đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, không có gì chắn chắn ông Trump sẽ thất bại.
Lý do chính của hiện tượng "năm ăn năm thua" lần này xuất phát từ hiện tượng thứ hai. Đó là khả năng tác động hàng loạt đến cử tri thông qua các nền tảng Internet lớn.
Đại dịch COVID-19 đã làm xáo trộn lịch trình tranh cử của các ứng cử viên. Các cuộc míttinh tranh cử nếu không bị hủy bỏ cũng giảm tối đa số người tham dự.
Vì thế tác động cử tri qua Internet rất quan trọng dù chưa rõ hiệu quả cụ thể thế nào.
Internet với mạng xã hội đã trở thành nguồn cung cấp thông tin và trao đổi chủ yếu tại Mỹ, đặc biệt khi nhiều nước bước vào thời kỳ phong tỏa chống dịch vào tháng 3 và 4-2020.
Phần lớn chiến dịch tranh cử hiện nay đang diễn ra trên không gian Internet.
Ảnh ông Biden đã qua chỉnh sửa làm cho già đi - Ảnh: FACEBOOK
Năm 2020 khác với năm 2016
TS chính trị học François-Bernard Huygue - giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp) - nhận định bầu cử tổng thống Mỹ năm nay khác biệt so với năm 2016.
Ông ghi nhận: "Cách đây bốn năm, bà Hillary Clinton cứ nghĩ bà ấy sẽ chiến thắng dễ dàng vì được rất nhiều báo lớn ủng hộ. Bà ấy ngạc nhiên khi nhìn thấy chiến dịch tranh cử của ông Trump phát triển trên mạng xã hội".
Ông Huygue cho rằng giới tinh hoa của Đảng Dân chủ vốn đã phát hiện hiện tượng tin giả rất chậm lại "vẫn còn ý tưởng rất ngây thơ về Internet" khi xem mạng xã hội như một công cụ vốn chỉ dành cho bọn trẻ thích múa bàn phím.
Năm 2020, Internet đã trở thành "không gian cho mọi thao túng" và các cơ quan gây ảnh hưởng bằng kỹ thuật số đã thay đổi phương pháp.
Thao túng hình ảnh trên mạng xã hội
TS François-Bernard Huygue nhận xét: "Để đánh bại ông Biden, người ta đã phát tán ý tưởng rằng mai mốt sẽ xảy ra bất ổn khắp nơi nếu Biden đắc cử".
Báo Huffington Post đưa tin hôm 3-9, đội ngũ tranh cử của ông Trump đã đăng trên Facebook hình ảnh ông Biden đã qua chỉnh sửa làm cho già đi thấy rõ để cạnh bức ảnh gốc.
Hình ảnh ngấm ngầm ám chỉ ông Biden quá già, mà già tất nhiên là sức khỏe kém, như vậy nếu ông Biden làm tổng thống, nước Mỹ sẽ không an toàn.
Hồi tháng 8 vừa qua, một video tung lên mạng với hình ảnh cho thấy một người được xem là ông Biden thiu thiu ngủ trong buổi phỏng vấn tại phim trường.
Thật ra cái đầu của ông Biden đã được ghép vào khuôn mặt ca sĩ Harry Bellafonte trong một sự kiện xảy ra mấy năm trước. Video này đã bị xóa khỏi Twitter.
Chiến dịch tấn công đối thủ không chỉ nhằm phát tán tin giả thuần túy (thông tin hoàn toàn bịa đặt) như năm 2016 mà còn tinh vi hơn bằng cách lặp đi lặp lại hình ảnh tiêu cực nào đó.
Theo TS François-Bernard Huygue, êkíp tranh cử của ông Trump dường như muốn hướng đến chủ đích chính "ông Biden là một ông già chậm chạp, yếu đuối".
Trong cổ học tinh hoa, bà mẹ của Tăng Sâm đã bỏ chạy khi đến lần thứ ba nghe người ta nói "Tăng Sâm giết người".
Bầu cử Mỹ cũng vậy, trò tung tin đồn là chiêu kinh điển tạo nghi ngờ nhằm khuyến khích một bộ phận cử tri ở nhà cho khỏe, khỏi cần đi bầu, như vậy có lợi cho ông Trump nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận