13/09/2024 11:47 GMT+7

Bầu cử Mỹ khó lường, Việt Nam cần chủ động kịch bản để đón cơ hội

Việc kết nối, tận dụng các mối quan hệ đối tác với Mỹ sẽ là chìa khóa để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh thay đổi chính trị toàn cầu.

Bầu cử Mỹ khó đoán: Doanh nghiệp Việt cần làm gì? - Ảnh 1.

Các diễn giả tham dự tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 12-9, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm chủ đề "Bầu cử ở Mỹ và những khả năng tác động đến kinh tế Việt Nam", diễn ra sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris hôm 10-9.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết mục đích của buổi tọa đàm này là cung cấp cho bạn đọc góc nhìn toàn cảnh về bầu cử Mỹ, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ thương mại với Mỹ.

Sự tương phản của hai ứng viên

Dưới sự điều phối của ông Huỳnh Thế Du, thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam, và ông Trần Xuân Toàn, buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi trong khoảng 150 phút với sự tham dự của các chuyên gia và lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp am hiểu quan hệ Việt - Mỹ trong và ngoài nước.

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đánh giá cuộc bầu cử năm nay vô cùng khác lạ, liên tục đảo chiều. "Đến nay bà Harris và đối thủ Donald Trump đang bám đuổi sát sao trong các cuộc thăm dò và vẫn còn những vùng xám", ông Vinh nhận định.

Bà Xuân Thảo Nguyễn, giám đốc Trung tâm luật châu Á, ĐH Washington, đánh giá hai ứng viên đã thể hiện sự tương phản rõ ràng. Dù nhận xét bà Harris giành được nhiều lợi thế hơn, bà Thảo nhấn mạnh chiến thắng cuộc tranh luận không đồng nghĩa với việc giành được Nhà Trắng và kết quả bỏ phiếu sẽ phụ thuộc nhiều vào các cử tri dao động tại những bang chiến trường.

Tương tự, TS Trần Đức Cảnh, chủ tịch Viện phát triển giáo dục ĐH Sài Gòn, cho rằng cuộc tranh luận cho thấy sự khác biệt về chính sách, quan điểm của hai ứng viên quá lớn, thậm chí có phần đối đầu đến mức dường như chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Điều thú vị là sự xáo trộn trong cơ cấu cử tri tại cuộc bầu cử năm nay.

Ông Cảnh cho biết nhiều cử tri vốn ủng hộ Dân chủ quay sang ủng hộ ngọn cờ "nước Mỹ trước tiên" của ông Trump và ngược lại, nhiều cử tri Cộng hòa truyền thống "đổi phe" ủng hộ bà Harris.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng về cơ bản hầu hết chính sách của bà Harris sẽ kế thừa chính sách của ông Biden. Trong khi đó, cựu tổng thống Trump được dự đoán vẫn theo đuổi chính sách thực dụng từng áp dụng trong giai đoạn cầm quyền.

Ông Phạm Quang Vinh cho rằng dù ứng viên nào thắng cử, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục duy trì sự quan tâm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam. "Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục phát triển nhưng với những cách tiếp cận khác nhau", ông nhận định.

Việt Nam cần chủ động đón cơ hội

Với tư cách là đại diện đơn vị đồng tổ chức sự kiện, TS Trương Minh Huy Vũ, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định dù là ứng viên nào chiến thắng, doanh nghiệp Việt Nam cần linh hoạt, chủ động và sáng tạo trong việc tiếp cận các cơ hội kinh tế mới.

"Việc kết nối, tận dụng các mối quan hệ đối tác với Mỹ sẽ là chìa khóa để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh thay đổi chính trị toàn cầu", ông Vũ chia sẻ thêm.

Giáo sư Eddy Malesky từ ĐH Duke cho rằng nếu bà Harris đắc cử, các chính sách thương mại của bà sẽ chú trọng đến chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là quan hệ đối tác với Đông Nam Á, trong khi ông Trump sẽ tập trung vào thâm hụt thương mại và thuế quan.

Ông Trần Như Tùng, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may năm 2024 sẽ đạt 44 tỉ USD. Theo ông, nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống, vì nhiều lý do, các nhà mua hàng của Mỹ sẽ tăng mua hàng từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, thông tin: "Năm ngoái kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt hơn 13 tỉ USD. Mỹ là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt trên 7,1 tỉ USD, có giảm nhẹ so với trước do ảnh hưởng suy thoái kinh tế chung. Tuy nhiên xét về quá trình, tỉ trọng kim ngạch từ thị trường Mỹ đang ngày càng tăng, từ 40% của năm 2018 đến gần 60% của năm 2023".

Trước những phân tích của các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động đón nhận các cơ hội và chuẩn bị tốt cho những thách thức phía trước. Theo TS Trần Đức Cảnh, doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào việc xây dựng quan hệ chặt chẽ với các đối tác và nghiệp đoàn Mỹ, từ đó sẽ nhận được sự hỗ trợ chính sách tốt hơn từ các địa phương Mỹ.

Chuẩn bị cho chuyển đổi xanh

Tại tọa đàm, luật sư Trần Anh Đức kể khi ông tiếp xúc với nhà đầu tư Mỹ, họ liền hỏi tiếp cận nguồn năng lượng xanh tại Việt Nam. "Cái đó là mới", ông Đức cho hay.

Ông Đức nhấn mạnh một trong những xu hướng chính trong thương mại toàn cầu là việc chuyển đổi sang năng lượng xanh và phát triển bền vững nên các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị cho sự chuyển đổi này. Ông kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải đẩy nhanh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh.

Bầu cử Mỹ khó đoán: Doanh nghiệp Việt cần làm gì? - Ảnh 2.Bầu cử Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Kamala Harris đã diễn ra sáng 11-9, cho thấy rõ hơn quan điểm chính sách kinh tế của hai ứng cử viên. Chúng có tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên